Hiện nay, xung quanh Trường Đại học Thủy Lợi, đặc biệt phía sau trường đang tồn tại hàng chục ky ốt kinh doanh, buôn bán.
Điều đáng nói, các điểm kinh doanh, buôn bán này đều nằm trên khuôn viên địa phận của Trường ĐH Thủy Lợi.
Phía sau Trường ĐH Thủy Lợi luôn tấp nập khách hàng khiến quanh trường càng thêm chật chội, nhốn nháo (Ảnh MC) |
Vậy ai cho phép Trường ĐH Thủy Lợi “xẻ đất” để cho thuê kinh doanh, buốn bán thu lợi?
Luật nào cho phép lãnh đạo trường ĐH Thủy Lợi xẻ đất, sử dụng mục đích đất xây dựng công trình sự nghiệp “bát nháo”?
Nguồn lợi thu được “rơi” vào túi ai, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào? Liệu có hay không “lợi ích nhóm” xoay quanh vụ việc? Đó là những câu hỏi người dân, cũng như dư luận đang đặt ra trong thời gian qua.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến Trường ĐH Thủy Lợi đặt lịch làm việc xoay quanh những nội dung trên.
Tuy nhiên, cán bộ đơn vị Trường ĐH Thủy Lợi cho biết, nhà trường đang trong giai đoạn tuyển sinh nên không tiếp, mà buộc phóng viên nên “chờ” nhà trường xong việc tuyển sinh mới tiếp nhận, trả lời báo chí.
“Anh cứ để giấy giới thiệu đây, để tôi đi báo cáo lãnh đạo”, ông Hưng, cán bộ văn phòng Trường ĐH Thủy Lợi cho biết.
Con đường cổng sau trường ĐH Thủy Lợi đã chật hẹp nay càng thu hẹp hơn (Ảnh MC) |
Sau khi báo cáo với lãnh đạo, ông Hưng nói với phóng viên: “Về vụ việc này, theo lãnh đạo của đơn vị chúng tôi, anh nên chờ sau khi nhà trường tuyển sinh xong mới trả lời báo chí được. Bây giờ nhà trường đang bận làm công tác tuyển sinh nên không tiếp được, anh thông cảm!”
Ngoài ra, vị cán bộ Hưng còn hứa sẽ liên lạc lại trong thời gian sớm nhất để làm việc.
Tuy nhiên, sau khi chờ đợi nhiều ngày trôi qua, phóng viên tiếp tục liên hệ thì anh Hưng lại “bặt vô âm tín”.
Phía trên các ky ốt được căng bạt che, bên dưới là xe cộ, bàn ghế bày tràn lan khiến giao thông nơi đây trở nên hỗn độn, con đường trở nên tối tăm(Ảnh MC) |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngay phía cổng sau của trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), có gần 50 ki ốt được xây dựng theo hình thức liên hoàn để kinh doanh, buôn bán từ sách báo đến ăn uống,…
Tại đây, luôn tấp nập khách hàng ra vào, bàn ghế được bày bán ra lòng lề đường khiến việc lưu thông qua lại nơi đây rất khó khăn.
Trường Đại học Thủy Lợi còn ra điều kiện quy định khi giao dịch cho thuê với các chủ ki ốt kiểu như “chủ nợ” (Ảnh MC) |
Qua tìm hiểu, các ky ốt trên được xây dựng cách đây 10 năm, theo đó mỗi ki ốt đơn diện tích khoảng 7m có giá cho thuê mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, có ki ốt lên đến 11, 12 triệu đồng. Việc giá cả thuê phụ thuộc giá thầu với Trường ĐH Thủy Lợi.
Bên cạnh đó, theo một số người dân cho biết, Trường Đại học Thủy Lợi còn ra điều kiện quy định khi giao dịch cho thuê với các chủ ki ốt kiểu như “chủ nợ”: Hợp đồng thuê ký 1 năm và đóng tiền 6 tháng một lần, khi ký hợp đồng thuê 1 ki ốt phải đặt cọc 5 triệu tiền gối, nếu như chuyển trước hợp đồng sẽ bị mất 5 triệu, còn nếu chuyển đúng hợp đồng cũng bị trừ vào tiền lấn chiếm đường, coi như vi phạm hợp đồng .
Trước sự việc trên và sự né tránh dư luận của Trường ĐH Thủy Lợi đang khiến người dân càng tỏ ra hoài nghi có sự mập mờ, trốn tránh trách nhiệm trả lời báo chí xoay quanh vụ việc trên.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Theo khoản 4, Điều 147 Luật Đất đai 2013: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất , cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích. Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác. Trong đó đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội , y tế và đào tạo… |