Tăng mức phạt vi phạm giao thông
Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1/8, mức phạt sẽ tăng đối một số hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông như không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, vượt quá nồng độ cồn, chạy quá tốc tộ, vi phạm trên cao tốc.
Đặc biệt, nghị định bổ sung một số hành vi vi phạm, ngoài phạt tiền còn bị tịch thu phương tiên như: dùng chân để điều khiển xe máy, thả hai tay, lạng lách đánh võng, tụ tập đua xe máy…
Các hành vi tương tự như trên đối với ô tô sẽ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
Vượt đèn vàng bị xử phạt như vượt đèn đỏ. ảnh: báo giao thông. |
Bên cạnh đó, các mức xử phạt vượt đèn vàng và đèn đỏ được áp dụng như nhau và tăng nặng mức phạt.
Cụ thể, với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng và đèn đỏ) người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự bị phạt 1,2 - 2 triệu đồng.
Người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự bị phạt tiền 300.000 - 400.000; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ bị phạt tiền 60.000 - 80.000 đồng.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô thực hiện hành vi vi phạm: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (quy định hiện hành chỉ phạt đến 800.000 đồng), tịch thu giấy phép lái xe từ một đến 3 tháng (tăng 2 tháng so với quy định hiện hành).
Tăng mức phạt tiền lên 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (quy định cũ từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng).
Tăng mức phạt tối thiểu từ 4 triệu lên 5 triệu đồng (phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Tăng phí các dịch vụ y tế
Từ 1/8, viện phí tiếp tục tăng theo lộ trình, bao gồm cả chi phí lương của bác sỹ. Lần tăng viện phí này sẽ áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế cao từ 90 - 95%, trong đó phải kể tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế cũng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.
Dự kiến cho tới cuối năm 2016 còn 4 đợt điều chỉnh viện phí (các tháng: 8, 10, 11, 12).
Đầu tháng 1/2017, sẽ áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các tỉnh còn lại.
Tăng 8% lương hưu, trợ cấp
Theo Nghị định 55/2016 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng, từ 1/8, một số đối tượng có thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến trước 1/5/2016 sẽ được điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
Trợ cấp và lương hưu được tăng 8% từ 1/8/2016. |
Cụ thể các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp. Riêng các đối tượng đã được điều chỉnh tăng 8% theo Nghị định 09/2015 thì giữ nguyên mức hưởng.
Siết chặt tuyển dụng trong doanh nghiệp nhà nước
Từ 1/8, Công ty TNHH Một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải đảm bảo tổng số lao động theo kế hoạch trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5% so với số lao động thực tế đã sử dụng bình quân của năm trước liền kề.
Yêu cầu này được thực hiện theo Nghị định 51/2016 của Chính phủ.
Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì tổng giám đốc, giám đốc hoặc chủ tịch công ty, hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương.
Nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25m2
Thông tư 20/2016 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 15/8 tới, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, mỗi căn hộ, căn nhà xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua phải đảm bảo các tiêu chuẩn:
Diện tích căn hộ tối thiểu là 25 m2; diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2;
Chiều rộng thông thủy không dưới 2,4 m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,7 m; phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và ánh sáng tự nhiên; mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và bảo đảm không bị thấm dột…
Nhà ở xã hội phải có diện tích tối thiểu 25m2. ảnh: báo đầu tư. |
Khu đất xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch xây dựng; không thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, bãi rác, nghĩa trang; không lấn chiếm đất công và không có tranh chấp về đất đai.
Hỗ trợ rủi ro khi làm việc tại nước ngoài
Thông tư liên tịch 09/2016 của liên Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội và Bộ Tài chính đã quy định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015 sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ giải quyết trong trường hợp người lao động gặp phải các rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ nhưng tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được cấp phép theo quy định.
Siết chặt thu đổi ngoại tệ
Thông tư số 11/2016 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 13/8 quy định, các đại lý đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy ngoại tệ khác.
Đây là một quy định mới thay cho quy định hiện hành khi Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định các đại lý đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy tiền Đồng Việt Nam.
Như vậy, các đại lý này chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng tiền đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân.
Riêng đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế được phép bán ngoại tệ tiền mặt thu tiền đồng Việt Nam cho cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.