Chốt phiên giao dịch ngày 6/7, lúc 17h, giá vàng SJC mua vào - bán ra tại Hà Nội được các doanh nghiệp vàng lớn niêm yết ở mức 38,6 triệu đồng/lượng - 39,6 triệu đồng/lượng, tức tăng thêm mỗi chiều 100.000 đồng/lượng.
Điều đặc biệt là khoảng cách mua vào - bán ra của giá vàng SJC được các doanh nghiệp nới rộng lên mức 1 triệu đồng/lượng.
Do giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng thế giới nên khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường nới lên 3 triệu đồng/lượng. Thời điểm này, giá vàng giao ngay trên thế giới niêm yết qua Kitco.com có biên độ tăng gần 18 USD, giao dịch ở mức 1.373,9 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh tác động lớn đến tâm lý mua/ bán vàng của người dân, từ đó sẽ tác động xấu đến kinh tế vĩ mô - ảnh minh họa/ nguồn: Congluan.vn |
Theo các chuyên gia hiện tượng giá vàng tăng đột biến sau thời gian ảm đạm sẽ tác động đến tâm lý của người dân.
Nếu sốt giá tiếp tục kéo dài và thu hút sự quan tâm ngày một lớn của dân cư sẽ khiến lượng vốn dùng để sản xuất kinh doanh lại có nguy cơ nằm chết trong vàng, đồng thời đe dọa tới sự ổn định tỷ giá và hệ quả cuối cùng là gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Mặt khác do người Việt Nam hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố "đám đông". Do đó, bên cạnh những người mua vàng thời gian qua chủ yếu là đầu cơ lướt sóng ngắn hạn thì không loại trừ những trường hợp thấy giá tăng cao sẽ rút tiết kiệm ra mua, gây ảnh hưởng xấu tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng vốn chưa hết khó khăn…
Trước lo lắng trên và nhằm tránh tác động xấu của hiện tượng giá vàng tăng, Vụ Quản lý ngoại hối vừa đưa ra khuyến cáo cho người dân.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với biến động tăng của giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit, cho đến sáng ngày 5/7/2016, giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá vàng thế giới nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới (có ngày thấp hơn 800 nghìn đồng/lượng).
Tâm lý của người dân ít chịu tác động bởi diễn biến tăng của giá vàng. Bởi số liệu về doanh số mua, bán vàng trong tuần sau sự kiện Brexit cho thấy, mức độ giao dịch tăng không đáng kể so với tuần trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) - ảnh Báo Lao Động |
Từ chiều ngày 5/7/2016 đến 6/7/2016, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới. Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra thị trường gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Mặc dù vậy, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.
Song để tránh tác động thị trường, ông Cảnh khuyến cáo: “Những biến động thị trường nêu trên chỉ là biến động nhất thời... Do vậy, người dân phải thận trọng trong quyết định mua, bán vàng”.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, trong những ngày tới Ngân hàng nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.
“Việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24 trong thời gian qua đã ổn định được thị trường, giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát”, ông Cảnh khẳng định.