South China Morning Post ngày 24/7 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách ngăn chặn "các nước bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương" can thiệp vào hợp tác khu vực. Ông Dân nói điều này bên lề hội nghị ASEAN tại Vientiane, Lào.
Cuộc họp của ASEAN bắt đầu từ thứ Năm tuần này đến thứ Ba tuần tới. Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN sau khi Hội đồng Trọng tài do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, ảnh: SCMP. |
"Chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo thịnh vượng kinh tế và tăng trưởng trong khu vực. Chúng ta phải ngăn các cuộc xung đột giữa các quốc gia trong khu vực ảnh hưởng đến sự hợp tác của chúng tôi, và ngăn chặn sự can thiệp của các nước ngoài khu vực làm phiền sự hợp tác của chúng tôi.
Có quá nhiều cường quốc trong khu vực. Trong khi Mỹ không phải là một quốc gia trong khu vực, họ có ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Á", ông Lưu Chấn Dân nói, Bắc Kinh sẽ "xem xét" việc tổ chức một vòng đàm phán mới để xây dựng COC.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến đến Vientiane ngày hôm nay và sẽ tham gia các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida.
South China Morning Post bình luận, Trung Quốc có "truyền thống" chống sử dụng diễn đàn ASEAN để giải quyết tranh chấp trong khu vực bằng việc cung cấp cho các nước yếu hơn cơ hội để thể hiện lập trường chung.
Tờ báo lưu ý, Campuchia là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc và là nước duy nhất phản đối bất kỳ tham chiếu nào đến phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông tại hội nghị của ASEAN. Campuchia cũng chống lại bất kỳ tuyên bố chung nào nhắc đến quân sự hóa Biển Đông.
Một nhà ngoại giao ASEAN nói với Reuters: "Campuchia là không thể tin được."
Tờ Rappler của Philippines ngày 24/7 dẫn nguồn hãng thông tấn AFP cho hay, một nhà ngoại giao Đông Nam Á hôm Thứ Bảy rằng, chỉ mỗi Campuchia đang chặn cánh cửa không cho ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông.
"Nó rất nghiêm trọng. Campuchia phản đối gần như tất cả mọi thứ, thậm chí cả nội dung yêu cầu các bên tôn trọng quá trình pháp lý và ngoại giao đã có trong dự thảo trước đó", nhà ngoại giao này nói.
Dự thảo mà AFP thu được cho thấy phần có tiêu đề "Biển Đông" hiện đang bỏ trống.
Còn theo Reuters ngày 23/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice bắt đầu thăm Trung Quốc 4 ngày, bắt đầu từ hôm nay 24/7 đến ngày thứ Tư tuần tới.
Một trong những nhiệm vụ của bà Rice là thúc giục Trung Quốc tránh leo thang ở Biển Đông, trong khi quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở đây.
Bà Rice cho biết: "Tôi đã giao tiếp thường xuyên với các đối tác Trung Quốc trong vài tuần qua. Chúng tôi hiểu rõ ràng quan điểm của nhau. Chúng tôi sẽ đôn đốc tất cả các bên kiềm chế."
Cùng thời điểm này Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt ở Vientiane, Lào, nơi ông dự kiến sẽ cố gắng trấn an các đối tác Đông Nam Á tin tưởng cam kết của Washington.
Hoa Kỳ đang sử dụng kênh ngoại giao trầm lặng để thuyết phục Philippines, Indonesia và Việt Nam không "tích cực tận dụng phán quyết trọng tài Biển Đông".
Washington sẽ xử lý các hệ quả của phán quyết trọng tài như thế nào được nhiều người xem là một thử nghiệm đối với uy tín của Hoa Kỳ trong khu vực. Trung Quốc đã phản ứng với phán quyết bằng những lời lẽ chống đối, nhưng một quan chức cấp cao cho biết, cho đến nay Bắc Kinh chưa có hành động nào leo thang.
Bà Susan Rice cũng khẳng định, Nhà Trắng sẽ không để các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới, từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraine làm chệch hướng chính sách tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương.
Cá nhân người viết cho rằng, 14 năm nay Trung Quốc đã "xem xét" việc đàm phán COC không biết bao nhiêu lần và bấy nhiêu lần trì hoãn nó. Lý do có thể có nhiều, nhưng nổi bật nhất là Bắc Kinh muốn áp dụng COC trong phạm vi đường 9 đoạn, nhưng lại từ chối áp dụng COC ở khu vực Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), nơi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp.
Chừng nào Trung Quốc còn giữ yêu sách phi lý này, chừng đó sẽ không bao giờ có COC.
ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do một quốc gia thành viên lợi dụng nguyên tắc đồng thuận để chống phá quyết liệt bất kỳ nội dung nào liên quan đến Biển Đông hay phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Trung Quốc đang chia rẽ ASEAN bằng mọi giá chỉ để thực hiện tham vọng bành trướng, ích kỷ của họ ở Biển Đông. Điều đó chỉ càng làm gia tăng bất mãn trong khu vực đối với những hành xử áp đặt, cá lớn nuốt cá bé mà Bắc Kinh đang thể hiện.