Nếu Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên ASEAN sẽ là sai lầm ngu ngốc

08/07/2016 11:30
Hồng Thủy
(GDVN) - ASEAN đóng vai trò như một vùng đệm chiến lược đối với Trung Quốc. Nếu ASEAN chia rẽ, Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì.

Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, dư luận càng quan tâm đến thái độ và phản ứng của các bên liên quan, đặc biệt là ASEAN.

South China Morning Post ngày 8/7 đăng bình luận của các nhà quan sát khu vực và quốc tế về khả năng này. Trong đó đại đa số học giả được hỏi tin rằng, ASEAN sẽ ra một tuyên bố chung về phán quyết của PCA, vấn đề còn lại chỉ là lời lẽ và mức độ thế nào.

Hình minh họa: The Diplomat.
Hình minh họa: The Diplomat.

Uy tín và vai trò của ASEAN sẽ bị đe dọa nếu khối không ra được tuyên bố chung, không tìm được lập trường chung với vụ việc này. Alexander Neill, một nhà nghiên cứu quốc tế từ London cho biết: 

"Tôi nghĩ rằng ASEAN sẽ mất độ tin cậy nhiều hơn nếu không ra được tuyên bố về phán quyết của Tòa, vì vậy tôi nghĩ rằng có khả năng ASEAN sẽ ra tuyên bố".

Tiến sĩ Daniel Chua từ Đại học Công nghệ Nanyang Singapore nhận xét, để ASEAN khỏi bị chia rẽ, trách nhiệm này thuộc về các thành viên của khối. ASEAN không thể dựa vào thế lực bên ngoài để tạo sự đoàn kết trong khối.

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia bình luận: "Chắc chắn ASEAN sẽ ra tuyên bố chung, nhưng sự đồng thuận trong ASEAN có thể bị pha loãng bởi thiếu vắng bất kỳ từ ngữ mạnh mẽ nào trỏ đến Trung Quốc".

Trung Quốc tiếp tục chia rẽ ASEAN sẽ là điều ngu xuẩn

Giáo sư Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc gia Philippines nhận định, Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép lên Lào và Campuchia trong các vấn đề "nhạy cảm" liên quan đến lợi ích họ theo đuổi.

Tiến sĩ Jay Batongbacal từ Đại học Philippines cho biết, Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh phải rút lại tuyên bố chung chỉ cho thấy, Trung Quốc đã tuyệt vọng và ngày càng phải sử dụng đòn bẩy kinh tế với một số nước ASEAN để ngăn cản khối đi đến lập trường thống nhất.

"Trung Quốc có lợi ích nếu ASEAN thống nhất trong giải quyết các vấn đề, thách thức an ninh nhiều mặt ở châu Á. Nhưng họ không muốn thấy ASEAN đoàn kết chống lại (yêu sách và hành động bành trướng của) họ.

Chắc chắn Trung Quốc đang lo lắng về phán quyết sắp tới, vì nó có thể là cơ sở cho một sự thống nhất trong ASEAN với các tranh chấp ở Biển Đông", Tiến sĩ Jay Batongbacal nói.

Trong khi sự sụp đổ gần đây của việc ASEAN ra tuyên bố chung tại Côn Minh có thể xem là "thành công" của Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài nó chính là dấu hiệu cho thấy ASEAN liên kết lại chống Trung Quốc (bành trướng).

Còn Giáo sư Huang Jing từ Đại học Quốc gia Singapore cảnh báo, nếu Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực với các nước ASEAN, nó có thể phản tác dụng khi các nước thành viên dường như đã đứng về phía Hoa Kỳ, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trước phán quyết của PCA.

Theo ông, Bắc Kinh đã mắc một sai lầm ngu ngốc vào tháng Tư khi tuyên bố, 3 nước ASEAN là Campuchia, Brunei và Lào nhất trí "lập trường 4 điểm" với Bắc Kinh là một chiến thắng ngoại giao.

"ASEAN đóng vai trò như một vùng đệm chiến lược đối với Trung Quốc. Nếu ASEAN chia rẽ, Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì", Huang Jing nhận định.

Hồng Thủy