Nhiều quy định trong Dự thảo kinh doanh hàng không có thể làm méo mó thị trường

05/07/2016 07:15
Luật sư Lê Đình Vinh
(GDVN) - “Quy định phát triển đội bay phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải theo định kỳ 5 năm là biến tướng giấy phép con”, LS. Lê Đình Vinh nhận định.

Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đang thu hút sự quan tâm của dư luận bởi những quy định, trái với nhiều văn bản luật ban hành trước đó. 

Bên cạnh quy định khó hiểu về việc “nới lỏng” điều kiện về vốn trong cấp phép kinh doanh hàng không, Dự thảo còn có quy định không phù hợp như yêu cầu việc phát triển đội bay phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải theo định kỳ 5 năm.

Nói cách khác, nếu một hãng hàng không phát triển tốt, mong muốn mua thêm máy bay thì cần phải lập kế hoạch báo cáo định kỳ 5 năm và phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải. 

Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng - ảnh chụp trên trang Thư viện pháp luật.
Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng - ảnh chụp trên trang Thư viện pháp luật.

Cùng với đó, Dự thảo cũng quy định “khống chế” hãng hàng không chỉ được phép tham gia góp vốn, sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cảng hàng không. Điều này được xem vi phạm quyền đầu tư của doanh nghiệp.

Trước những quy định tréo ngoe trong Dự thảo nói trên, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Viethink đã chia sẻ góc nhìn riêng, bài viết được phóng viên lược ghi quan điểm của Luật sư Lê Đình Vinh.

Biến tướng giấy phép con

Tại Khoản 2, Điều 9 - Quy định Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển trong Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng có quy định hết sức kỳ lạ: “Sau 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, việc phát triển đội tàu bay của doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải theo định kỳ 5 năm…”.

Quy định như vậy là không phù hợp, là biến tướng của giấy phép con, trái với luật đầu tư và tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ. 

Quy định việc phát triển đội bay phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải theo định kỳ 5 năm là biến tướng giấy phép con - ảnh minh họa/ H.Lực
Quy định việc phát triển đội bay phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải theo định kỳ 5 năm là biến tướng giấy phép con - ảnh minh họa/ H.Lực

Doanh nghiệp khi nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh hàng không đã có phương án kinh doanh kèm theo. Còn sau đó, các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động nghĩa là đã đủ điều kiện hoạt động thì doanh nghiệp có quyền chủ động trong kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Doanh nghiệp mua bán tàu bay hay kinh doanh như thế nào, dùng vốn như thế nào đều đã có luật quy định.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp tư nhân thì phương án kinh doanh, chiến lược phát triển còn là bí mật kinh doanh, hãng có quyền công bố thông tin nhưng không có nghĩa vụ phải tiết lộ (báo cáo) với cơ quan quản lý ngành.

Còn doanh nghiệp nhà nước vì có phần vốn nhà nước nên nếu thấy cần thiết cơ quan quản lý ngành có thể yêu cầu doanh nghiệp nhà nước báo cáo, việc chỉ đạo báo cáo này chỉ nên là văn bản chỉ đạo điều hành trong ngành, không nên quy định thành quy định của pháp luật sẽ trái với luật đầu tư và tinh thần Nghị quyết 35 (Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) như nêu trên.

Việc bắt doanh nghiệp báo cáo đồng nghĩa với việc Bộ Giao thông vận tải có quyền phê duyệt phương án của doanh nghiệp báo cáo hoặc không phê duyệt, như vậy chẳng khác gì là cấp phép, dễ làm nảy sinh, biến tướng giấy phép con, tạo dư địa để cơ chế xin - cho tồn tại.

Bỏ yêu cầu văn bản xác nhận vốn: Méo mó thị trường

Hiện nay một số ngành nghề như bất động sản có quy định chấp nhận điều kiện về vốn của doanh nghiệp xin cấp phép có thể chứng minh bằng báo cáo tài chính nhưng quy định này không thể áp dụng cho lĩnh vực hàng không bởi kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù, cần có năng lực tài chính đủ mạnh để không gây tổn thất cho nền kinh tế và xã hội khi gặp rủi ro trong kinh doanh.  

