Reuters ngày 1/7 đưa tin, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông hy vọng có thể "hạ cánh mềm" trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết ngày 12/7 tới đây. Ông Duterte nói điều này trong cuộc họp Nội các đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: nepalesevoice.com.au. |
Trung Quốc yêu sách đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và cả phần lớn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines.
Chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã khởi kiện Trung Quốc ra PCA tháng Giêng năm 2013 với nội dung áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Nỗ lực của Manila sử dụng con đường pháp lý và cơ quan tài phán quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông được đưa ra sau hơn 18 năm nỗ lực đàm phán song phương với Trung Quốc không đi đến đâu.
Người viết cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở chỗ Trung Quốc đưa ra tiền đề không ai chấp nhận được: Phải thừa nhận phạm vi đường lưỡi bò thuộc "chủ quyền Trung Quốc", sau đó đàm phán gì thì đàm phán.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu trong cuộc họp Nội các đầu tiên do ông Duterte chủ trì đã cho biết, ông từ chối đề nghị ra một tuyên bố mạnh mẽ "chống lại Trung Quốc" nếu phán quyết của PCA nghiêng về Philippines. "Tôi không thích ý tưởng đó", Perfecto Yasay nói.
Theo ông, chính phủ mới sẽ nghiên cứu tác động và hậu quả của phán quyết trước tiên. Tân Tổng thống Rodrigo Duterte thì hy vọng một "hạ cánh mềm" với Trung Quốc sẽ diễn ra trên Biển Đông: "Có Chúa chứng giám, tôi thực sự không muốn khiêu chiến với bất kỳ ai".
Còn theo tường thuật của tờ Macau Daily Times ngày 1/7, phát biểu "nhạy cảm" của ông Perfecto Yasay được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia của Philippines trước khi nó bị đột ngột dừng lại.
Cá nhân người viết cho rằng, động thái này của tân Nội các Philippines thể hiện sự tính toán thận trọng trong phản ứng với Trung Quốc, không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA.
Mặc dù cá nhân ông Rodrigo Duterte cũng đã không ít lần phát biểu công khai về xu hướng muốn quay lại bàn đàm phán với Trung Quốc, kể cả phương án đàm phán song phương.
Người tiền nhiệm Bernigno Aquino III và cộng sự đã "bổ nhát cuốc" pháp lý đầu tiên vào đường lưỡi bò bành trướng, theo người viết là một đóng góp quan trọng không chỉ cho Philippines, mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, cho những nước có quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, nhằm bảo vệ tính trong sáng và hiệu lực của UNCLOS 1982.
Còn việc người kế nhiệm ông Bernigno Aquino III có bước tiếp con đường ông Aquino đã đi hay không, có phát huy tác dụng của vụ kiện và phán quyết của PCA hay không, và phát huy đến đâu là việc của ông Rodrigo Duterte.
Tuy nhiên người viết tin rằng, dù có những phát biểu trái chiều, nghịch ý với phần đông dư luận, nhưng khi đã ngồi vào ghế nguyên thủ quốc gia, lợi ích quốc gia dân tộc hợp pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế vẫn là tối thượng đối với ông Duterte cũng như các chính khác bất kỳ quốc gia nào.
Những ai đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc hợp pháp ấy thông thường đều phải đối mặt với phán xét của quần chúng nhân dân đương thời và hậu thế, và có thể sẽ phải trả giá đắt.
Lúc này chưa thể khẳng định Manila sẽ ứng xử ra sao với phán quyết của PCA bởi cần có thêm thời gian, và dù sao phán quyết của Tòa phải tới ngày 12/7 mới có.
Nhưng chắc chắn một điều, thái độ của Manila là bên khởi kiện, của Bắc Kinh là bên bị kiện dù có thế nào đi nữa cũng không ảnh hưởng đến phán quyết và hiệu lực phán quyết của PCA, bởi công lý, công pháp quốc tế là trên hết.