Quảng Bình không khuyến khích nhân rộng mô hình VNEN

30/08/2016 06:36
Thủy Phan
(GDVN) - Những trường đã thực hiện mà có sự đồng thuận cao của phụ huynh thì tiếp tục duy trì, còn theo tinh thần của Sở thì không khuyến khích nhân rộng, không ép buộc

Đó là ý kiến của ông Đinh Qúy Nhân - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện mô hình VNEN tại địa phương.

Đánh giá về việc thực hiện mô hình VNEN tại địa phương trong thời gian qua, ông Đinh Qúy Nhân cho biết, còn tồn tại nhiều bất cập như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, giáo viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về mô hình.

Muốn thực hiện được thì trước tiên phải tập huấn, tuyên truyền để nó thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, để họ sẵn sàng thực hiện mô hình này.

Nhiều trường thực hiện mô hình VNEN trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất (Ảnh: Thủy Phan)
Nhiều trường thực hiện mô hình VNEN trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất (Ảnh: Thủy Phan)

Hơn nữa, mô hình này liên quan đến phụ huynh nhiều, mà thực hiện cả ở những vùng khó khăn thì phụ huynh làm sao có thời gian để học cùng con.

“Tôi thấy mô hình này cũng có tính ưu Việt, nhưng việc triển khai còn nóng vội, máy móc, điều kiện để thực hiện lại chưa đảm bảo nên chưa tạo được lòng tin trong nhân dân”, ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, sau khi xảy ra tình trạng nhiều phụ huynh gửi đơn phản đối việc áp dụng mô hình VNEN ở bậc THCS, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị nắm bắt tình hình về việc thực hiện mô hình VNEN ở các trường.

Tại hội nghị, Sở đã giao cho các trường về tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến, sau đó nhà trường và địa phương đó thống nhất với nhau rồi tổng hợp gửi cho Sở để Sở báo cáo UBND tỉnh.

Theo đó, mới đây Sở GD&ĐT Quảng Bình đã có công văn số 1770/SGDĐT gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2016-2017.

Trong công văn, Sở GD&ĐT Quảng Bình cho rằng, việc triển khai mô hình VNEN chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của nhiều địa phương nên đã gặp không ít khó khăn, bất cập.

Một số nhà trường và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mô hình; cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả đối với những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sỉ số học sinh/lớp đông… dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả thấp, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi trong phụ huynh học sinh, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong chính quyền cấp huyện, cấp xã và toàn xã hội.

Do đó, phụ huynh học sinh của một số trường THCS đã đề nghị không thực hiện mô hình trường học mới.

Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và nhân dân cũng chưa ủng hộ việc thực hiện mô hình trường học mới này.

Sau khi triển khai hội nghị đánh giá tình hình, Sở GD&ĐT đã thống nhất việc triển khai mô hình VNEN trong thời gian tới như sau:

Tiếp tục thực hiện mô hình VNEN ở bậc Tiểu học đối với các trường đang thực hiện xuyên suốt hết cấp tiểu học vì quyền lợi học sinh, nhưng phải đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất cao của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, toàn xã hội và các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, sỉ số học sinh/lớp, chưa triển khai nhân rộng toàn phần các trường còn lại.

Còn ở bậc THCS thì khuyến khích các trường đang triển khai mô VNEN tiếp tục triển khai trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng thuận, thống nhất cao của nhà trường, phụ huynh, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Tập trung chỉ đạo các trường tham gia mô hình trường học mới duy trì, phát huy kết quả đạt được, đồng thời rà soát những khâu còn hạn chế để có giải pháp khắc phục, thực hiện mô hình hiệu quả hơn.

Đối với những trường chưa có sự đồng thuận cao trong phụ huynh học sinh, nhân dân và chính quyền địa phương, nguồn lực chưa đảm bảo thì không áp dụng mô hình VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình VNEN để áp dụng vào đổi mới phương pháp giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm.

“Sở đã gửi công văn lên UBND tỉnh và đang chờ quyết định. Nếu UBND tỉnh cho phép thì chúng tôi sẽ triển khai thực hiện luôn.

Trước mắt, những trường đã thực hiện mà được sự đồng thuận cao của phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương thì tiếp tục duy trì, còn lại thì Sở không khuyến khích nhân rộng, không ép buộc thực hiện mô hình này”, ông Đinh Qúy Nhân - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình nói.

Tỉnh Quảng Bình bắt đầu triển khai thực hiện mô hình VNEN ở cấp tiểu học từ năm học 2012 – 2013 và đối với lớp 6 cấp THCS từ năm học 2015 – 2016.

Năm học 2016-2017, theo đăng ký tự nguyện của các trường và đề nghị của các Phòng GD&ĐT, thì sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại 113 trường tiểu học, trong đó có 14 trường tham gia dự án và 98 trường nhân rộng toàn phần, 95 trường tiểu học còn lại áp dụng nhân rộng ở mức độ 1 (áp dụng hình thức tổ chức dạy học của mô hình VNEN trong đổi mới phương pháp dạy học).

Ở cấp THCS, có 25 trường đăng ký tiếp tục triển khai mô hình VNEN, trong đó có 17 trường tổ chức ở lớp 6 và lớp 7; 16 trường tổ chức ở lớp 6. Tuy nhiên, vừa rồi nhiều trường vấp phải sự phản đối kịch liệt của phụ huynh.

Thủy Phan