Nhiều quy định trong Dự thảo kinh doanh hàng không có thể làm méo mó thị trường ảnh 3

Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn?

(GDVN) - Kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong đó điều kiện quan trọng hàng đầu là vốn.

Nhiều quy định trong Dự thảo kinh doanh hàng không có thể làm méo mó thị trường ảnh 4

Không có văn bản xác nhận vốn, Vietstar Airlines không thể cất cánh?

(GDVN) - TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Báo cáo tài chính cho dù ở kỳ báo cáo liền trước không thể thay thế văn bản xác nhận vốn.

Việc một hãng hàng không được cấp phép hoạt động hay đóng cửa đều có tác động lớn ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội cho nên điều kiện về vốn phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

Báo cáo tài chính không phản ánh doanh nghiệp đó có đủ vốn đảm bảo dành cho hoạt động kinh doanh hàng không do các tài sản hoặc vốn của doanh nghiệp đó có thể được dùng cho hoạt động kinh doanh khác và không còn vốn đảm bảo cho hoạt động kinh doanh hàng không.

Báo cáo tài chính phản ánh quy mô vốn chung của doanh nghiệp trong khi kinh doanh hàng không cần vốn ổn định và xác định cụ thể, không xác định bằng vốn tổng chung của doanh nghiệp.

Mặc dù có báo cáo kiểm toán, nhưng thực tế ở nền kinh tế nước ta hiện nay nếu chứng minh vốn chủ sở hữu bằng báo cáo tài chính thì dẫu mấy ngàn tỷ vẫn có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện. 

Điều này có thể dẫn tới “phong trào” ồ ạt cấp phép hàng không, nhà nhà làm hàng không và kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế, méo mó thị trường hàng không nếu phong trào này “phá sản” hoặc thất bại.

Hạn chế quyền đầu tư của doanh nghiệp

Tại Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định, hãng hàng không chỉ được góp vốn, sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không.

Việc Bộ Giao thông vận tải muốn khống chế 30% là nhằm tách bạch kinh doanh vận chuyển trên không và hoạt động dưới mặt đất để chống độc quyền, ngăn ngừa chuyển giá, doanh nghiệp có thể giảm lợi nhuận vận tải, đẩy lợi nhuận sang hoạt động kinh doanh cảng, chuyển giá cho nhau. 

Tuy nhiên quy định khống chế 30% vô hình chung lại hạn chế quyền đầu tư của doanh nghiệp, của những hãng hàng không có năng lực thực sự. 

Trên thế giới, có không ít hãng hàng không phát triển và khai thác cảng hàng không, nhà ga hành khách (Bangkok Airway có sân bay Koh Samui; các Hãng hàng không Qatar, Emirates British Airway, Lufthansa, American Airlines, AirAsia... có các nhà ga ở Qatar, Dubai, London, Frankrurt, New york, Kuala Lumpur KLIA2...).  

Việt Nam hiện nay chưa có nhưng với tốc độ phát triển như hiện tại, trong tương lai sẽ có những hãng hàng không đạt được quy mô như thế. Vì vậy, nếu quy định “cứng” nhắc khống chế tỷ lệ 30% là hạn chế quyền của nhà đầu tư. 

Mặt khác hiện quy định của pháp luật về đầu tư không khống chế tỷ lệ, các ngành đặc thù có thể có quy định đặc thù căn cứ vào quản lý ngành song không thể hạn chế quyền đầu tư theo luật đầu tư. 

Nếu ngành Giao thông vận tải lo ngại về độc quyền và chuyển giá thì đã có luật khác điều chỉnh rồi (luật quản lý thuế, Luật cạnh tranh) không cần thiết có thêm nghị định để điều chỉnh, nhất là việc điều chỉnh này lại làm hạn chế quyền đầu tư của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.

Được biết Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng. Dự thảo Nghị định chia làm 8 chương với 31 điều khoản. Kèm theo Dự thảo là 8 mẫu đơn, mẫu tờ khai, mẫu giấy xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không. Được biết Dự thảo đang được lấy ý kiến các bộ, ngành doanh nghiệp. 
Luật sư Lê Đình Vinh