"Siêu ủy ban" sẽ làm phình to bộ máy quản lý, tăng gánh nặng biên chế

28/07/2016 07:25
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Bùi Trinh, “siêu ủy ban” quản lý giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chỉ thêm gánh nặng biên chế, gánh nặng lương cho ngân sách.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Chính phủ xem xét dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong dự thảo Bộ này đề nghị thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Ủy ban ra đời sẽ quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả và sử dụng nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức mạnh quốc gia và phúc lợi xã hội.

"Siêu ủy ban" được kỳ vọng sẽ quản lý điều hành hiệu quả vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp - ảnh minh họa
"Siêu ủy ban" được kỳ vọng sẽ quản lý điều hành hiệu quả vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp - ảnh minh họa 

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ủy ban giám sát, quản lý vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…

Do đặt trực tiếp dưới sự quản lý của Chính phủ nên không ít người cho rằng, đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư đang thành lập một “siêu ủy ban” nhằm giải quyết hết tồn tại trong việc quản lý vốn tài sản nhà nước hiện nay.

Hiện đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư đang nhận nhiều ý kiến phản hồi khác nhau, theo đó nhiều ý kiến cho rằng “siêu ủy ban” sẽ không giải quyết được vấn đề quản lý mà chỉ làm tăng thêm biên chế, tăng thêm quỹ lương cho ngân sách.

"Siêu ủy ban" sẽ làm phình to bộ máy quản lý, tăng gánh nặng biên chế ảnh 2

Dự kiến đưa 30 doanh nghiệp lớn vào danh sách quản lý, giám sát vốn

"Siêu ủy ban" sẽ làm phình to bộ máy quản lý, tăng gánh nặng biên chế ảnh 3

Nếu không có cơ chế minh bạch thì chưa nên thành lập "siêu ủy ban" giám sát vốn

Nêu quan điểm trước đề xuất thành lập “siêu ủy ban” của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh nhận định: “Đây việc làm bắt cóc bỏ đĩa, không giải quyết được vấn đề quản lý tài sản nhà nước mà chỉ phình to bộ máy”.

TS. Bùi Trinh phân tích, khi thành lập “siêu ủy ban” hay bất kỳ một đơn vị nào đứng ra quản lý vốn, tài sản nhà nước câu hỏi đầu tiên phải là nhân sự, con người.

“Ai sẽ làm việc trong ủy ban đó và trình độ, năng lực quản lý điều hành vốn, chỉ đạo điều hành doanh nghiệp đến đâu. Hay khi thành lập siêu ủy ban lại nhặt vài vị công chức, viên chức ở vụ này, cục kia về làm việc. Sẽ không thay đổi nếu vẫn những con người ấy”, TS. Bùi Trinh cho biết.

Bên cạnh lo lắng “siêu ủy ban” không làm được việc TS. Bùi Trinh còn cho rằng, khi thành lập đề “siêu ủy ban” sẽ làm phình thêm quỹ lương, phình thêm chi tiêu công gồm ngân sách hoạt động, cần công sở để hoạt động, thiết bị văn phòng đảm bảo cho “siêu ủy ban” có đủ điều kiện hoạt động.

Tất cả đều được lấy từ tiến thuế của dân - tóm lại ngân sách nhà nước sẽ phải thêm khoản chi lớn nữa.

Trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, theo TS. Bùi Trinh, Chính phủ đã chỉ rõ nhà nước chỉ quản lý những ngành kinh doanh có điều kiện còn lại phải thực hiện thóa vốn, cổ phần hóa. Như vậy “siêu ủy ban” ra đời nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.

“Cần phải thấy rằng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay gặp khó do tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước vẫn lớn trên 50% thậm chí có lĩnh vực, có doanh nghiệp nắm giữa trên 70% do đó không thu hút nhà đầu tư. Muốn đẩy nhanh cổ phần hóa, không cần “siêu ủy ban” mà chỉ cần đưa lên sàn và để thị trường quyết định. Như vậy, vừa đảm bảo khách quan thị trường và quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh chóng”, TS. Bùi Trinh cho hay. 

Ông Trinh cũng đặt ra câu hỏi nếu “siêu ủy ban” ra đời, quản lý doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, vậy sau khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa “siêu ủy ban” có quản lý hay chuyển giao sang cho SCIC.

Nếu chuyển giao SCIC, “siêu ủy ban” sẽ giải thể hay được giao nhiệm vụ khác. “Nhiều câu hỏi cần được làm rõ trong đề xuất thành lập Ủy ban giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để tránh làm bộ máy cồng kềnh, tránh gánh nặng ngân sách nhà nước”, ông Bùi Trinh nói.

Mai Anh