Reuters đưa tin, ngày 4/7 Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) thông báo bắt đầu lưu trữ đồng nhân dân tệ (CNY), trong khi tính đến cuối năm 2015, CNY chỉ chiếm 0,1% trong tổng dự trữ ngoại tệ của nước Nga.
Động thái của CBR diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc hồi tháng trước và kết quả lả có tới hàng chực hiệp định hợp tác Nga – Trung được ký kết.
Tài liệu của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, tính đến cuối năm 2015, đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong dự trữ ngoại tệ của CBR là 47,5%.
Trong khi tỷ trọng đồng euro đã giảm từ mức 38,9% vào cuối quý III/2015 xuống 37%, và tỷ trọng đồng bảng Anh tăng từ 9,5% lên 9,9%, theo Bnews ngày 5/7.
Như vậy, tỷ lệ của đồng CNY sẽ thay đổi sau thông báo của CBR, song nó lại có thể gây ra nhiều hiệu ứng không tốt cho kinh tế Nga.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Có thể thấy rằng, động thái của CBR diễn ra khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là Nghị quyết của Hội đồng Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, giúp cho đồng CNY trở thành 1 trong 5 đồng tiền phổ biến trong hệ thống thanh toán toàn cầu.
Gắn thực trạng quốc tế hoá của đồng CNY với tình hình kinh tế Nga hiện nay cho thấy lựa chọn này của Nga là quá mạo hiểm, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nước Nga đang trong vòng vây cấm vận – giá dầu.
Chọn sai thời điểm
Như người viết từng phân tích, đồng CNY bị hạn chế trong việc quốc tế hoá là một thất bại của Trung Quốc, nó có thể khiến cho chương trình “tái cơ cấu” của Tập Cận Bình phá sản.
Vì vậy, Bắc Kinh đã tìm mọi cách để IMF đưa đồng CNY vào rổ tiền tệ phổ biến trong hệ thống thanh toán quốc tế, hay còn gọi theo từ chuyên môn là giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Ngày 30/11/2015, Hội đồng Tổng giám đốc IMF đã ra quyết định về việc này.
Theo đó, kể từ ngày 1/10/2016, đồng CNY sẽ chiếm 10,92% trong SDR, tuy nhiên đó là theo nghị quyết của IMF.
Thực tế thì từ khi định chế tài chính này có quyết định về hỗ trợ việc quốc tế hoá đối với đồng CNY đến nay, tỷ lệ sử dụng đồng CNY trong thanh toán quốc tế lại giảm đi.
Cụ thể là hiện nay chỉ có khoảng 0,5% lượng thanh toán quốc sử dụng đồng CNY. Điều đó khiến việc quốc tế hoá đồng CNY có nguy cơ chỉ có trong quyết định của IMF mà thôi.
Trong khi từ đầu năm tới nay, đồng CNY liên tục mất giá trên thị trường tiền tệ và gần đây nhất là ngày 6/7 vừa qua, đồng CNY đã mất giá tới gần 3% so với hồi tháng 1/2016 và xuống thấp nhất từ năm 2010, theo Bloomberg.
Điều đó khiến cho kinh tế Trung Quốc gánh nhiều thiệt hại vì GDP co lại, nợ công phình ra và những tài sản được đảm bảo bằng đồng CNY giảm giá trị. Đồng CNY mất giá cũng khiến cho những hoạt động kinh tế giao dịch qua CNY sẽ bị thiệt hại.
Càng gần tới “ngày vui” thì đồng CNY càng ảm đạm trên thị trường tiền tệ và việc có một cú hích, một lực đẩy là cực kỳ quan trọng cho việc hiện thực hoá nghị quyết của IMF.
Bắc Kinh thì không thể dùng công cụ tài chính tác động vào đồng CNY để tạo ra điều ấy.
Bởi lẽ thực tế chứng minh, chính phủ Trung Quốc càng dùng đồng CNY như một công cụ hỗ trợ thị trường tài chính Trung Quốc thì tỷ lệ quốc tế hoá đồng CNY càng bị co lại, hiệu ứng của nó giống như “con hát mẹ khen” vậy.
Có lẽ, trong mơ Bắc Kinh cũng không nghĩ Moscow có quyết định tăng cường sử dụng đồng CNY khi chỉ hơn 2 tháng nữa là nghị quyết của IMF có giá trị.
Thế là Moscow trở thành thực thể kinh tế đi tiên phong trong vấn đề cứu đồng CNY có thể thoát khỏi việc giảm tới “điểm chết” trước khi IMF cứu nó. Thế là Bắc Kinh nhìn vào Moscow để hy vọng và có lẽ Kremlin sẽ không thể để Trung Nam Hải phải thất vọng khi triển khai quyết định của mình.
Tuy nhiên, hành động “cầm đèn chạy trước ô tô” này có thể là “lợi bất cập hại” với kinh tế Nga bởi 2 lẽ sau đây.
