Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chỉ còn hơn 4 tháng nữa là sẽ rời nhiệm sở. Với tuổi 72 có thể ông Ban sẽ kết thúc sự nghiệp của mình cùng lúc với việc chấm dứt vai trò điều hành Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, thực tế sự việc có thể sẽ không diễn ra như vậy. Sự nghiệp chính trị của Ban Ki-moon có thể kéo dài thêm trong một vai trò mới
Bloomberg ngày 22/5/2015 đã từng đưa ra dự đoán là ông Ban Ki-moon có thể sẽ tranh cử Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2017.
Và dư luận quốc tế gần đây lại rộ lên đồn đoán rằng, vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chưa nghỉ hưu mà sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Xanh để trở thành nguyên thủ quốc gia tại xứ kim chi.
Điều gì khiến cho dư luận nhận định ông Ban Ki-moon sẽ không “giải nghệ” để dưỡng già?
Thất bại trong vai trò Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Korea Times ngày 12/5/2016 dẫn lời Tạp chí The Economist bình luận, ông Ban Ki-moon là một trong những Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kém cỏi nhất trong lịch sử của tổ chức này.
Cá nhân người viết đồng tình với nhận định đó của Tạp chí kinh tế của nước Anh. Ông Ban Ki-moon đã không thành công trong vai trò người đứng đầu Ban thư ký của Liên Hợp Quốc trong cả hai nhiệm kỳ.
Nếu không tính Tổng thư ký tạm quyển Gladwyn Jebb, thì ông Ban Ki-moon và ông Javier Péres de Cuéllar được xem là hai vị Tổng thư ký mờ nhạt nhất trong lịch sử hơn 70 năm của Liên Hợp Quốc.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, ảnh: AP/Osama Faisal. |
Thậm chí ông Ban bị xem là đứng sau ông De Cuéllar, bởi thời – thế của ông Ban được xem là sáng hơn ông De Cuéllar. Chỉ riêng việc điều hành Liên Hợp Quốc trong thời Chiến tranh Lạnh cũng đủ mệt với vị Tổng thư ký người Peru này.
Những ai từng hy vọng vị Tổng thư ký thứ hai là người Châu Á sẽ có thể so sánh với bậc tiền bối U Than hầu như đều thất vọng.
Vị Tổng thư ký người Myanmar năm xưa đã có nhiều quyết định và hành động đi ngược với mong muốn của nước Mỹ - quốc gia đóng góp tới 25% kinh phí hoạt động của Liên Hợp Quốc và luôn gây bất lợi cho các Tổng thư ký không biết nghe lời Washington.
Ông U Than điều hành Liên Hợp Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là thời kỳ Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Vậy nhưng ông U Than vẫn hoàn thành xuất sắc hai nhiệm kỳ, thậm chí có nhiều quốc gia mong muốn ông tái cử nhiệm kỳ 3 nhưng U Than không thực hiện điều đó. [4]
Trong khi đó, hai nhiệm kỳ của ông Ban Ki-moon gần như trùng khít với hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barak Obama – vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Có thể thấy rằng, chính quyền Obama dễ chịu hơn bất cứ chính quyền nào của nước Mỹ đối với Liên Hợp Quốc và vai trò của Tổng thư ký tổ chức này. Song ông Ban không phát huy được lợi thế ấy.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cuộc xung đột vũ trang hay chiến tranh, nội chiến đều do NATO hay các đại cường Nga – Trung tự giải quyết, Liên Hợp Quốc gần như không có vai trò gì.
Khi chủ nghĩa khủng bố thành hình và tác oai tác quái, liên minh quốc tế chống khủng bố cũng không thể được hình thành dưới lá cờ Liên Hợp Quốc, mà do các cường quốc tự thu xếp với nhau.
Trong khi đó, sứ mệnh gìn giữ hoà bình – một sứ mệnh được xem là cao cả và gần như chỉ dành cho duy nhất Liên Hợp Quốc thì định chế này cũng không thể được xem là hoàn thành trách nhiệm.
