Sau khi báo chí phản ánh liên quan đến việc sử dụng đất công tại Trường Đại học Thủy Lợi, lãnh đạo phía nhà trường đã có một cuộc làm việc với báo chí và phủ nhận việc sử dụng đất công trái mục đích.
Cụ thể, trong thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề trên đất của trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) có gần 50 ki ốt được xây dựng theo hình thức liên hoàn để kinh doanh, buôn bán từ sách báo đến dịch vụ ăn uống,…
Dãy các ky ốt được Trường ĐH Thủy Lợi cho thuê kinh doanh, buôn bán (Ảnh MC) |
Tại đây, luôn tấp nập khách hàng ra vào, bàn ghế được bày bán ra lòng lề đường khiến việc lưu thông qua lại nơi đây rất khó khăn.
Qua tìm hiểu, các ky-ốt trên được xây dựng cách đây 10 năm, theo đó mỗi ki ốt đơn diện tích khoảng 7m có giá cho thuê mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, có ki ốt lên đến 11, 12 triệu đồng. Việc giá cả thuê phụ thuộc giá thầu với Trường ĐH Thủy Lợi.
Bên cạnh đó, theo một số người dân cho biết, Trường Đại học Thủy Lợi còn cho thuê sân bóng, bể bơi để thu lợi.
Bể bơi, sân bóng cũng được trường ĐH Thủy Lợi cho thuê với mục đích thu lợi (Ảnh MC) |
Qua tìm hiểu, trong khu bể bơi, ngoài những giờ học tập của sinh viên, khi người ngoài có nhu cầu bơi, nhà trường đã cho thuê. Giá mỗi lần bơi đối với người lớn là 30 nghìn/35 phút, trẻ em là 25 nghìn/35 phút.
Bảng thông báo lịch bơi cho khách hàng có nhu cầu của trường ĐH Thủy Lợi (Ảnh MC) |
Ngoài ra, khu sân bóng cũng được nhà trường đứng ra ký kết hợp đồng với một đơn vị và dùng sân để cho thuê. Đây được xem là một dịch vụ hút khách bởi hàng tháng có rất nhiều đơn vị chơi bóng đá tại đây.
Việc làm của ban lãnh đạo Trường ĐH Thủy Lợi đã khiến dư luận bức xúc hoài nghi, đặt nhiều dấu hỏi xung quanh vụ việc.
Liệu trường ĐH Thủy Lợi có chú trọng đến công tác đào tạo hay chỉ chú trọng cho việc cho thuê đất công, kinh doanh, dịch vụ chỉ để trục lợi?
Nguồn lợi thu được “rơi” vào túi ai, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào? Liệu có hay không “lợi ích nhóm” xoay quanh vụ việc?
Liên quan đến những vấn đề trên, chiều ngày 15/08/2016, ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi cùng Ban giám hiệu nhà trường đã có một cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề sử dụng đất công, việc hoạch toán nguồn thu.
Đất công tại Trường ĐH Thủy Lợi đang được "băm nát" để cho thuê, trục lợi(GDVN) - Hàng chục ky ốt kinh doanh buôn bán nối đuôi nhau “bủa vây” phía sau Trường ĐH Thủy Lợi. Luật nào cho phép đơn vị này “xẻ” đất công để kinh doanh? |
Phía lãnh đạo nhà trường cho rằng, việc sử dụng đất công cho thuê để các hộ kinh doanh buôn bán là hình thức xã hội hóa trong nhà trường, và nhằm mục đích phục vụ sinh viên có chỗ ăn, ở tốt hơn, đồng thời giúp nhà trường có khoản đóng góp vào quỹ đầu tư.
“Nhà trường với số lượng sinh viên đông với tổng số 15 nghìn sinh viên, vấn đề dịch vụ, phục vụ sinh viên rất là lớn.
Việc xây dựng các ky-ốt đã có từ lâu và đây là hình thức xã hội hóa phục vụ sinh viên là việc làm rất cần thiết. Quan điểm của nhà trường là mức độ xã hội hóa càng cao, thì chất lượng phục vụ cho nhu cầu của sinh viên càng tốt.
Trước đây, tại khu vực cho xây dựng ky-ốt là khu vực họp chợ của dân cư, vì nhà trường cũng gần với khu đông dân cư.
Để quản lý tốt hơn, nhà trường đã cho xây dãy ky-ốt đấy cho thuê để việc quản lý được chặt chẽ hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự trong khu vực nhà trường”, ông Nguyễn Quang Kim cho biết.
Cũng trong cuộc trao đổi, liên quan đến các giấy tờ, hồ sơ, xin phép xây dựng các ky ốt cho thuê, phía nhà trường không có bất cứ một văn bản, giấy tờ nào có liên quan.
GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cùng Ban giám hiệu nhà trường đang trao đổi vụ việc với báo chí (Ảnh MC) |
“Việc xây dựng các ky-ốt đã có từ lâu, tôi cũng chỉ là thế hệ sau này. Về căn cứ vào quy định nào để nhà trường xây dựng các ky ốt và có xin phép không đang được báo chí, dư luận quan tâm, chúng tôi cũng đã tìm, kiểm tra kỹ lưỡng trong hồ sơ lưu trữ của nhà trường nhưng chưa có văn bản, giấy tờ nào liên quan đến việc xây dựng các ky ốt”, ông Nguyễn Quang Kim phân trần.
Liên quan đến vấn đề hạch toán các khoản thu được từ dịch vụ cho thuê tại các ky-ốt, sân bóng, bể bơi, phía lãnh đạo trường cho biết, các khoản thu đều được hạch toán và nộp thuế đầy đủ.
“Từ năm 2008, từ khi tôi nhận Hiệu trưởng ở đây, việc thu chi hàng năm tại các khu ky-ốt, dịch vụ bể bơi, sân bóng đều được hạch toán và được đưa vào trong báo cáo quyết toán của nhà trường hàng năm.
Hàng năm đều có Vụ Tài chính Bộ Nông nghiệp, và bên đại diện chuyên quản của Bộ Tài chính về phê duyệt quyết toán.
Ít nhất 2 năm 1 lần có đơn vị Kiểm toán về kiểm toán toàn bộ hoạt động của nhà trường, và về vấn đề chấp hành chế độ chính sách của nhà nước đối với nhà trường.
Đại học Thủy Lợi bất hợp tác với phóng viên vì "đăng báo rồi thì khỏi làm việc"(GDVN) - Việc xẻ đất công đã vi phạm luật đất đai nhưng khi báo chí, dư luận quan tâm, cán bộ Trường ĐH Thủy Lợi cho rằng vụ việc đã đăng báo rồi thì khỏi làm việc. |
Các ky-ốt cho thuê được nhà trường giao cho công đoàn theo dõi. Công đoàn tổ chức có đấu thầu, chọn chủ thuê, tuy nhiên mục tiêu là không phải thu lấy tiền mà ở đây chỉ chú trọng đến việc phục vụ cho sinh viên được tốt hơn.
Số tiền thu về, có quy chế, quy định rõ ràng, 15% chi cho thư viện, còn lại thì nộp thuế, có 2 loại thuế, thuế giá trị gia tăng và thuê thu nhập doanh nghiệp, số còn lại là nhập vào quỹ chi, các vấn đề chi thường xuyên của nhà trường.
Đây là hình thức kinh doanh có điều kiện, chúng tôi cũng đã có những quy định cụ thể đối với chủ các ky ốt như: cấm bán bia rượu, thời gian phục vụ theo quy định được đề ra, đảm bảo vệ sinh an toàn thự phẩm,…
Tất các các chủ hộ đều phải có hồ sơ, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có bản cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm đầy đủ.
Ngoài ra nhà trường còn tổ chức cho các chủ hộ tập huấn trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ sinh viên tốt hơn”, ông Nguyễn Quang Kim cho biết thêm.
Cũng tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí, ông Kim và Ban giám hiệu nhà trường tỏ ra không hài lòng trước việc dư luận cho rằng nhà trường sử dụng đất công sai mục đích.
“Dư luận, báo chí nói việc sử dụng đất trái mục đích cũng không phải, vì đáng lẽ ra nhà trường phải có khu dịch vụ phục vụ tốt cho sinh viên. Tôi nghĩ sinh viên đông như thế thì phải có chỗ ăn, uống cho thuận tiện, gần gũi để sinh viên không phải đi xa đỡ vất vả.
Việc hình thành các ky ốt đấy có đúng pháp luật hay không tôi cũng không giám nói chắc 100% nhưng tôi nghĩ đây là việc xã hội hóa nhằm phục vụ sinh viên tốt hơn.
Từ trước tới nay cũng chưa có cơ quan chức năng nào hỏi về vấn đề trên, qua báo, đài, dư luận nếu có sai thì chúng tôi sẽ có ý kiến báo báo lên Bộ và sẽ sửa sai…”, ông Kim bày tỏ quan điểm.
Được biết, Trường ĐH Thủy Lợi được thành lập năm 1959, nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học, đào tạo công nghệ phục vụ sản xuất. Hiện, nhà trường đang có khoảng hơn 15 nghìn sinh viên đang học tập tại trường.
Tổng diện tích của trường là 7,93ha, được Thành phố giao 7,57ha, còn lại 3.673m2 được Bộ Tài chính đồng ý để tổ chức bán đấu giá lấy tiền xây dựng cơ sở đào tạo mới.
Trong trường có nhiều phân khu chức năng như: Khu giảng đường; khu hành chính; khu các phòng thí nghiệm thư viện; khu ký túc xá sinh viên; khu sân vận động, bể bơi, dùng cho hoạt động thể dục thể thao đối với sinh viên, cán bộ trong nhà trường và khu vực cảnh quan, sân vườn,…
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.