Thứ nhất, khi đồng CNY mất giá thì những định chế kinh tế, những công cụ tài chính gắn với nó sẽ có những thiệt hại.
Bắc Kinh đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát nền kinh tế |
Tỷ lệ thiệt hại sẽ gia tăng theo mức độ ảnh hưởng của đồng CNY với những công cụ tài chính đó, theo tỷ trọng đồng CNY trong các hoạt động của những định chế kinh tế - tài chính đó.
Kinh tế Nga vốn đang ốm yếu tự nhiên gánh thêm những thiệt hại “trời ơi” này.
Không những thế, thiệt hại của kinh tế Nga lại còn luôn lớn hơn thiệt hại của kinh tế Trung Quốc khi sử dụng đồng CNY.
Vì trong bất kỳ hoạt động kinh tế nào, các thực thể, định chế tài chính – kinh tế của Nga luôn phải tiến hành nhiều hơn của Trung Quốc ít nhất một nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Đương nhiên Nga phải thêm một khoản chi phí phát sinh.
Có thể hình dung qua hai chu trình kinh tế sau:
Các định chế kinh tế Trung Quốc khi chuyển đổi CNY sang USD chỉ cần một nghiệp vụ kinh tế: CNY → USD, chỉ mất một lần chi phí giao dịch.
Các định kinh tế Nga khi chuyển đổi CNY sang USD thì phải cần tới hai nghiệp vụ kinh tế: RUB → CNY → USD, phải trả hai lần chi phí giao dịch. (RUB = đồng Rúp Nga).
Vậy nhưng, thiệt hại của kinh tế Nga cũng chưa hết, bởi đồng CNY trong nền tài chính Nga chỉ là công cụ tài chính phái sinh nên nó luôn bị tác động bởi cả kinh tế Trung Quốc và các thực thể kinh tế khác. Nghĩa là đồng CNY đã tạo nên hai “gọng kìm o ép” đối với kinh tế - tài chính Nga.
Có thể hình dung điều này giống như việc mua vàng tại một cửa hàng ở Hà Nam mà lên bán tại một cửa hàng ở Hà Nội, khác với mua tại cửa hàng nào bán tại cửa hàng đó vậy.
Thứ hai, hành động đỡ đòn cho Bắc Kinh vô tình đã tạo ra điều kiện cho Bắc Kinh sử dụng như nó một loại công cụ chèn ép Moscow trong việc triển khai những hiệp định, thoả thuận trong quan hệ hợp tác Nga – Trung.
Trung Nam Hải có thể dựa vào tỷ lệ sử dụng đồng CNY trong nền tài chính của Nga như một công cụ đo lường thiện chí của Kremlin. Thế là, Moscow tự nhiên trao bảo bối cho Bắc Kinh để họ điều khiển, điều tiết chính mình.
Những cái bánh vẽ vốn gây thất vọng cho Moscow và Bắc Kinh luôn phải tìm cách vỗ về mỗi khi nhận thấy những phản ứng bất lợi từ xứ sở bạch dương.
Nhưng bây giờ Bắc Kinh không cần phải vỗ về nữa mà chỉ cần sử dụng “công cụ đo thiện chí” là có thể khiến cho Moscow nhận ra mình cần phải làm gì.
Càng sử dụng nhiều CNY càng thiệt hại cho kinh tế Nga vì khả năng quốc tế hoá của đồng CNY hạn chế, nhưng như vậy mới được xem là có thiện chí với Bắc Kinh.
Hành động “tự mua dây buộc mình” của Moscow là rất nguy hại khi nó có điểm khởi phát song lại không thể có điểm dừng vì nếu dừng nghĩa là thiếu thiện chí và đương nhiên sẽ lãnh hậu quả bằng sự lạnh nhạt của Bắc Kinh.
Trung Nam Hải chắc chắn sẽ sử dụng “công cụ đo thiện chí” này để cho Kremlin ăn nhiều bánh vẽ hơn nữa. Cá nhân người viết cho rằng, việc kinh tế Nga chuyển từ phụ thuộc sang lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn qua điều kiện triệt buộc này với nước Nga.
Hệ lụy và hậu họa của Kremlin gắn liền với việc quốc tế hoá đồng CNY sẽ ngày càng tăng lên.
Điều này không khó nhận diện, đó là Moscow phải ngày đêm thấp thỏm lo âu, nếu qua ngày 1/10/2016 mà đồng CNY trên thế giới vẫn không có ai muốn tiêu xài thì nước Nga phải tiêu xài nhiều hơn nữa.
Bởi lẽ tác hiệu của “công cụ đo thiện chí” khiến cho Moscow luôn phải căng mình chứng minh sự nghĩa hiệp với Bắc Kinh.
Chọn sai hình thức
Việc Moscow chọn sử dụng đồng CNY trước khi nghị quyết của IMF có hiệu lực đã là một sai lầm tai hại, việc chọn hình thức sử dụng đồng tiền của Trung Quốc cũng nguy hại khôn cùng.