Nguyên nhân chính được cho là Tổng thư ký Ban Ki-moon thiếu linh hoạt, không chuyên nghiệp, thậm chí là sai lầm trong nhận diện vấn đề và đề xuất giải pháp.
“Ông Ban Ki-moon kêu gọi sự hiện diện của Maroc tại Tây Sahara là một sự sai lầm, điều đó đã mang đến một phản ứng dữ dội và nghiêm trọng từ chính phủ Maroc.
Theo các chuyên gia, hành động đó được xem là cái cớ tạo ra sự khiêu khích của chính phủ Maroc khiến cho Liên Hợp Quốc trục xuất nhân viên của họ đang cố gắng duy trì hòa bình ở Tây Sahara”. [2]
Sai lầm không thể sửa của Boris Elsin trong và sau cuộc đảo chính tại Liên Xô |
Không những vậy, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon còn bị chỉ trích là không giám sát được ngân sách dành cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình của tổ chức này.
Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của Liên Hợp Quốc chủ yếu liên quan đến đói nghèo, bệnh tật, bình đẳng giới và phát triển bền vững. Nhưng ngay cả các lĩnh vực này ông Ban Ki-moon cũng không có nhiều sáng kiền và các sáng kiến thì thường không khả thi.
Đặc biệt, trong thời đại của biến đối khí hậu nhưng vai trò Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lại rất mờ nhạt.
Tại Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu (COP21) Tổng thư ký Ban Ki-moon gần như không đưa ra sáng kiến nào trong hội nghị quan trọng này. Thậm chí dấu ấn của ông Ban Ki-moon về bảo vệ môi trường còn đứng sau Giáo hoàng Francis.
“Mặc dù Liên Hợp Quốc đã đi một chặng đường dài kể từ khi được thành lập năm 1945, đã có nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế được giải quyết bởi Tổng thư ký, song triều đại của ông Ban Ki-moon gần như không có ảnh hưởng đến bất kỳ vấn đề quốc tế nào.
Điều đó cho thấy ông Ban được bầu vì các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tin rằng ông không gây ra vấn đề gì đối với họ.” [2]
Tham vọng sẽ là một “Kim Dae-jung” thứ hai
Có thể thấy rằng, sau cố Tổng thống Park Chung-hee, người đã góp công lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước Hàn Quốc, thì cố Tổng thống Kim Dae-jung là vị Tổng thống nổi tiếng nhất tại xứ sở kim chi.
“Chính sách Ánh dương” của ông Kim Dae-jung đã giúp cho nhiều gia đình ly tán do chiến tranh được gặp lại nhau trong nước mắt.
Chính việc kết nối tình cảm cho các gia đình ly tán bởi chiến tranh đã giúp Tổng thống Kim Dae-jung có được giải Nobel Hoà bình cao quý.
Người viết cho rằng, nếu không trở thành Tổng thư Liên Hợp Quốc thì ông Ban Ki-moon sẽ ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc và việc có thể trở thành một “Kim Dae-jung” thứ hai không quá xa với ông, nếu ông thắng cử.
Bởi lẽ, vị cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc này đã rất thành công trong việc người kiến tạo và thúc đẩy hội nghị 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Và đó được xem là dấu ấn với Ngũ cường trong việc để mắt tới Ban Ki-moon.
Khi được lựa chọn là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thì giải Nobel Hoà bình của Kofi Annan cùng Ban thư ký cũng là khát vọng của ông Ban.
Song ông Ban Ki-moon đã không có được điều ấy khi không thành công trong vai trò người đứng đầu Ban thư ký điều hành hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Như vậy, nếu dừng lại ở đây thì chứng tỏ ngã rẽ sang nắm chức vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được xem là “bước ngoặt cuộc đời” của ông Ban Ki-moon. Nó đánh dấu sự tuột dốc trong sự nghiệp của ông.
