Sáng 10/8, kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 bước sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại chỗ các vấn đề “nóng” trên địa bàn.
Theo phản ánh của cử tri Đà Nẵng, dù chính quyền thành phố đã có nhiều cố gắng trong giải quyết các vấn đề môi trường nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, nhân dân một số nơi như khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Liên Chiểu, kênh Phú Lộc, Âu thuyền Thọ Quang…vẫn phải sống chung với ô nhiễm.
Nhất là gần đây, việc Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm thành phố (do Công ty CP Procimex Việt Nam quản lý, điều hành) xả trộm nước thải ra môi trường gây ô nhiễm khiến người dân sống ở khu vực khối phố Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bức xúc.
Điều đáng nói, trước đó Trung tâm này đã bị UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt 270 triệu đồng vì xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường.
Tuy nhiên, Trung tâm này không khắc phục, sửa chữa mà vẫn lén xả thải ra môi trường, dù đã bị phạt nặng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (bên trái) trong một lần đi kiểm tra bãi rác Khánh Sơn gây ô nhiễm khiến dân sống xung quanh vùng bức xúc. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Nhiều cử tri mong muốn lãnh đạo thành phố nên xem sự cố Formosa là bài học đắt giá của chính mình trong việc quản lý Nhà nước về môi trường để mục tiêu xây dựng thành phố môi trường trong tương lai không vấp phải những vấn đề tương tự.
Nói về vấn đề này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: “Đà Nẵng không đánh đổi việc phát triển kinh tế để mà hủy hoại môi trường của thành phố. Đó là quan điểm xuyên suốt”.
Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết không nhân nhượng. Nếu cơ sở nào vi phạm về môi trường 1-2 lần gì đó thì sẽ bị đóng cửa.
“Nước ngoài người ta làm rất nghiêm vấn đề này, người ta đóng cửa ngay lần đầu chứ không có lần thứ hai nữa cơ. Nhưng mình vẫn còn nặng cái tình quá.
Đơn cử như Trung tâm của Công ty Procimex Việt Nam xả thải môi trường ở Liên Chiểu vừa qua, tôi gọi điện cho anh Nam (ông Lê Quang Nam – giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường- PV) tôi đề nghị đóng cửa.
Nhưng đến bây giờ nghe nói vẫn tạo điều kiện. Tạo điều kiện thì mình tạo 1-2 lần thôi, làm gì có lần thứ ba, thứ tư, thứ năm xả thải ra như thế khiến dân kêu trời.
Quan điểm cá nhân tôi với tư cách là đại biểu HĐND TP vấn đề môi trường phải quyết tâm ở mức cao nhất.
Nếu chúng ta không xử lý một cách quyết liệt thì hậu quả mình gánh một phần nhưng thế hệ sau này người ta gánh nhiều hơn nữa.
Tăng trưởng kinh tế 1% mà môi trường nó hủy hoại mất 3% rồi, không có lý do gì mà nhân nhượng với môi trường cả.
Bất cứ cơ sở nào trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vi phạm về môi trường, tôi đề nghị phải xử lý ở mức cao nhất”, ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Đà Nẵng không đánh đổi việc phát triển kinh tế để mà hủy hoại môi trường. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng tuy chưa có điểm nóng nào gây ô nhiễm như sự cố Formosa vừa qua ở Hà Tĩnh, nhưng không vì thế mà có thể nhân nhượng cho các cơ sở kinh doanh khác.
Nếu cơ sở nào vi phạm lần đầu, có thể phạt, cảnh cáo. Nhưng vi phạm lần thứ hai thì phải có chế tài, đóng cửa cơ sở vi phạm đó.
“Mình sợ đóng cửa sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh của người ta, nhưng người ta có nghĩ tới quyền lợi của người dân đâu. Các đại biểu phải giám sát và có ý kiến về vấn đề này.
UBND TP và các sở ban ngành liên quan phải có trách nhiệm về vấn đề này, phải quyết tâm, không chịu sức ép của bất cứ ai hết.
Thành phố Đà Nẵng mà môi trường không đảm bảo thì không còn cái gì nữa cả. An ninh trật tự và môi trường phải là số một, ưu tiên hàng đầu.
Chưa thấy cơ sở nào vi phạm môi trường bị đóng cửa cả, mình giơ cao đánh khẽ, hô hào, nói ghê lắm nhưng kết quả lớt phớt, chẳng có gì. Rồi mấy cơ sở khác thấy thế là họ nhờn.
Tôi nghĩ như thế là không được, từ nay đến cuối năm phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ về môi trường, phải quyết tâm cao nhất”, Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói.