Giảm phí BOT từ 10-20% tại 29 trạm
Liên Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng các phương án giảm phí BOT tại 29 trạm thu phí với mức 10-20%.
Trong tờ trình số 8302/BTC-CST, Bộ Tài chính cho biết, các phương án giảm phí được đề ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Việc giảm phí được đề xuất mức 10-15% cho nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt).
Bộ Tài chính kiến nghị xem xét giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất gồm 2 trạm ở Quốc lộ5, 2 trạm cầu Bến Thủy Quốc lộ 1 và 1 trạm cầu Gianh Quốc lộ 1.
Nhiều dự án BOT giao thông gây bức xúc thời gian qua - ảnh chụp Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6. |
Nếu đề xuất trên được chấp thuận, sẽ có 24 trạm thu phí giảm phí cho các xe nhóm 4, 5 với mức 10-15% và có 5 trạm giảm phí cho các xe nhóm 1, 2 với mức từ 10-20%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất không tăng phí năm 2016 theo lộ trình với các trạm thu trước năm 2014.
Còn nhớ cách đây không lâu, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải từng nhiều lần khẳng định: Phương án tăng phí trạm thu phí BOT (trạm thu phí các dự án giao thông theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đều có lộ trình từ trước và các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường, việc tăng là cần thiết và hợp lý.
Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT.Vay đến 90% vốn, ngân hàng mới là ông chủ thực sự của dự án BOT(GDVN) - Theo LS. Trương Thanh Đức, ngân hàng mới là ông chủ thực sự của dự án BOT do nguồn vốn thực hiện dự án đi vay với lãi suất cao khiến mức phí BOT liên tục tăng. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường còn khẳng định: “Nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng”.
Tương tự lý giải của Bộ Giao thông vận tải, nói đến vấn đề tăng phí, Bộ Tài chính cho rằng việc tăng phí phải đúng lộ trình, đúng cam kết với nhà đầu tư.
Những lý giải của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính được hiểu, việc tăng phí BOT từ 25-50% tại nhiều trạm thu phí theo lộ trình đặt ra từ trước là việc không thể khác.
Tuy nhiên sau khi lộ trình tăng phí tại các trạm BOT bị dư luận, các chuyên gia và báo chí lên tiếng phản bác thì chính những bộ, ngành từng khẳng định không thể dừng việc tăng phí BOT lại đề nghị giảm mức phí.
Ngày 7/7, trao đổi về các phương án giảm phí BOT, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, 29 trạm thu phí BOT có thể sẽ giảm mức thu 10% ngay từ 1/8/2016 sau khi Chính phủ phê duyệt đề xuất của liên bộ Giao thông vận tải và Tài chính.
Đánh giá đề xuất giảm mức phí BOT của Liên bộ Giao thông vận tải và Tài chính, TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc nhà xuất bản giao thông vận tải, người nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị khẳng định: Đề xuất giảm mức phí BOT cho thấy có lợi ích nhóm, có sự thiếu minh bạch giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp làm BOT trong việc tính toán mức phí, lộ trình tăng phí.
TS. Nguyễn Xuân Thủy phân tích: Tờ trình giảm mức phí BOT có phần tác động lớn từ ý kiến của dư luận báo chí trong thời gian qua.
“Việc áp dụng hình thức đầu tư BOT giao thông trên nhiều tuyến đường, đặt trạm thu phí không đúng với quy định về khoảng cách, mức phí BOT chưa rõ ràng giữa đường BOT nâng cấp sửa chữa và đường BOT làm mới khiến người dân, doanh nghiệp vận tải bức xúc. Những bức xúc này được báo chí phản ánh cùng việc các chuyên gia lên tiếng đã ít nhiều đã có tác động đến đề xuất giảm mức phí BOT”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, đề xuất giảm mức phí BOT càng chứng tỏ những phản ánh trên báo chí, phân tích của các chuyên gia là chính xác, có ý nghĩa khoa học, phản ánh đúng tồn tại của các dự án BOT giao thông hiện nay.
“Cần thấy rằng phản ánh của báo chí, ý kiến chuyên gia là vì lợi ích chung. Việc BOT quá nhiều trên khắp các tuyến đường quốc lộ như hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, TS. Thủy nói.
Chứng tỏ có lợi ích nhóm
TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, việc tính toán đặt trạm thu phí BOT giao thông không đúng về khoảng cách làm giảm lưu tốc (tốc độ lưu thông trên đường) làm gia tăng chi phí vận tải, cản trở phát triển kinh tế.
Có tuyến đường như Quốc lộ 5, mức phí BOT lớn hơn mức vé người đi xe khách phải trả. Như vậy rõ ràng mức phí BOT đang là gánh nặng cho ngành vận tải.
Phân tích mức giảm 10-20%, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Mức giảm phí này không nhỏ, nếu dự án BOT trung thực, không đội giá thì rõ ràng với mức giảm này doanh nghiệp đầu tư BOT sẽ chịu thiệt lớn.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông, người có nhiều năm nghiên cứu giao thông đô thị - ảnh Hoàng Lực. |
“Qua đó cũng thấy, trước đây có một thỏa thuận không chính thức giữa các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện BOT. Thỏa thuận để tự đưa ra giá phí BOT không tham khảo ý kiến người dân, không nhìn nhận vấn đề. Họ chủ quan cho rằng, tăng lên bao nhiêu người dân phải chịu và việc thu về rất nhanh”, TS. Thủy cho biết.
Phân tích rõ hơn, TS. Thủy cho rằng ngay cả khi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đề xuất mức phí BOT giảm 10 - 20% doanh nghiệp làm BOT cũng không gặp khó khăn và không có chuyện bị phá vỡ phương án tài chính như cách lý giải trước đó. Từ đây TS. Thủy đặt ra câu hỏi: Nếu không giảm mức phí BOT thì khoản chênh lệch 10 – 20% mức phí kia rơi vào túi ai?
Theo ông Thủy, nếu tăng phí BOT theo lộ trình thì một nhóm lợi ích trong việc tính toán, phê duyệt tăng phí BOT sẽ được hưởng lợi.
“Nhóm lợi ích đó hình thành do lâu nay vấn đề mức phí BOT thu bao nhiêu, thu bao lâu thiếu giám sát thiếu minh bạch và sự xem thường dư luận”, TS. Thủy nói.
Từ đề xuất giảm mức phí BOT nhắc nhở cơ quan quản lý nhà phải cầu thị, tiếp cận ý kiến của báo chí, của các chuyên gia sẽ giúp mỗi quyết sách, mỗi dự án hợp lý hơn, thành công hơn, được lòng dân hơn thay vì cách làm khép kín, không minh bạch hiện nay.
Về việc có kéo dài thời gian thu phí tại các trạm trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ sẽ cùng các chủ đầu tư tính toán lại phương án tài chính và điều này đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian thu phí bởi việc giảm phí sẽ dẫn tới giảm thu lớn cho nhiều dự án. Hiện hai Bộ vẫn đang chờ quyết định chính thức từ Chính phủ nhưng lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng, về cơ bản đề xuất này sẽ được chấp thuận vì Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cụ thể về vấn đề này. Do đó, việc giảm phí ngay từ ngày 1/8 là hoàn toàn có thể. |