South China Morning Post ngày 11/7 đưa tin, các quan chức ngoại giao và truyền thông Trung Quốc đã đặt câu hỏi về tính trung lập của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thành lập, thụ lý vụ Philippines kiện nước này về vấn đề (áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS 1982 ở) Biển Đông.
Mũi nhọn chỉ trích được Trung Quốc nhằm vào Thẩm phán Shunji Yanai, nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển giai đoạn 1/10/2011 đến 30/12/2014 với cáo buộc ông là người "hữu khuynh, không thân thiện với Trung Quốc".
Thẩm phán Shunji Yanai, nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Ảnh: SCMP. |
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đặt câu hỏi về tính công bằng trong việc bổ nhiệm và hoạt động của Hội đồng Trọng tài trong một bài báo đăng trên tạp chí Cầu Thị, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản vào Thứ Hai tuần trước.
Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông theo quy định của Phụ lục VII, UNCLOS 1982 vào tháng Giêng năm 2013.
Tại đây người viết xin lược lại những điểm chính đáng chú ý trong tiến trình tố tụng mà Philippines đã làm để thấy được sự vô lý của Trung Quốc trong việc chỉ trích nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Thẩm phán Shunji Yanai.
Một là với tư cách một thành viên UNCLOS 1982, Philippines có quyền đơn phương khởi kiện một thành viên khác của UNCLOS 1982 về việc áp dụng, giải thích Công ước theo quy định tại Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Trong trường hợp cụ thể này là Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Hai là, một Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán được thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để thụ lý vụ kiện.
Trong đó 5 thẩm phán được chọn ra từ danh sách các thẩm phán / trọng tài do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc giữ. Mỗi quốc gia được quyền đề cử 4 thẩm phán vào danh sách này. Cụ thể Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán được thành lập như sau:
- Hai bên nguyên - bị (Philippines và Trung Quốc), mỗi bên được quyền chỉ định một thẩm phán từ danh sách trên vào Hội đồng Trọng tài. Thẩm phán này có thể là công dân của chính quốc gia lựa chọn họ, theo Khoản (b), Điều 3, Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
- Ba thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài sẽ được chỉ định bởi thỏa thuận của các bên nguyên - bị. Họ phải được lựa chọn từ danh sách Trọng tài do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc giữ, và phải là công dân của một nước thứ 3 không liên quan đến tranh chấp, trừ khi các bên nguyên - bị có thỏa thuận khác.
- Từ 3 thành viên này của Hội đồng Trọng tài, các bên nguyên - bị đàm phán chọn ra Chủ tịch Hội đồng Trọng tài, theo Khoản (d), Điều 3, Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
- Trong trường hợp các bên nguyên - bị không lựa chọn được 1 thẩm phán đại diện cho mình và / hoặc không thống nhất chọn ra được 3 thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài, các thành viên bị khuyết này của Hội đồng Trọng tài sẽ do Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ định, theo Khoản (e) Điều 3 Phụ lục VII UNCLOS 1982.
- Nếu Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển không thể làm việc này hoặc là công dân của một trong các bên tranh chấp, việc bổ nhiệm các thành viên bị khuyết của Hội đồng Trọng tài sẽ do một thành viên tiếp theo của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, người có thẩm quyền và không phải công dân của một trong các bên tranh chấp, chịu trách nhiệm chỉ định, theo Khoản (e), Điều 3, Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập để thụ lý vụ kiện của Philippines, bao gồm một thẩm phán gốc Phi, 4 thẩm phán châu Âu, không có người Philippines dù Manila được quyền lựa chọn. Ảnh: SCMP. |
Như vậy qua quy trình chặt chẽ này của Phụ lục VII, UNCLOS 1982 có thể thấy, việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện không làm ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên, phán quyết của Hội đồng Trọng tài vẫn có giá trị và hiệu lực với cả hai bên nguyên - bị.
Đồng thời Trung Quốc đã tự hủy bỏ 3 quyền lợi quan trọng và chính đáng của mình:
Một là Trung Quốc tự hủy bỏ quyền lựa chọn 1 thẩm phán đại diện cho mình tại Hội đồng Trọng tài;
Hai là Trung Quốc tự hủy bỏ quyền đàm phán với Philippines để lựa chọn ra 3 thẩm phán còn lại của Hội đồng Trọng tài;
Ba là Trung Quốc tự hủy bỏ quyền đàm phán với Philippines để chọn ra Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Do đó, mọi lập luận chỉ trích nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển -Thẩm phán Shunji Yanai mà Trung Quốc đưa ra là vô hiệu. Nó chỉ chứng minh lập trường tiền hậu bất nhất của Trung Quốc trong một vụ kiện, một vấn đề pháp lý quan trọng đang thu hút sự chú ý đặc biệt tư dư luận.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản (e), Điều 3, Phụ lục VII, UNCLOS 1982, Thẩm phán Shunji Yanai hoàn toàn đủ năng lực, phẩm chất và điều kiện chỉ định 4 thành viên Hội đồng Trọng tài còn khuyết để thụ lý vụ kiện, do Trung Quốc từ chối thực hiện quyền lợi của họ.
Trong khi đó theo South China Morning Post, từ lâu Thẩm phán Shunji Yanai đã trở thành mục tiêu "khinh miệt", chỉ trích, bới móc của truyền thông nhà nước Trung Quốc một cách cực đoan. Tân Hoa Xã từng có bài xã luận bôi nhọ ông là "thành phần hữu khuynh tiêu biểu, một con diều hâu".
Vấn đề thứ 2 được ông Lưu Chấn Dân đặt ra trong bài viết đăng trên tạp chí Cầu Thị về "khả năng ra phán quyết công bằng và khách quan" của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên là:
Vì không ai trong số 5 thẩm phán có kiến thức về lịch sử và trật tự quốc tế của Đông Á thời cổ đại nên khó ra phán quyết công bằng, khách quan!
Lập luận này của ông Dân thật nực cười, đúng kiểu ông nói gà, bà nói vịt! Hội đồng Trọng tài 5 thành viên do PCA thành lập là các chuyên gia pháp lý hàng đầu về UNCLOS 1982, xét xử một vụ kiện về áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 của một nước thành viên UNCLOS 1982, không liên quan gì đến cái gọi là "lịch sử và trật tự quốc tế ở Đông Á thời cổ đại".
Mặt khác cũng xin lưu ý rằng, Hội đồng Trọng tài 5 thành viên bao gồm một thẩm phán gốc Phi và bốn thẩm phán người châu Âu, tức là không có thành viên nào là người Philippines, dù Manila có quyền lựa chọn.
Chính South China Morning Post và nhiều học giả Trung Quốc đã khẳng định: Sự tham gia của thẩm phán Shunji Yanai trong việc chỉ định 4 thành viên Hội đồng Trọng tài đã có thể tránh được nếu Trung Quốc tham gia tố tụng. Chính Trung Quốc từ bỏ quyền của mình và bây giờ ngồi đó trách móc.