Từ năm 2015, nước ta tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tích hợp hai kì thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học). Sự thay đổi này đặt ra cho cả giáo viên và học sinh nhiều băn khoăn, thắc mắc liên quan đến nội dung kiến thức, phương pháp, kĩ năng ôn luyện và làm bài thi.
Bài viết này tập trung vào hướng dẫn học sinh ôn luyện và làm bài thi trung học phổ thông quốc gia môn Lịch sử. Từ kết quả nghiên cứu lí luận và kinh nghiệm thực tiễn, tác giả đã đưa ra 5 nhóm phương pháp, kĩ năng ôn luyện và làm bài thi môn Lịch sử để đạt hiệu quả.
Vận dụng công thức “5W - 2 How” khi ôn luyện và làm bài thi
Công thức “5W - 2 How” là viết tắt của các “từ khóa” trong tiếng Anh, gồm: What? (sự kiện (SK) LS gì đã xảy ra và như thế nào?); When? (vào thời điểm nào?); Who? (gắn liền với ai - nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào?...); Where? (gắn với địa điểm, không gian nào?);
Khi vận dụng 4W trên trong ôn luyện, giáo viên yêu cầu học sinh không nên máy móc, vì trong một số trường hợp sự kiện lịch sử không cần phải chi tiết, cụ thể về ngày/tháng/năm mà mang “tính tương đối”.
Thời gian của sự kiện lịch sử rất đa dạng, có thể được tính bằng phút (10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, xe tăng và bộ binh quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ nội các Sài Gòn); có khi theo mùa (mùa hè năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với Luận cương của Lênin…), hoặc thập kỉ, thế kỉ (đầu thập kỉ, cuối thế kỉ…);
Đôi khi lại dùng cụm từ chỉ tương đối “trong những năm”, “đầu những năm”, “cuối những năm” (những năm 20 của thế kỉ XX, phong trào yêu nước ở Việt Nam có hai khuynh hướng chính trị cùng tồn tại là tư sản và vô sản…).
Tương tự, không gian Lịch sử diễn ra có thể là một gốc cây đa (cây đa Tân Trào - nơi diễn ra lễ xuất quân của một đơn vị Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945), tại một cứ điểm, căn cứ (cứ điểm Điện Biên Phủ), vùng miền, khu vực… (miền Bắc Việt Nam, khu vực Đông Nam Á …);
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn Toán. Ảnh minh họa Xuân Trung |
Why? (lí giải vì sao, tại sao sự kiện lịch sử lại diễn ra như vậy? tức là phải bình luận, nhận xét, đánh giá, chứng minh, giải thích, lí giải…. về sự kiện). Giáo viên cần lưu ý học sinh: kiến thức Lịch sử luôn có hai phần:
“sử” (những sự kiện, hiện tượng đã diễn ra trong quá khứ, dù muốn hay không cũng không thay đổi được), không tranh luận, không hiện đại hóa hoặc xuyên tạc phần “sử” (gồm 4W ở trên); “luận” (Why?) là phần quan trọng đối với người học, ôn luyện và làm bài thi LS, điểm của bài thi cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào phần “luận” (khoảng 60-70% điểm số của bài thi).
Ví dụ, (khi đề cập về sự kiện Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến), các em phải lí giải được vì sao Đảng, Chính phủ ta lại phát động kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp vào ngày 19-12-1946 mà không phải là thời gian khác.
Mong sao thí sinh đừng để bị đình chỉ “oan” vì điện thoại di động(GDVN) - Những mùa thi gần đây, không có năm nào là không có những trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. |
Dĩ nhiên, để “luận” được phần “sử”, các em cần phải ghi nhớ, xác định được quá trình diễn ra của 4W ở trên (khác với học thuộc lòng, thuộc vẹt). Trên thực tế, không ít học sinh tuy biết được phần “sử”, nhưng lại không thể giải thích, nhận xét, bình luận được sự kiện.
Ví dụ: nhiều em tuy nhớ được chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7-5-1954, nhưng không thể lí giải được vì sao lại gọi đây là chiến thắng lớn nhất của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
“2 How” gồm: có các dạng câu hỏi nào (khi ôn luyện mỗi nội dung, chủ đề) và cách giải quyết mỗi dạng câu hỏi như thế nào? (xem mục 2.5 Kinh nghiệm làm bài với các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi).
Học theo “sơ đồ tư duy”, kết hợp với “từ khóa”
Cần lưu ý học sinh độ dài của bài thi không tỉ lệ thuận với điểm số của bài thi, không phải cứ viết thật dài là điểm cao, vấn đề cốt lõi là đủ ý, đúng ý và hiểu được bản chất của sự kiện. Vì vậy, nên sử dụng sơ đồ tư duy cả trong quá trình học và trước khi làm bài, phải phác thảo ra ý chính cần giải quyết, tránh bị thiếu sót ý.
