Cần hai giấy chứng nhận
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTrB, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra 3 nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Coca Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Trong quá trình thanh tra, Đoàn đã phát hiện Công ty Coca-Cola Việt Nam kinh doanh nước đóng chai có chứa thực phẩm bổ sung nhưng chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền cấp (ở đây là Cục An toàn thực phẩm – PV) cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung.
Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost một trong những sản phẩm vừa bị yêu cầu dừng tiêu thụ - ảnh minh họa/ nguồn TTXVN. |
Trước sai phạm này, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản gửi 6 sở y tế TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An và Khánh Hòa yêu cầu tiến hành giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 thực phẩm bổ sung của Công ty trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.
Tuy nhiên chỉ ít ngày sau khi tạm dừng lưu thông, các sản phẩm trên của Công ty Coca-Cola Việt Nam đã được Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Qua đó giúp doanh nghiệp này thoát khỏi án phạt tạm dừng lưu thông.
Việc trong một thời gian ngắn, Công ty Coca-Cola Việt Nam được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn dấy lên những hoài nghi dư luận rằng, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế đang ưu tiên cho doanh nghiệp.
Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng lưu thông nhiều sản phẩm của Coca ColaThanh tra Coca Cola 45 ngày |
Trước hoài nghi dư luận, chiều ngày 5/7/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân dừng lưu thông 13 sản phẩm Coca-Cola Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát bình thường chỉ cần giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương cấp là đủ.
“Hiện 3 nhà máy của Công ty Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đều có đủ giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do 3 chi cục của 3 địa phương này cấp.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng có có chứng nhận ISO - đạt tương đương chuẩn GMP và HACCP (tiêu chuẩn quản lý sản xuất và chế biến thực phẩm của Mỹ), đây là những giấy chứng nhận điều kiện về an toàn thực phẩm còn cao hơn rất nhiều so với chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh của Việt Nam”, TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, trong sản phẩm do Công ty Coca-Cola Việt Nam sản xuất hiện nay có nước giải khát bổ sung vitamin. Theo quy định, ngoài giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do chi cục các địa phương cấp còn cần giấy chứng do Cục ATTP cấp.
Không có chuyện "ưu tiên"
“Tuy nhiên khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Cục ATTP, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Cục nghĩ đơn giản đã có giấy chứng nhận của chi cục thì Cục không phải cấp nữa nên đã không yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do Cục cấp”, TS. Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Đến tháng 5/ 2016 bản thân doanh nghiệp băn khoăn đề nghị Cục cấp giấy chứng nhận nữa. Cục ATTP đã tiếp nhận hồ sơ, tuy nhiên do trong hồ sơ còn thiếu một số giấy tờ nên Cục ATTP yêu cầu doanh nghiệp bổ sung. Đến tháng 6/2016 khi Thanh tra Bộ Y tế thực hiện công tác thanh tra phát hiện việc thiếu giấy chứng nhận của Cục nên yêu cầu tạm dừng lưu thông sản phẩm.
TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục việt Nam (ảnh H.Lực). |
“Trước yêu cầu của Thanh tra Bộ Y tế, Coca-Cola Việt Nam đã bổ sung giấy tờ do đó Cục ATTP đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm như quy định của pháp luật. Chúng tôi không không ưu tiên cấp phép nhanh cho Coca Cola Việt Nam hay bất cứ doanh nghiệp nào.
Theo quy định, khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành cấp ngay và không được để quá ngày theo quy định của chính phủ. Quy trình theo quy định là trong tối đa 15 ngày. Cơ quan quản lý phải cấp giấy phép chứng nhận đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nếu họ đủ hồ sơ, kể cả khâu thẩm định”, người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm khẳng định.
Từ sự việc của Coca-Cola Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục ATTP đã nghiêm túc rút kinh nghiệp cán bộ thuộc bộ phận tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp.
“Tuy nhiên sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị các bộ ngành cho phép doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nếu có chứng nhận ISO - đạt tương đương chuẩn GMP và HACCP thì không cần phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, bởi những giấy chứng nhận trên tiêu chuẩn còn cao hơn”, TS. Phong nói.
Trước câu hỏi các sản phẩm Coca-Cola Việt Nam vừa bị tạm dừng lưu thông có đảm bảo an toàn thực phẩm, người đứng đầu Cục ATTP nhắc lại: Vấn đề chính sự việc trên do thủ tục hành chính chứ không phải chất lượng sản phẩm.
Theo TS. Phong, sau sự việc trên Thanh tra Bộ Y tế sẽ lấy mẫu các sản phẩm nước giải khát vừa bị dừng lưu thông để phân tích, kết quả phân tích mới trả lời được sản phẩm có an toàn hay không.