Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh – ông Lê Hồng Sơn đã nhấn mạnh như trên tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm 2016.
Buổi họp đặt dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức vào sáng ngày 29/8.
Nghiêm túc thực hiện không dạy thêm học thêm
Theo ông Lê Hồng Sơn, thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh, ngành giáo dục thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu này bắt đầu từ đầu năm học 2016 – 2017.
Như vậy, TP.Hồ Chí Minh sẽ nghiêm cấm toàn bộ hoạt động dạy thêm trong nhà trường kể từ năm học này, trong đó gồm cả trường hợp giáo viên dạy thêm tại nhà cũng không được phép trong bất cứ trường hợp nào.
Toàn bộ hoạt động dạy học thêm này đều phải thực hiện ở trung tâm, mà giáo viên là người đi dạy, được trả lương.
Người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố cũng đã giải thích thêm, định nghĩa học thêm là các hoạt động dạy và học nằm ngoài tiết dạy chính, mà khi phân bố chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ.
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, theo thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lại không cấm hoạt động dạy thêm trong nhà trường.
Khi có chủ trương riêng của TP.Hồ Chí Minh, thì lãnh đạo thành phố cũng đã có văn bản, đề nghị Bộ điều chỉnh, nhưng lãnh đạo Bộ lại trả lời là không đồng ý điều chỉnh trên bình diện chung cả nước.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Lê Hồng Sơn nói về vấn đề dạy thêm học thêm (ảnh: P.L) |
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đồng ý cho thành phố với đặc thù là đô thị, thì được phép áp dụng riêng, do lãnh đạo thành phố tự quyết định.
Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Sơn cũng thừa nhận rằng, trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo ra các đề thi tốt nghiệp ngày càng có tính phân hóa rất cao, chương trình sách giáo khoa còn nặng về kiến thức hàn lâm, mà chưa thể thay đổi được ngay, vì phụ huynh và học sinh luôn cho rằng giải pháp học thêm ở trường vẫn là tốt nhất.
Lý do: Khó có cơ sở giáo dục nào đủ điều kiện về phòng ốc, ánh sáng phù hợp hơn nhà trường. Nếu học sinh đi học ở trung tâm còn phải chịu mức học phí chắc chắn là cao hơn trong trường.
Sắp tới, Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP.Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành Uỷ sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến đi khảo sát về vấn đề này ở các trường, gặp gỡ các thầy cô, học sinh để tìm hiểu, lắng nghe vấn đề này, làm việc với các cơ quan quản lý chuyên môn, nhằm tìm ra hướng thực hiện tốt nhất.
Đến nhà học sinh dạy kèm nhiều em cũng là sai
Trao đổi riêng với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh khẳng định rằng, trong trường hợp đã không được cho phép, thì việc giáo viên đến nhà học sinh dạy kèm với số đông cũng là sai.
Thế nhưng, nếu giáo viên dạy kèm 1, 2 học sinh ở nhà học sinh, mà được phụ huynh mời về dạy thì có thể được, nhưng nếu dạy với số lượng đông như 5 hay 10 học sinh là không được.
Giáo viên cũng không được dạy thêm ở nhà khi đã có chủ trương cấm dạy ở trường (ảnh minh họa: Tuổi Tre) |
Thẩm quyền kiểm tra, xử phạt việc giáo viên vi phạm dạy thêm ở nhà trước hết là ở địa phương, tổ dân phố và phường xã. Từ đây thì mới báo cáo lên phòng giáo dục các quận huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo của thành phố, chứ Sở thì không thể nào bao quát hết nổi.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, nếu địa phương nào bảo chưa có hướng dẫn việc xử phạt là sai, vì thông tư 17 đã quy định rất rõ việc này. Vấn đề chính yếu nhất theo ông Hoàng là do các địa phương có muốn làm hay là không.
Khi phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập đến việc có hiện tượng có một số giáo viên cùng hùn tiền nhau, thuê 1 căn nhà để mở các lớp dạy thêm tại đây, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nhấn mạnh, đã là trung tâm thì phải xin phép, còn không có phép là sai.
Các giáo viên, kể cả các Hiệu trưởng, những người đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cũng không được đứng tên trên giấy phép thành lập các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ này, mà phải do người bên ngoài đứng tên.