Tổng cục Đường bộ đã thông báo kết luận cuộc họp về công tác sửa chữa khắc phục hư hỏng cầu Việt Trì.
Theo đó, Tổng cục sẽ sửa chữa cầu Việt Trì để cho ô tô dưới 7 chỗ và xe máy, xe đạp qua lại. Các loại xe lớn hơn sẽ phải đi theo cầu Hạc Trì.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra hiện trường cầu Việt Trì để rà soát các hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình cầu như: khe co giãn, bu lông, bê tông mặt cầu...
Cầu Việt Trì được xây dựng theo kết cấu thép chịu lực có độ bền trên 50 năm tuy nhiên chỉ qua 21 năm khai thác cơ quan chức năng kết luận cây cầu không đảm bảo an toàn - ảnh nguồn viettimes |
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư tham mưu đầu tư sửa chữa đột xuất các hư hỏng với kinh phí dự kiến dưới 1 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ.
Cũng theo dự kiến, việc sửa cầu sẽ phải hoàn thành cơ bản vào ngày 20/8/2016 và sau đó cho phép xe hơi dưới 7 chỗ lưu thông.
Trong quá trình khai thác, Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục theo dõi và đề xuất sửa chữa kịp thời đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Về tổ chức phân luồng giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo lập phương án phân luồng cho phép xe ôtô từ 7 chỗ trở xuống, xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Việt Trì và chuẩn bị sẵn nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác phân luồng giao thông.
Thời gian phân luồng dự kiến ngay sau khi sửa chữa xong (ngày 20/8/2016).
Chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì: Anh đóng cũng được, chứ đừng thách đốAi cho phép chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì độc quyền để gây sức ép? |
Trước đó tháng 12/2015, cầu Hạc Trì bắt đầu được thu phí. Khi đó nhà đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) đã đặt biển báo cấm ô tô qua cầu Việt Trì rồi dựng ụ chặn ở lối lên cầu gây bức xúc cho người dân.
Người dân địa phương đã có nhiều hành động phản đối và tự di dời những chiếc ụ bê tông này.
Giải thích việc đặt ụ bê tông hai đầu cầu Việt Trì, Công ty CP BOT cầu Hạc Trì lý giải do căn cứ theo quyết định của Tổng cục Đường bộ.
Theo ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thì cầu Việt Trì (Phú Thọ) là cầu đường sắt đi chung với đường bộ, phần đường sắt đi ở giữa, phần đường bộ đi ở hai cánh gà hai bên. Mỗi chiều chỉ có một làn xe đi chung cả ô tô lẫn xe máy nên rất chật hẹp đã bị yếu, thường xuyên rung lắc, bị vỡ các tấm bê tông cốt thép lắp ghép mặt cầu phần đường bộ.
Căn cứ kết quả kiểm định cầu được thực hiện từ tháng 7/2015, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, duy trì tuổi thọ công trình, ưu tiên cho vận tải đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã tạm thời cấm xe ô tô lưu thông qua cầu (các phương tiện xe thô sơ, xe máy và tầu hỏa vẫn đi lại bình thường).
Đến ngày 1/8/2016, Cục Quản lý đường bộ I đã dỡ các ụ nổi, rào chắn tại cầu Việt Trì và cho phép các phương tiện xe máy, xe thô sơ và xe ô tô dưới 7 chỗ đi qua.
Đáng chú ý trước động thái này của Cục Quản lý đường bộ 1, nhà đầu tư BOT cầu Hạc Trì ra “tối hậu thư” đề nghị có phương án cấm triệt để phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. Đồng thời trả nguyên trạng ụ nổi, rào chắn phân luồng giao thông qua cầu Việt Trì cũ.
Chủ đầu tư cầu Hạc Trì cho biết, đang rất khó khăn khi hàng loạt cam kết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư trong phương án tài chính xây dựng cầu Hạc Trì đã không được thực hiện.
Theo phương án tài chính xây dựng cầu Hạc Trì, dự án phải đạt mức thu phí 138 tỷ đồng/năm, tương đương 11,5 tỷ đồng/tháng, nhưng hiện chỉ đạt 7-8 tỷ đồng/tháng.
Trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì nhấn mạnh: “Trong thời gian 15 ngày, nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để vụ việc … thì chúng tôi xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì để giải quyết vụ việc rõ ràng thấu đáo khi chúng tôi bị dồn vào đường cùng”.
Tuy nhiên kiến nghị của chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì đã vấp phải phản đối của các chuyên gia và dư luận.
Được biết Cầu Việt Trì đưa vào khai thác từ năm 1995. Cầu được xây dựng theo kết cấu cầu thép chịu lực có tuổi thọ thiết kế 50 năm, phục vụ cả phương tiện vận tải đường bộ và đường sắt.