Đặc biệt trong quá trình dạy học, ôn luyện, giáo viên cần nhấn mạnh một số từ, một số nội dung, khái niệm mà học sinh dễ bị nhầm lẫn, không chính xác làm sai đi bản chất của sự kiện.
Ví dụ, khi đề cập về nội dung cơ bản của Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), các em phải nêu được 3 ý chính cùng các “từ khóa”: Pháp công nhận ta là một quốc gia tự do…); Ta đồng ý cho Pháp.…; Hai bên đồng ý…). Nếu học sinh viết nhầm từ tự do thành độc lập thì sẽ không có điểm và bị đánh giá là học vẹt, không hiểu sự kiện lịch sử này.
Xác định, liên hệ những sự kiện lớn của thế giới có tác động trực tiếp đến Lịch sử Việt Nam ở cùng thời kì.
Lịch sử Việt Nam là một bộ phận của Lịch sử thế giới, nên sẽ chịu ảnh hưởng tác động những sự kiện Lịch sử thế giới, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Trong các dạng đề thi, học sinh sẽ gặp câu hỏi liên quan giữa Lịch sử thế giới và Lịch sử dân tộc. Ví dụ: Trình bày những thắng lợi của quân Đồng minh từ cuối năm 1944 đến giữa tháng 8-1945 và cho biết tác động của những thắng lợi đó đối với cách mạng Việt Nam. Hoặc: Phân tích hoàn cảnh LS dẫn đến sự chuyển hướng đấu tranh của Đảng trong thời kì 1939-1945…
Trong những trường hợp này, học sinh phải hiểu những sự kiện tiêu biểu của Lịch sử thế giới để liên hệ, vận dụng vào giải quyết những nội dung Lịch sử Việt Nam có liên quan.
Kinh nghiệm dạy học những nội dung LS có liên quan đến các Nghị quyết của Đảng trong giai đoạn 1930-1945.
Thực tiễn cho thấy, học sinh hay bị nhầm lẫn và rối khi học về những chủ trương chỉ đạo cách mạng trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là giai đoạn 1930-1945. Để khắc phục hạn chế này.
Bộ trưởng Nhạ: Năm nay, phụ huynh và thí sinh có thể sáng đi thi, chiều về nhà(GDVN) - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tới tính thuận lợi, nhẹ nhàng của Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 khi ông có buổi kiểm tra tại một số Hội đồng thi. |
Xác định 5 cụm “từ khóa” dưới đây (các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930, tháng 7-1936, tháng 11-1939, tháng 5-1941 và tháng 3-1945 cùng đề cập đến nội dung này):
1) Xác định đường lối chiến lược cách mạng (không bao giờ thay đổi): Đầu năm 1930, Cương lĩnh của Đảng xác định cách mạng Việt Nam trải qua 2 giai đoạn là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng, sau khi thành công sẽ bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ sau năm 1975, Việt Nam thực hiện giai đoạn 2 của đường lối này;
2) Xác định đối tượng, nhiệm vụ cách mạng (có thể thay đổi do hoàn cảnh lịch sử). Ví dụ, trong giai đoạn 1936-1939 Đảng xác định đối tượng mà cách mạng cần đánh đổ không phải là đế quốc Pháp nói chung mà là bọn phản động thuộc địa và tay sai;
Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 xác định kẻ thù là đế quốc Pháp và tay sai; Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 xác định kẻ thù là đế quốc - phát xít Nhật, Pháp và tay sai, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng sau ngày Nhật đảo chính Pháp xác định kẻ thù chỉ còn phát xít Nhật và tay sai của chúng - Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim);
3) Xác định lực lượng cách mạng và thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (có thể thay đổi do hoàn cảnh lịch sử).
Ví dụ, tháng 7-1936 Đảng đưa ra chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, đến tháng 3-1938 đổi tên thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tháng 11-1939 đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, tháng 5-1941 thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất đầu tiên của Việt Nam (Mặt trận Việt Minh);
4) Đưa ra khẩu hiệu đấu tranh (có thể thay đổi do hoàn cảnh lịch sử);
5) Xác định hình thức, phương pháp đấu tranh cách mạng (có thể thay đổi do hoàn cảnh);
6) Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) nhấn mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân (tích cực xây dựng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng).
Kinh nghiệm làm bài với các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi
Xu hướng đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá nói chung, môn Lịch sử nói riêng trong những năm gần đây, bên cạnh dạng câu hỏi “đóng” (nêu, trình bày, xác định, kể tên…), còn có dạng câu hỏi “mở”, yêu cầu thí sinh “vận dụng” kiến thức (lí giải, chứng minh, dựa vào bảng dữ liệu cho sẵn rồi đưa ra nhận xét, đánh giá, phát biểu ý kiến về nhận định, liên hệ với thực tiễn…), hoặc kết hợp cả hai dạng trên.