Hình minh họa: Live Mint. |
Đó là thay vì chỉ đưa đồng CNY vào lưu thông thì Moscow lại đưa đồng CNY vào lưu trữ, nghĩa là cả lưu thông và dự trữ.
Điều này khiến cho “công cụ đo thiện chí” sẽ bó Moscow ngày càng chặt hơn và nếu thoát muốn Trung thì quan hệ Nga – Trung sẽ có thể đổ vỡ.
Nếu Moscow chỉ đưa đồng CNY vào lưu thông trên thị trường tiền tệ Nga thì việc sử dụng đồng CNY sẽ phụ thuộc người dân Nga và hệ thống doanh nghiệp Nga.
Họ sẽ quyết định sử dụng hay không khi nhận thấy sự tiện lợi hay bất lợi của đồng CNY trong cuộc sống hàng ngày hay trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của họ.
Điều đó khiến cho việc quốc tế hoá đồng CNY trên thị trường tiền tệ Nga đã được chính phủ Nga khởi phát, còn việc tiếp tục và gia tăng tỷ lệ thì chính phủ Nga không thể can thiệp.
Tuy nhiên, khi quyết định gia tăng đồng CNY trong quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga thì sự việc không còn đơn giản nữa.
Bởi lẽ, tỷ lệ dự trữ, cách thức dự trữ, phương tiện dự trữ đều do chính phủ Nga quyết định. Vì vậy Kremlin không thể viện lý do này, lý do khác khi hạn chế sử dụng đồng CNY trong quỹ dự trữ ngoại tệ của mình.
Dừng lại hay giảm đi đều bị xem xét bởi “công cụ đo thiện chí” và sức ép của Bắc Kinh sẽ tăng lên theo động thái đó.
Tỷ lệ đồng CNY trong quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ phải luôn lớn hơn tỷ lệ quốc tế hoá đồng CNY trong SDR theo nghị quyết của IMF, nghĩa là khoảng 10,92%, bởi nếu thấp hơn thì Moscow sẽ lại bị “công cụ đo thiện chí” lượng hoá sự chân thành với Bắc Kinh.
Tự nhiên, gần 11% quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia của Nga phụ thuộc vào giá trị của một đồng tiền mà hiện nay chưa tới 0,5% người tiêu dùng và các thực thể kinh tế - tài chính trên thế giới sử dụng là quá mạo hiểm.
Điều đó có thể được chứng minh qua việc chính phủ Trung Quốc vừa tăng 20 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này, theo Bloomberg.
Điều này nhằm đảm bảo khả năng cứu đồng CNY nếu như thị trường tiền tệ bất ổn – như chính phủ Trung Quốc đã hành động trong năm 2015. Vậy nhưng chính phủ Nga thì làm ngược lại.
Có người cho rằng, tỷ lệ đồng CNY sẽ không lớn trong quỹ dự trữ của Nga, song theo người viết sự việc sẽ không như vậy.
Bởi lẽ “công cụ đo thiện chí” có thể được xem là “cây gậy đa năng” mà Bắc Kinh có thể quất vào nền kinh tế Nga bất cứ lúc nào, nếu như muốn gây hại cho đối tác.
Cá nhân người viết cho rằng, quyết định đưa đồng nhân dân tệ vào lưu trữ tại Nga là một quyết định cực kỳ sai lầm và hậu quả sẽ rất tai hại với nước Nga.
Nó tai hại vì kinh tế nước Nga sẽ mất đi những khoản tài chính không nhỏ, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn bởi nguy hại của 2 gọng kìm giá dầu – cấm vận hiện nay.
Nó tai hại bởi nó có thể giúp kinh tế Trung Quốc hưởng lợi tối đa từ kinh tế Nga, còn kinh tế Nga thì chỉ nằm ở mức tối thiểu.
Đặc biệt, nguy hại lớn nhất của nó là tạo cơ hội cho Bắc Kinh bất cứ lúc nào cũng có thể “dạy” cho Moscow những bài học về thiện chí của tình bằng hữu, của liên minh chiến lược Nga – Trung.
Và qua đó Trung Nam Hải sẽ vận dụng tối đa những công cụ nguy hiểm cho hành động hại người lợi mình của họ mà Moscow luôn phải ngậm bồ hòn khi không thể giãi bày.
Có thể thấy rằng cái “công cụ đo thiện chí” mà Moscow trang bị cho Bắc Kinh chẳng khác gì trao cho đối thủ vũ khí có thể khống chế, thậm chí sát hại sát mình bất cứ lúc nào tuỳ ý.
Tóm lại, việc Ngân hàng Trung ương Nga quyết định đưa đồng CNY vào lưu trữ tại Nga, trước khi nghị quyết của IMF về việc hỗ trợ đồng CNY quốc tế có hiệu lực là một việc làm gây nên những thiệt hại rất lớn cho nước Nga.