Coi chừng ảo tưởng về đột phá trên Biển Đông sau hội nghị ASEAN - Trung Quốc

20/08/2016 07:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Không nên ảo tưởng COC có thể là "chìa khóa vạn năng" để quản lý tranh chấp Biển Đông, công việc đấu tranh vẫn phải tiến hành thường xuyên và liên tục.

Giáo sư Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu UNCLOS 1982 tài năng và cương trực người Trung Quốc ngày 18/8 viết trên trang cá nhân, hôm 16/8 Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói với báo chí, việc ASEAN cùng Trung Quốc chọn Mãn Châu Lý, một thành phố ở khu tự trị Nội Mông miền bắc nước này để tổ chức hội nghị 2 ngày 15, 16/8 giúp các bên "bình tĩnh" thảo luận vấn đề Biển Đông.

Ngày 16/8 nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Phong nói với Thời báo Hoàn Cầu, dưới sự nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, cục diện Biển Đông gần đây đã giảm nhiệt rõ ràng. Nhưng Giáo sư Lý Lệnh Hoa nghi ngờ điều này.

Ông lưu ý, trong ngày 17/8 Tân Hoa Xã và mạng quân sự Sina dẫn nguồn trang Soha News về việc Việt Nam vừa bố trí chiến đấu cơ Su-30 tại sân bay Kép, Bắc Giang. Tuy nhiên bản tin trên Tân Hoa Xã, Nhân Dân nhật báo nói rằng những chiếc Su-30 này có thể "bay đến Quảng Tây".

Cùng ngày tờ Tin tức Tham khảo, phụ san của Tân Hoa Xã đưa tin, trong lúc Biển Đông căng thẳng Indonesia vừa đánh chìm tàu cá nước ngoài bị nước này cho là đánh bắt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước này, bao gồm tàu cá Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày nào Trung Quốc còn theo đuổi mục tiêu bành trướng, còn quân sự hóa Biển Đông thì ngày đó khó nói đến lòng tin chiến lược. Ảnh minh họa: RT.
Ngày nào Trung Quốc còn theo đuổi mục tiêu bành trướng, còn quân sự hóa Biển Đông thì ngày đó khó nói đến lòng tin chiến lược. Ảnh minh họa: RT.

Bởi vậy theo Giáo sư Lý Lệnh Hoa, Lưu Phong nói Biển Đông đã hạ nhiệt không phù hợp với thực tế. Giáo sư Lý Lệnh Hoa cho biết thêm, Lưu Phong là một nhà nghiên cứu về luật biển thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông do ông Ngô Sĩ Tồn làm Viện trưởng, đặt tại đảo Hải Nam.

Quan điểm của Lưu Phong là vấn đề Biển Đông phải "đánh trường kỳ", chủ trương giải quyết mọi vấn đề qua đàm phán song phương, nhận thức rằng Tòa án Quốc tế vì Công lý hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển là do "phương Tây chỉ đạo".

Lưu Phong có quan điểm giống với Ngô Sĩ Tồn hay Lý Quốc Cường - Viện Nghiên cứu biên giới biển thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc. Cả 3 người này đều cho rằng đường lưỡi bò "có căn cứ pháp lý" và đều thuộc loại học giả thích nói gì thì nói. [1]

Inquirer ngày 20/8 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc với ASEAN về khuôn khổ chung cho bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) không đủ bảo đảm cho cam kết của Bắc Kinh sẽ giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí sẽ hoàn thành khuôn khổ chung của COC vào năm 2017 sau một cuộc họp tuần qua tại Nội Mông, Trung Quốc. Nhưng cam kết chính trị để giải quyết tranh chấp chưa được chứng minh bởi Trung Quốc.

Ông Charles Jose nói rằng: "Cần lưu ý đây chỉ là khuôn khổ chung của COC, đây chỉ là xương sống phác thảo của COC. Chúng ta cần phải đắp thêm da thịt cho nó."

Philippines cho rằng, sự hiện diện của Trung Quốc tại Scarborough vẫn là một sự vi phạm rõ ràng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Manila đang tiếp tục theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, còn COC chính thức vẫn là một nguyện vọng chung của ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là Philippines. [2]

Nếu thực sự thượng tôn pháp luật, thiện chí giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông thì nên tuân thủ Phán quyết Trọng tài

Người viết cho rằng những cảnh báo từ Giáo sư Lý Lệnh Hoa hay phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines là có cơ sở, đáng tin cậy.

Ở đây xin được lưu ý thêm, hoạt động bố trí Su-30 tại sân bay Kép, Bắc Giang của Việt Nam nằm trong kế hoạch phòng thủ bình thường, toàn diện của Việt Nam và không nhằm vào quốc gia nào.

Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc thêm vào nhận định, Su-30 bố trí ở kép, Bắc Giang "có khả năng tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc" cho thấy sự thiếu hụt lòng tin chiến lược và suy diễn về hoạt động phòng thủ chính đáng từ láng giềng.

Tất cả các hoạt động quốc phòng, quân sự của các bên liên quan trên Biển Đông thời gian qua đều xuất phát từ mối lo ngại về hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành.

Vì vậy thận trọng, cảnh giác với "lạc quan tếu" mà học giả Trung Quốc như Lưu Phong nói về hòa bình, ổn định trên Biển Đông chỉ bằng thỏa thuận khung về COC giữa ASEAN với Trung Quốc tuần qua, là điều cần thiết.

Đó cũng là bình luận của biên tập viên tạp chí The Diplomat, Prashanth Parameswaran ngày 17/8. Người viết đồng ý với quan điểm của ông rằng, các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông nên bắt đầu từ Phán quyết Trọng tài ngày 12/7. [3]

Bởi vậy tiếp tục khuyến khích Trung Quốc và ASEAN sớm đạt được COC nhưng cũng không nên ảo tưởng COC có thể là "chìa khóa vạn năng" để quản lý tranh chấp Biển Đông, công việc đấu tranh vẫn phải tiến hành thường xuyên và liên tục trên nền tảng luật pháp, thông lệ quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 mà Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 là tham chiếu quý giá.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://lilinghuacool.lofter.com/post/31f6fb_c0c4966

[2]http://globalnation.inquirer.net/143043/no-guarantee-china-will-honor-code-of-conduct

[3]http://thediplomat.com/2016/08/beware-the-illusion-of-china-asean-south-china-sea-breakthroughs/

Hồng Thủy