Trung Quốc "thưởng" Campuchia 600 triệu USD vì 5 lần ủng hộ chống PCA

18/07/2016 09:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Chúng tôi cần tiền, nếu Mỹ cho tiền chúng tôi sẽ nhận. Nếu EU cho tiền, chúng tôi sẽ nhận.

VOA Cambodia ngày 15/7 đưa tin, Trung Quốc đã cung cấp cho Campuchia 3,6 tỉ nhân dân tệ, tương đương gần 600 triệu USD để đổi lấy hỗ trợ của nước này trong việc chống lại phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố, Trung Quốc sẽ viện trợ cho Campuchia gần 600 triệu USD để phục vụ công tác bầu cử Quốc hội nước này, cũng như dành cho các dự án giáo dục, y tế.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: The Cambodia Daily.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: The Cambodia Daily.

Thỏa thuận được hoàn tất sau cuộc gặp của ông Hun Sen với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ. Hun Sen đã đề nghị Trung Quốc viện trợ khi gặp ông Cường ở Ulaanbaatar, Mông Cổ tuần qua.

Theo VOA Cambodia, Trung Quốc là đồng minh và nhà tài trợ số một của Campuchia, hy vọng Phnom Penh tiếp tục hỗ trợ Bắc Kinh trong các diễn đàn quốc tế, bao gồm các cuộc thảo luận về Biển Đông trong tương lai.

Bắc Kinh công bố khoản viện trợ 600 triệu USD cho Phnom Penh ngay sau khi Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 công bố phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Trước và sau thời điểm phán quyết, Hun Sen đã lên tiếng tổng cộng 5 lần công khai bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc chống lại phán quyết trọng tài.

Sok Touch, Hiệu trưởng Đại học Khemarak bình luận, quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Campuchia là do sợi dây lợi ích gắn kết, gần đây nhất là sự chấp nhận "ngầm" của Campuchia ủng hộ các hành động (bành trướng) của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Chúng ta đều biết rằng, trong quan hệ đối ngoại không có bạn bè hay kẻ thù, mà chỉ có sự tồn tại của lợi ích. Vì vậy có lẽ là vì vấn đề Biển Đông, Campuchia mới nhận được 600 triệu USD. Đó là điểm đầu tiên, điểm thứ hai là Campuchia cần tiền để phát triển đất nước", Sok Touch bình luận.

Theo The Phnom Penh Post ngày 18/7, Hun Sen công bố Trung Quốc viện trợ 600 triệu USD cho Campuchia chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Mỹ ra nghị quyết yêu cầu chính phủ Campuchia "chấm dứt quấy nhiếu và hăm dọa" phe đối lập.

Đồng thời, số tiền "thưởng" này được Bắc Kinh công bố chỉ vài ngày sau khi ông Hun Sen nhắc lại lập trường của mình rằng, phán quyết trọng tài là "âm mưu chính trị" và Campuchia không ủng hộ nó.

Ông Lý Khắc Cường, Vương Nghị, Hun Sen tại Mông Cổ, ảnh: VOA Cambodia / AP.
Ông Lý Khắc Cường, Vương Nghị, Hun Sen tại Mông Cổ, ảnh: VOA Cambodia / AP.

Tờ The Phnom Penh Post bình luận, phán quyết trọng tài được PCA công bố hôm 12/7 đã xé toạc yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông. Ngay sau đó ông Hun Sen lên tiếng nhắc lại rằng Campuchia không ủng hộ phán quyết, động thái được hiểu một cách rộng rãi là do áp lực của Trung Quốc.

Jiji News ngày 16/7 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đích thân vận động Hun Sen cần thiết phải chấp nhận phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông, bởi nó dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

The Cambodia Daily ngày 16/7 đưa tin, trước chất vấn của báo chí về việc khoản 600 triệu USD này có liên quan gì tới việc Campuchia (năm lần bảy lượt) tuyên bố ủng hộ Trung Quốc chống phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông hay không, ông Phay Siphan, người phát ngôn Chính phủ Campuchia nói:

"Vâng, tại sao bạn không kiểm tra lại điều này với phía Trung Quốc? Nó có thể là hôm nay, cũng có thể là ngày mai. Chúng tôi cần tiền, nếu Mỹ cho tiền chúng tôi sẽ nhận. Nếu EU cho tiền, chúng tôi sẽ nhận."

Nhà nghiên cứu Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét: "Ở Campuchia, viện trợ kinh tế là cách Trung Quốc mua ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc đã sử dụng Campuchia để đánh úp ASEAN nhiều lần.

Bằng cách làm tay trong cho Trung Quốc trong ASEAN, Campuchia đang được nhận phần thưởng kinh tế hào phóng. Nhưng chắc chắn nó không làm tăng giá trị của Campuchia trong con mắt các thành viên còn lại của ASEAN."

Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và quốc tế Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan bình luận: "Campuchia càng bị xa lánh và cô lập khỏi cộng đồng quốc tế thống trị bởi phương  Tây thì càng có nhiều cơ hội cho Trung Quốc."

Nghị sĩ đối lập Campuchia Mu Sochua nói rằng, bà lo lắng các khoản viện trợ từ Trung Quốc thường không minh bạch và khó kiểm soát: "Tôi nghe nói rằng khoản tiền này sẽ được đảng cầm quyền sử dụng để thu hút cử tri thông qua quả tặng. 

Nhìn chung các khoản viện trợ từ Trung Quốc là khó có thể kiểm soát, theo dõi về trách nhiệm."

The Cambodia Daily lưu ý, Hun Sen thích viện trợ Trung Quốc từ năm 2006 khi ông Ôn Gia Bảo cung cấp cho Campuchia 600 triệu USD, Hun Sen đãkhen: "Trung Quốc nói ít nhưng làm nhiều."

Hồng Thủy