Kết quả kiểm nghiệm khác nhau
Ngay sau khi Bộ Tài nguyên môi trường tổ chức Hội nghị "Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế", trong đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định: Nguồn nước biển đã an toàn. Người dân và du khách có thể yên tâm tắm biển ở các bãi biển miền Trung”, ông Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã báo cáo kết quả kiểm nghiệm hải sản vùng biển miền Trung cho Bộ Y tế.
Ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng đã khiến hàng loạt hải sản chết bất thường, gây ảnh hưởng lớn tới ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung. ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo kết quả kiểm nghiệm này, 5 mẫu nhiễm xyanua gồm cá mỏ neo, cá đuối, ghẹ 3 mắt, cá nhồng, cá man 0,5 mg/kg; 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol là cá đuối, cá man và cả ghẹ 3 mắt.
Tất cả mẫu hải sản được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh lấy vào ngày 5/8 tại Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), biển Kỳ Anh.
Đây là vùng biển bị ô nhiễm nặng nhất trong thảm họa môi trường miền Trung hồi tháng 4 do hoạt động xả thải của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Trong khi đó ngày 24/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm nghiệm 18 mẫu hải sản lấy từ 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) trong thời gian từ đầu tháng 8 đến ngày 19/8 chỉ phát hiện một mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng.
TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ảnh: H.Lực. |
Thông tin về mẫu hải sản nhiễm nhiễm phenol, xyanua khiến khi dư luận vẫn đang băn khoăn, lo ngại về tính an toàn của thủy hải sản...
Trước lo lắng trên, trả lời báo giới TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, dù nước biển ở miền Trung đã được công bố đạt quy chuẩn nhưng chưa chắc thuỷ hải sản đã an toàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, về nguyên tắc đã là vùng biển có sự cố (bị ô nhiễm sau sự cố xả thải của Formosa khiến cá chết hàng loạt – PV) thì khi sự cố chưa được khắc phục triệt để, không nên sử dụng các thủy hải sản tại đó mà không cần xét nghiệm. Kể cả khi môi trường đã được khôi phục, nước biển đạt quy chuẩn nhưng chưa chắc thuỷ hải sản đã an toàn.
Phần lớn môi trường biển miền Trung an toàn |
Trên thực tiễn, tại vùng biển mà các chỉ số, ví dụ như chỉ số phenol trong nước biển nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng chỉ số này trong hải sản chưa chắc đã hết ngay. Vì thế, ngành y tế vẫn tiếp tục theo dõi chất lượng thủy hải sớn, lấy mẫu đủ lớn, rộng hơn để có thể đánh giá một cách tổng thể, khoa học.
“Trên cơ sở ưu tiên số 1 là bảo vệ sức khỏe của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm làm rõ vấn đề và trả lời cho người dân khi nào cá ở miền trung có thể ăn được. Do vậy phải có đánh giá toàn diện hơn chứ không thể vội vàng. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục làm, đã thành lập cả hội đồng khoa học và dự kiến đầu tháng 9 công bố giai đoạn 1”, TS. Phong cho biết.
Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu giám sát
Về kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung giữa Cục An toàn thực phẩm và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh quốc gia có sự khác nhau, TS. Nguyễn Thanh Phong khẳng định Bộ Y tế không có sự bất nhất trong kết quả kiểm nghiệm các mẫu hải sản gần đây.
“Để có thể khẳng định hải sản an toàn chúng ta phải căn cứ vào các chỉ tiêu hiện nay đang có. Chúng tôi đã 4 lần họp với các tổ chức quốc tế đề nghị cung cấp quy định về phenol, xyanua nhưng cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông – Lương Liên hiệp quốc (FAO) đều khẳng định trên thế giới không quy định về các chỉ tiêu này.
Đầu tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. Chính phủ kết luận cá bị nhiễm độc do ô nhiễm môi trường bởi hoạt động xả thải của nhà máy Formosa. Thủ phạm là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Cơ quan chức năng khi ấy khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết để làm thức ăn cho người và gia súc. |
Có thể có những mẫu thời kỳ này phenol, xyanua giảm đi rất nhiều, thậm chí không phát hiện nhưng tự nhiên sau này nó lại xuất hiện. Do đó, quan trắc về phenol, xyanua là tham khảo cùng với Bộ Tài nguyên và môi trường để đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường biển, chứ không căn cứ vào chỉ số này để đánh giá về an toàn thực phẩm.
Tất cả mọi kết luận đều phải dựa vào chứng cứ khoa học, quy định của pháp luật”, TS. Nguyễn Thanh Phong phân tích.
Dù vậy, Cục trưởng Cục ATTP cũng cho rằng, khi các mẫu thủy hải sản cho kết quả kiểm nghiệm nhiễm phenol, xyanua thì các cơ quan chức năng vẫn cần quan tâm về chất lượng môi trường biển ở khu vực đó. Ông Phong cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nên có khuyến cáo cụ thể với người dân rằng vùng biển nào đã được xác định an toàn và vùng nào chưa.
Được biết trong thời gian này Bộ Y tế vẫn tiếp tục lấy các mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền Trung để giám sát. Dựa trên kết quả này, Hội đồng khoa học của Bộ sẽ đưa ra kết luận xem liệu cá đánh bắt ở các tỉnh này đã an toàn để ăn hay chưa. Dự kiến kết quả kiểm tra sẽ được công bố vào cuối tháng 8/2016.
Theo một số nghiên cứu của Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu cho thấy lượng phenol ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm ở 0,18 mcg/kg thể trọng trên một ngày là an toàn.
Phenol là chất độc nhưng không phải cứ có mặt trong thực phẩm là gây độc mà chỉ khi ở liều lượng nhất định. Nó có thể được tìm thấy trong xúc xích, thịt gà rán, chè đen lên men… Nó cũng có tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt ở một số trái cây như cà chua, táo, lạc, chuối hàm lượng cao, thậm chí sữa.
Phenol có thể tan trong nước, bài tiết một phần qua da và nước tiểu nên ăn lượng nhỏ không quá đáng ngại. Nếu cẩn trọng, khi mua cá về bà nội trợ nên để rã đông tự nhiên, sau đó ngâm và rửa dưới nước sạch, nước ấm nhiều lần, nếu có nhiễm phenol sẽ tan ra. Nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc.
Xyanua hay cyanide là tên gọi các hóa chất cực độc. Phần lớn lượng xyanua có trong nước đều xuất phát từ quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sản xuất sắt và thép.