Ngược lại, nếu ông tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình thì kinh nghiệm trong hai kỳ làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ là những ưu điểm, làm nên thế mạnh cho ông.
Nó có thể giúp ông bước vào Nhà Xanh để thực hiện ước vọng năm xưa – là một “Kim Dae-jung” thứ hai trong lịch sử. Thậm chí ông có thể trở thành một “Ban Kim Park”, gúp mang nhiều lợi ích cho người dân xứ Hàn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ảnh: tuoitre.vn. |
Đến nay, cho dù ông Ban Ki-moon chưa cho biết ý định về tương lai của mình, song giới phân tích cho rằng ông Ban đã có những bước chuẩn cho cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo.
“Lên kế hoạch thăm Gaeseong - khu công nghiệp liên Triều tại Bắc Hàn được xem là tham vọng làm Tổng thống Hàn Quốc của cựu Bộ trưởng ngoại giao này”. [1]
Bloomberg cho rằng, tiếp tục “Chính sách Ánh dương” là mũi nhọn trong chiến lược đối ngoại của chính quyền cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Ông Ban Ki-moon – Bộ trưởng Ngoại giao trong nội các khi đó đã ủng hộ cố Tổng thống Roh trong quan điểm ấy.
“Hơn 80% người dân được hỏi nói rằng họ hỗ trợ hội đàm thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở xứ Bắc Hàn. Do vậy, bất kỳ nỗ lực nào giúp gỡ rối cho những căng thẳng sẽ là một lợi thế về mặt chính trị", ông Jiyoon Kim, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết.[1]
Trong khi đó, ông Jie-won, lãnh đạo một đảng đối lập nhỏ - đảng Nhân dân, thì cho biết, điều kiện thích hợp cho việc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đua tranh chức Tổng thống của Hàn Quốc đã hội đủ.
"Ông Ban có tham vọng chính trị và nếu tranh thủ được sự ủng hộ của phe pro-Park Geun-hye trong đảng cầm quyền Saenuri, thi ông Ban có thể tranh cử Tổng thống". [3]
Hiện nay, cuộc tranh luận về việc cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki-moon sẽ tham gia tranh cử chức Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử năm 2017, đang nóng lên tại xứ Nam Hàn.
Kế hoạch chuyến thăm của ông tới tỉnh Bắc Gyeongsang đã gây ra sự quan tâm đặc biệt, bởi khu vực này là pháo đài quyền lực của đảng Saenuri bảo thủ cầm quyền.
Với thất bại của đảng Saenuri trong cuộc bầu cử hồi tháng 7/2016, cho thấy: "Saenuri hiện tại có rất nhiều vấn đề, trong khi đó phe đối lập đang cho thấy sự ổn định hơn rất nhiều.
Do vậy, nếu ông Ban tuyên bố ra tranh cử thì ông sẽ được cả đảng cầm quyền và phe đối lập ủng hộ. Đó là lựa chọn tốt, thúc đẩy cho sự nghiệp chính trị của ông”, Jie-won nhận định. [3]
Theo hãng thông tấn Yonhap, kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 2/2016 bởi Yonhap và KBS cho thấy, ông Ban Ki-moon đứng đầu danh sách của các Tổng thống tiềm năng của Hàn Quốc.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sắp mãn nhiệm giành được 28,3% người ủng hộ, ông Moon Jae-in, cựu lãnh đạo phe đối lập, thủ lĩnh đảng Minjoo được 17,9% người ủng hộ.
Như vậy là ông Ban Ki-moon đang có cả thiên thời – địa lợi – nhân hoà trong việc ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc. Cơ hội giúp ông cứu vãn sự nghiệp sau hai nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không thành công, ngày một sáng hơn.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2016/05/120_205317.html
[3]http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2016/08/120_205383.html
[4]http://www.un.org/%E2%80%A6/peaceke%E2%80%A6/missions/past/unef1backgr2.html