Nếu học sinh chỉ ôn kiến thức mà không làm quen, luyện các dạng câu hỏi thì khó kiếm được điểm cao (do mỗi dạng câu hỏi có cách trả lời khác nhau). Để giúp HS không bị lúng túng khi làm bài, GV hướng dẫn các em cần chú ý các dạng câu hỏi thường gặp (thông qua ví dụ) dưới đây:
Ví dụ 1: Thắng lợi quân sự nào của nhân dân ta đã tác động trực tiếp buộc Mĩ phải ngồi vào bàn đàm phán và kí Hiệp định Pari về Việt Nam? Việc kí Hiệp định Pari có ảnh hưởng như thế nào đối với cục diện chiến trường miền Nam?
Dạng câu hỏi này có 2 vế, học sinh không cần mở bài mà nên trả lời ngay vào về thứ nhất để đỡ mất thời gian, cần suy nghĩ kĩ để trả lời cho chính xác ý, vì nếu trả lời sai sẽ mất điểm cả câu.
Câu hỏi yêu cầu các em phải nêu được hai thắng lợi quân sự tiêu biểu của ta, đó là: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc Mĩ phải chấp thuận “ngồi vào bàn đàm phán" với ta tại Hiệp định Pa ri; thắng lợi của quân dân miền Bắc cuối năm 1972 làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973).
Để trả lời tốt vế hai của câu hỏi, các em dựa vào bối cảnh lịch sử cụ thể để phân tích, lí giải, bình luận, nhận xét…
Ví dụ 2: Từ sau năm 1954, Đảng ta đã xác định vai trò cách mạng của 2 miền Bắc, Nam như thế nào? Vai trò đó được thể hiện như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975)? Dạng câu hỏi này không khó, chỉ ở mức độ nhận biết và trình bày, học sinh dễ được điểm cao nếu chuyên cần ôn tập và nắm vững kiến thức.
Ví dụ 3: Nêu và nhận xét chính sách đối ngoại của Liên bàng Nga và Mĩ từ sau “chiến tranh lạnh” đến năm 2000. Đây là dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh ở hai mức độ “nhận biết” và “vận dụng”, có biểu điểm riêng ở từng vế của câu hỏi. Vì vậy, các em nên trả lời vế “nêu”, hoặc “trình bày” trước để được điểm ở mức độ nhận biết, sau đó mới trả lời vế “nhận xét”.
Cụ thể sau khi nêu chính sách đối ngoại của Nga và Mĩ, học sinh cần nhận xét được: - Sau Chiến tranh lạnh chấm dứt, cả Nga và Mĩ đều có sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình…;
- Chính sách đối ngoại của Nga nhằm giữ vững và nâng cao vị thế của một cường quốc Âu - Á trên trường quốc tế…;
- Chính sách đối ngoại của Mĩ hướng đến thiết lập một trật tự thế giới “đơn cực”, trong đó Mĩ đóng vai trò chi phối và lãnh đạo thế giới…
Ví dụ 4: Vì sao bước sang thu - đông 1950, Đảng và Chính phủ ta lại quyết định mở chiến dịch Biên giới? Nêu ý nghĩa của chiến dịch. Đây là dạng câu hỏi phân hóa trình độ tư duy của HS, thường bắt đầu bằng các cụm từ Vì sao …?
Lí giải…, Phân tích…, Chứng minh…, Làm rõ…, Bằng những sự kiện có chọn lọc hãy làm sáng tỏ… Để trả lời tốt dạng câu hỏi này, HS cần bám sát vào bối cảnh LS cụ thể.
Câu trả lời nên bắt đầu bằng từ “vì”, “do”, hoặc “xuất phát từ…”. Phương pháp tốt nhất khi trả lời dạng câu hỏi này là kết hợp cả hai cách trình bày: diễn dịch (bằng việc đưa ra cụm “từ khóa”, rồi diễn giải, phân tích), sau đó tổng kết, khái quát lại (phương pháp quy nạp)…
Ngày thi đầu tiên diễn ra nhẹ nhàng, đề thi bảo mật tuyệt đối(GDVN) - Báo cáo nhanh từ Bộ GD&ĐT cho thấy, ngày thi đầu tiên của Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 diễn ra an toàn, nhẹ nhàng và các cụm thi thực hiện đúng quy chế. |
Ở ví dụ này, học sinh cần xác định được 3 ý chính bằng cụm “từ khóa”, sau đó dùng các dữ liệu LS để lí giải, làm rõ: Bước sang thu - đông 1950, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở chiến dịch Biên giới vì:
- Thế và lực của quân dân ta đã mạnh lên…;
- Điều kiện quốc tế lúc này có nhiều thuận lợi cho ta….;
- Thực dân Pháp triển khai “Kế hoạch Rơve” ngăn cản bước tiến của cuộc kháng chiến, ta cần phải đập tan âm mưu của thực dân Pháp; - Chiến thắng này đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân ta bước sang một giai đoạn mới, ta giành thế chủ động trên chiến trường.