Từ hôm 12/7 Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 (sau đây gọi là Tòa) ra phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông chiều 12/7 đến nay đã gần hết ngày thứ 3, phản ứng của các bên trên Biển Đông và cộng đồng quốc tế nhìn chung khá bình tĩnh.
Trung Quốc được dư luận quốc tế quan tâm nhiều nhất vì là bên bị kiện ứng dụng, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Đến giờ này không có bất cứ động thái nào cho thấy tình hình căng thẳng leo thang ngoài Biển Đông như tuyên bố ADIZ, xây đảo nhân tạo ở Scarborough.
Theo The Diplomat ngày 15/7, Trung Quốc đã kiểm duyệt rất chặt chẽ dư luận trên mạng internet về phán quyết trọng tài, bất cứ kêu gọi chiến tranh nào cũng bị xóa bỏ. Điều này thể hiện sự kiềm chế, tránh bùng phát các hành động mang tính chất chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Trong số 60 nước Trung Quốc tuyên bố là ủng hộ nước này chống phán quyết của PCA, đến nay dư luận quan tâm nhất là phản ứng của Liên bang Nga và Campuchia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, ảnh: TASS. |
Hãng thông tấn TASS ngày 14/7 cho biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm Thứ Năm khẳng định, Moscow không đứng về phía nào trong các bên tranh chấp Biển Đông.
Quan điểm của Nga hậu phán quyết trọng tài
"Quan điểm của Nga là nhất quán và bất biến. Chúng tôi ủng hộ các quốc gia liên quan trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này thực hiện nghiêm việc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm những cách thức hướng tới một giải pháp chính trị - ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS 1982.
Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc ra một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nga không phải là một bên có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị kéo vào tranh chấp.
Chúng tôi không đứng về bất kỳ bên nào. Chúng tôi tin rằng các bên liên quan cần tổ chức tham vấn và đàm phán về các vấn đề liên quan theo các cách thức mà họ tự xác định.
Chúng tôi đánh giá cao vai trò của UNCLOS 1982 trong việc đảm bảo thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Điều quan trọng là các quy định của luật pháp quốc tế cần được áp dụng một cách nhất quán và phổ quát."
Cá nhân người viết cho rằng, so với các phát biểu liên tục của Nga về vấn đề Biển Đông trước thời điểm Tòa ra phán quyết ngày 12/7, phát biểu của Nga sau phán quyết nổi lên ba điểm đáng chú ý:
Một là Nga trung lập trong vấn đề "tranh chấp lãnh thổ" ở Biển Đông; Hai là Nga chống sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông; Ba là Nga đề cao UNCLOS 1982 ở Biển Đông, nhưng không trực tiếp đưa ra bất cứ bình luận nào về phán quyết trọng tài liên quan đến việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Như vậy có thể thấy, phát biểu mới nhất của Nga về vấn đề Biển Đông mang tính trung lập, trung dung, không đi vào các vấn đề cụ thể, không làm mất lòng bên nào, không bình luận về phán quyết.
Đặc biệt với phát biểu này, Trung Quốc khó diễn giải theo ý họ hơn phát biểu trong những lần trước. Cá nhân người viết cho rằng, lập trường của Nga về Biển Đông như phát biểu của bà Maria Zakharova ngày hôm qua là đáng hoan nghênh.
Theo đài VOA tiếng Trung Quốc ngày 12/7, truyền thông Nga về cơ bản đưa tin khá khách quan, công bằng về phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Còn phần bình luận của giới quan sát trên truyền thông Nga thì có thể có ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản nó không ảnh hưởng gì đến giá trị, hiệu lực và ảnh hưởng của phán quyết.
Quan điểm của Campuchia
Khmer Times ngày 13/7 đưa tin, lập trường của Campuchia về phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông không có gì mới.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: freemalaysiatoday.com. |
Ngày 12/7 phán quyết của Hội đồng Trọng tài được PCA công bố cũng là ngày Bộ trưởng An ninh quốc gia Trung Quốc Geng Huichang đang có mặt tại Phnom Penh và gặp gỡ Thủ tướng Hun Sen, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng cùng một số quan chức cấp cao khác.
Người phát ngôn riêng của ông Hun Sen, Eang Sohalleth cho biết, ông Geng Huichang đã không thảo luận về vấn đề Biển Đông với các quan chức Campuchia. Còn ông Hun Sen nhắc lại lập trường của mình về Biển Đông trong cuộc họp Nội các Thứ Sáu tuần trước.
Thủ tướng Campuchia nói thêm, nếu ASEAN mà ra tuyên bố về DOC thì ông tham gia. Ông cho rằng việc tân Tổng thống Philippines muốn đàm phán với Trung Quốc là ý tưởng tốt. Tuy nhiên Hun Sen nhấn mạnh là đàm phán song phương.
"Tôi đã làm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2 lần và tôi không bao giờ vắng mặt trong các cuộc họp của ASEAN. Cho đến nay chưa có nước nào phản ứng về ý kiến của tôi liên quan đến Biển Đông", ông Hun Sen nói.
Cũng trong ngày 13/7, đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn lời ông Hun Sen nói rằng: "Tháng trước, Đại sứ của một nước đã đến thăm tôi và cho biết, ông hy vọng rằng Campuchia sẽ ủng hộ một tiếng nói của ASEAN sau khi có phán quyết vụ kiện Biển Đông.
Tôi hỏi ngay rằng điều có nghĩa là gì? Đại sứ đó trả lời rằng, đó là ủng hộ phán quyết của trọng tài quốc tế. Sau đó tôi hỏi, liệu vị Đại sứ này có biết trước kết quả phán quyết không? Thế thì còn gì là pháp luật? Đó là vấn đề chính trị, và tôi không hỗ trợ nó".
Như vậy là phản ứng của Campuchia sau khi Tòa ra phán quyết không khác gì trước đó, vẫn là không ra tuyên bố ủng hộ, nhưng cũng không có tuyên bố chính thức phản đối. Nhìn chung không ảnh hưởng gì đến phán quyết của Tòa và Trung Quốc cũng khó có thể khai thác được gì nhiều hơn.
Tuy nhiên cách đưa tin và trích dẫn của CRI có thể làm xấu hình ảnh Thủ tướng Hun Sen, bởi trong câu nói của ông được đài Trung Quốc dẫn lại không cho thấy vị Đại sứ kia trả lời thế nào. Bởi tin vào khả năng Tòa phán quyết theo hướng hủy đường lưỡi bò không có nghĩa là vì "biết trước".
Chỉ dựa vào một câu nói đề nghị ủng hộ phán quyết của Tòa từ vị Đại sứ nọ mà kết luận rằng ông "biết trước" phán quyết, e rằng hơi vội vã và không phù hợp với tầm cỡ của một nhà chính khách quốc tế.