Cho tới nay, Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh đã chính thức có văn bản, đề nghị cấm dạy thêm, học thêm ở trường, mà chỉ cho phép thực hiện ở trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, cho tới nay, khi mà mùa hè của học sinh đã đi qua được hơn 1 tháng, thì cách thực hiện của mỗi trường vẫn rất khác nhau.
Chưa vào lớp 1, học sinh cũng đến trường dịp hè
Sáng ngày 6/7, xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Hồng Nhung – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, trường có tổ chức các lớp ôn tập kiến thức hè cho học sinh.
Trong năm học, Trường tiểu học Lê Văn Thọ là trường học 2 buổi, nhưng dịp hè vẫn mở ra các lớp ôn tập hè, tổ chức vui chơi, giải trí cho các em học sinh, chứ không dạy trước chương trình.
Theo cô Lê Thị Hồng Nhung, việc mở các lớp này là theo nhu cầu, tự nguyện của phụ huynh, chứ trường không yêu cầu hay ép buộc.
Chỉ có khoảng 30% số học sinh của trường theo học các lớp học học hè, khoảng 180 học sinh, trong đó đáng lưu ý có 140 học sinh là năm học sắp tới sẽ bước vào lớp 1, còn lại 40 học sinh là thuộc các khối lớp còn lại.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ trong giờ ra chơi sáng ngày 6/7 (ảnh: P.L) |
Nói về số học sinh lớp 1 tham gia các lớp học này, cô Nhung nhấn mạnh, các em đến trường chủ yếu để làm quen với trường học mới, môi trường hoạt động mới.
Thời gian tổ chức các lớp học này là bắt đầu từ ngày 4/7 đến 28/7/2016. Cô Lê Thị Hồng Nhung cũng cho biết, các lớp học này không phải là dạy thêm, học thêm mà là học sinh đến trường vui chơi, sinh hoạt hè, giải trí, thu tiền đúng theo văn bản chỉ đạo của quận Gò Vấp.
Cùng lúc, cô Nhung cũng đã cung cấp cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam văn bản số 1516 do Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Lê Thị Kim Hạnh ký ngày 17/6/2016 vừa qua.
Văn bản số 1516 ngày 17/6/2016 của UBND quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Theo đó, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp có trách nhiệm hướng dẫn các trường mầm non giữ trẻ, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận tổ chức các lớp ôn tập văn hóa hè, chuẩn bị cho năm học mới theo nhu cầu của phụ huynh.
Thời gian học ở khối mầm non là từ 13/6 đến 10/8, còn phổ thông từ 1/7 đến 31/7. Các mức học phí dành cho tiểu học 1 buổi không quá 150.000 đồng/khóa. Ngoài ra, văn bản này còn quy định mức thu phí vệ sinh, ăn bán trú, tiền nước uống ở toàn bộ các cấp học.
Các trường lúng túng với chỉ đạo cấm dạy thêm ở trường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cho đến nay, sau khi có chỉ đạo cấm dạy thêm và học thêm tại trường của Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh, các trường và quận huyện trên địa bàn do lúng túng, không biết thực hiện như thế nào, nên đã có những cách thực hiện rất khác nhau.
Cụ thể, có trường do đã lỡ thu tiền học của phụ huynh học sinh, nên quyết định trả lại tiền.
Cụ thể, đó là trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) theo chỉ đạo không tổ chức dạy hè của quận, hay trường trung học phổ thông Thanh Đa (quận Bình Thạnh) mới nhất cũng quyết định trả lại tiền đã thu của phụ huynh.
Một số trường khác không tổ chức dạy trong dịp hè cho học sinh, có thể kể đến trường: trung học phổ thông Võ Thị Sáu, Gia Định, Võ Trường Toản, Nguyễn Hữu Tiến, Gò Vấp, Nguyễn Du, Ngô Gia Tự...hoặc một số trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận 1, quận 3 cũng không dạy hè.
Học sinh Trường Nguyễn Công Trứ trong giờ tan trường học hè sáng ngày 5/7 (Ảnh: P.L) |
Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp), và nhiều trường khác vẫn tổ chức dạy hè bình thường.
Thầy Bùi Trí Hiệp – Hiệu trưởng trường Mạc Đĩnh Chi cho biết, trường hoàn toàn không dạy trước chương trình, mà chỉ ôn tập kiến thức các môn Toán, Văn, Lý, Hóa, Ngoại ngữ cho học sinh theo những chuyên đề được đưa ra từ trước, với mức học phí 8.000 đồng/tiết, tới đầu tháng 8 kết thúc.
Cũng theo thầy Hiệp, việc tổ chức các lớp học này là không bắt buộc, theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh, cũng có rất nhiều học sinh không đến trường học.
Học sinh nào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có giáo viên chủ nhiệm xác nhận thì sẽ được trường miễn giảm học phí.
Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều Hiệu trưởng cho rằng, dù đã có chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, nhưng do chưa có hướng dẫn chi tiết thực hiện, nên việc thực hiện không đồng nhất giữa các trường, các quận như tình hình hiện nay, sẽ vô tình tạo ra sự không bình đẳng giữa các trường học.
Song song đó, còn có thể gây ra khó khăn cho phụ huynh trong việc trông giữ con trong dịp hè, hay chuyện so bì thu nhập giữa trường này, và trường khác trong các giáo viên.