Ngày 8/7, trường Đại học Đông Á phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm-Bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Đại diện 12 doanh nghiệp lĩnh vực Công nghệ thực phẩm – Sinh học chia sẻ tại hội thảo nhiều tham luận chuyên sâu, xoay quanh 3 chủ đề chính: “Đánh giá thực trạng và khuyến dùng thực phẩm an toàn”,
“Nhận biết trực giác thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn - Giải pháp giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa dư lượng độc tố” và “Quản trị an toàn thực phẩm trên dây chuyền sản xuất để đảm bảo chuẩn thực phẩm sạch”.
Đây là những thông tin hữu ích giúp người tiêu dùng có sự chủ động trong chọn mua thực phẩm, yên tâm chuẩn bị bữa ăn cho gia đình; bên cạnh đó cũng đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho cả cơ quan quản lý.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng nước mắm cổ truyền” đang được sản xuất tại xã Tam Thanh giữa Đại học Đông Á và UBNDTP Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: Hoàng Tuấn |
Đại diện các doanh nghiệp cũng tham gia góp ý cải tiến “Chương trình đào tạo hướng thực hành”; “Đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động cạnh tranh” - một mục tiêu bao trùm và xuyên suốt của ĐH Đông Á.
Tại hội thảo, lãnh đạo Đại học Đông Á ký kết hợp tác với 7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và bảo quản thực phẩm tại miền Trung về:
“Chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học hướng ứng dụng, ưu tiên tuyển dụng sinh viên nhà trường sau tốt nghiệp, đặc biệt ưu tiên tiếp nhận 100% sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm–Sinh học Đại học Đông Á thực tập nghề nghiệp (2 học kỳ) và thực tập tốt nghiệp (1 học kỳ) tại doanh nghiệp”.
“Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng nước mắm cổ truyền” đang được sản xuất tại xã Tam Thanh giữa Đại học Đông Á và UBNDTP Tam Kỳ (Quảng Nam).
Theo đó, tuy được biết đến là làng nghề làm nước mắm có từ những năm 50 của thế kỷ 20, nhưng những năm gần đây, nghề làm nước mắm tại Tam Thanh có xu hướng mai một do sự cạnh tranh thị trường hiện nay quá lớn.
Trong khi đó, quy trình sản xuất nước mắm tại địa phương còn theo phương pháp thủ công, không có quy mô và kỹ thuật, quy trình sản xuất chưa đảm bảo, sản phẩm nước mắm mặn, đổi màu và mùi nồng qua thời gian.
Với ký kết hợp tác này, trường Đại học Đông Á sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm khắc phục các nhược điểm đang tồn tại, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời tăng hiệu quả kinh tế.
Đại học Đông Á quyết định dành 23 phần quà, hỗ trợ gia đình 23 sinh viên quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hiện gặp rất nhiều khó khăn trong mưu sinh. Đây là những gia cảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu trường Đại học Đông Á sẽ xây dựng quy trình và hạ tầng sản xuất hợp lý, đáp ứng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển sản phẩm nước mắm cổ truyền tại làng nghề.
Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 2 năm (2016-2017), sau giai đoạn chuyển giao công nghệ tại các hộ thí điểm sẽ nhân rộng ra toàn làng nghề.
Khi làng nghề đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo việc làm và thu nhập cho lao động tại chỗ tại địa phương, góp phần phát triển hình thức sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới tại xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.
Nhân dịp này, Quỹ học bổng Hoa Anh Đào - Đại học Đông Á quyết định dành 23 phần quà, hỗ trợ gia đình 23 sinh viên quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hiện gặp rất nhiều khó khăn trong mưu sinh.
Đây là những gia cảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển… trong đó có những gia đình có con em đang theo học tại Đại học Đông Á.
23 suất quà mang nặng tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và cũng là thông điệp của tinh thần “Sống có trách nhiệm” mà Chủ tịch Hội đồng Quản trị - TS. Nguyễn Thị Anh Đào luôn nhắc đến.