Dự đoán 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp
Ngày 17/5, Hội thảo khoa học "đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay" được tổ chức tại Đại học Thủ đô Hà Nội.
Theo tính toán của PGS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô, dự kiến đến năm 2018, số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm bậc tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000.
Với con số này thì dù có giảm số học sinh trên giáo viên bình quân cho tương đương các nước công nghiệp phát triển, đến năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường. Con số dư thừa lúc ấy là khoảng 41.000 giáo viên tiểu học, 12.200 giáo viên THCS và 16.900 giáo viên THPT.
Trước đó, đưa ra bình luận về con số 70.000 giáo viên có thể thất nghiệp vào năm 2020 như trong dự báo kể trên, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân nói:
“Tôi chưa biết tính xác thực của con số 70.000 này đến đâu. Dự báo đó có lẽ là trên cơ sở hệ thống giáo dục hiện nay. Nhưng nếu nói thừa mà không thiếu thì không chính xác. Vì có những giáo viên dạy ngành này thừa nhưng với ngành khác thì vẫn thiếu”.
Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có buổi làm việc với trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây ngày 25/7 |
Nhìn nhận con số này, trong buổi làm việc với trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây vào sáng 25/7, đại diện Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định:
Hiện nay, cả nước có 132 cơ sở đào tạo sư phạm trong khi Việt Nam đang thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình nên lượng học sinh ít hơn so với trước.
Có nghĩa là hệ thống đào tạo giáo viên đã phát triển quá nhanh, nhiều trường, nhiều khoa sư phạm được mở ra ồ ạt, không xuất phát từ nhu cầu dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa nhân lực ngành sư phạm trong những năm gần đây và dự đoán trong những năm tiếp theo.
Hơn nữa, theo quy định, ở Tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, bậc THCS: 40 học sinh/lớp. Ấy thế mà một số trường ở thành phố lớn thì con số này lên tới 50-60 học sinh/lớp.
Cho nên, đã đến lúc hệ thống các trường sư phạm cần phải sắp xếp lại, tính toán số lượng giáo viên/lớp, quy mô lớp học cho phù hợp để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý.
Giải quyết bài toán khủng hoảng thừa nhân lực sư phạm
Theo thống kê, hiện nay trừ tỉnh Đắk Nông, thì trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên.
Miền núi và trung du phía Bắc có 19 cơ sở; đồng bằng Sông Hồng có 26; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có 23; Tây Nguyên 8; Đông Nam Bộ có 18 và đồng bằng Sông Cửu Long có 14 cơ sở đào tạo giáo viên.
Nhiều cử nhân chỉ biết học rồi ra trường ngồi chờ bố mẹ đi xin việc(GDVN) - Các cử nhân nên nhớ chẳng ai thương các bạn bằng bố mẹ. Nhưng bố mẹ các bạn kiệt sức rồi. Hãy tự nghĩ và làm điều gì đó cho bản thân mình đi. |
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, cho rằng để giải bài toán dư thừa nhân lực sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm nằm trong tổng thể quy hoạch chung mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Trước tình hình này, một số ý kiến cho rằng, chỉ nên duy trì 30 cơ sở đào tạo sư phạm/63 tỉnh thành.
Vậy khi sáp nhập thì cơ sở của các trường còn lại sẽ xử lý như thế nào? Cán bộ sẽ điều chuyển ra sao? Cơ chế quản lý phân cấp thế nào vẫn đang là bài toán khó.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, đại diện trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây cho rằng:
“Chúng tôi rất đồng ý với giải pháp quy hoạch của Bộ GD&ĐT, thắt chặt quản lý Nhà nước về đào tạo tuy nhiên Bộ cũng cần tính toán đến đặc điểm vùng miền, dân số, nhu cầu nhân lực tránh tình trạng sáp nhập để giải quyết nhân lực dư thừa hiện nay rồi vài năm sau khi thiếu thì các trường lại được bung ra”.
Lãnh đạo Nhà trường lý giải: Với tổng dân số hơn 90 triệu dân mà mong muốn duy trì 30 cơ sở đào tạo có nghĩa là cứ 3 triệu dân/cơ sở đào tạo. Nên với dân số gần 7 triệu dân như thành phố Hà Nội thì việc sáp nhập cần phải suy tính kỹ lưỡng.
Đề xuất ý kiến về việc sáp nhập các trường, PGS.TS.Đặng Bá Lãm – Trưởng ban khoa học và dịch vụ (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng:
“Hiện nay nền kinh tế thị trường buộc các trường phải đào tạo đa ngành, bản thân mỗi người phải đa dạng để có thể thay đổi năng lực nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện phát triển và giảm thiểu con số thất nghiệp.
Với những giáo viên từ bậc Tiểu học trở lên cần được đào tạo ở trình độ đại học, điều này cần làm càng nhanh càng tốt như thế sẽ có lợi cho thế hệ tương lai, đi đúng với xu hướng thế giới.
Hơn nữa, giờ đã đến lúc chúng ta phải chăm sóc học sinh cẩn thận hơn, cần tuân thủ đúng quy định về số học sinh/lớp, học sinh phải được học toàn diện từ văn hóa đến hoạt động vui chơi như bơi, vẽ, nhạc, thể chất….buộc chất lượng đào tạo giáo viên phải được nâng lên, phân bổ giáo viên hợp lý".
Bằng mọi cách thì hệ thống cũng không "tiêu" hết được số giáo viên thừa(GDVN) - Đây là một trong những nhận định của chuyên gia, nếu chúng ta không có một quy hoạch cụ thể về quy mô, chất lượng ngành sư phạm trong thời gian tới. |
Còn theo quan điểm của TS.Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng:
“Trước đây, các trường sư phạm được phân sứ mệnh rất rõ ràng, trường ở địa phương thì đào tạo giáo viên cho địa phương, đào tạo từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, còn trường ở trung ương thì đào tạo giáo viên từ bậc trung học phổ thông.
Nhưng hiện nay, trường ở trung ương “ôm” cả phần đào tạo của các trường địa phương cho nên để giải quyết tình trạng dư thừa giáo viên thì cần phải quy hoạch lại, các trường địa phương ngoài đào tạo giáo viên còn phải làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên để nâng cao trình độ cho họ”.
TS.Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Chục năm gần đây, chúng ta “vô chính phủ” trong phân cấp đào tạo. Một trường tận cực nam đất nước có thể ra mở lớp đào tạo trên Lai Châu hay việc một trường đại học ở Hà Nội lại dạy các lớp bồi dưỡng ở tận Cà Mau”.
Kết thúc buổi làm việc với trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất nguyên tắc sắp xếp các trường sư phạm:
Thứ nhất, cơ sở vật chất phải đàng hoàng, đảm bảo, nơi nào chưa đàng hoàng thì phải được nâng cấp, phải làm sao để tất cả sinh viên đều được nội trú, thực hiện đúng nề nếp của người giáo viên.
Thứ hai, với những trường đào tạo đa ngành mà khoa sư phạm kém chất lượng thì nên “dẹp” đi, nếu chất lượng tốt thì cần được giữ lại.
Thứ ba, rõ ràng, chiến lược phát triển giáo dục có thể tính toán nhu cầu cung – cầu, cần tránh đào tạo tràn lan.
Nhà nước cần phải quy hoạch để tất cả học sinh phổ thông tất đều được học 2 buổi/ngày để tránh lãng phí thời gian của học sinh đồng thời “dẹp” được nạn dạy thêm học thêm. Nếu khi thực hiện trường không đủ cơ sở vật chất thì cần tiến hành xã hội hóa giáo dục.