Nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

02/09/2016 09:30
Nguồn: TTXVN/VIETNAM+
(GDVN) - Kết luận Thanh tra số 2222/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ tại Tổng Công ty Đường sắt VN cho thấy, đơn vị này đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, thời điểm tháng 1/2013 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng hai thửa đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Mặc dù về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước và chưa có thủ tục thuê lại, thửa đất 22 Phan Bội Châu thời hạn thuê còn 2,5 năm nhưng cũng đã có ý kiến của Ban chỉ đạo 09 về sắp xếp, xử lý theo Quyết định số 09 số 09/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục sử dụng khai thác cơ sở kinh doanh theo quy hoạch đồng thời Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất để quản lý, sử dụng theo quy định nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục này trước khi tiến hành góp vốn.

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh minh họa.
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh minh họa.

Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Đối tác được lựa chọn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hà Thành và đã được sự thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty Hà Thành.

Đồng thời, thuê thẩm định giá, đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định giá trị vốn góp 47 tỷ đồng là thiếu cơ sở, trong khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỷ đồng.

Sau khi đi vào hoạt động, sáu tháng cuối năm 2013 doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và chín tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên hai diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu, có giá trị trên thị trường là rất lớn. Thực chất là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác.

“Do đó phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất. Tuy nhiên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. Đối tác được lựa chọn chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn”, Thanh tra Chính phủ xác định.

Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá. Đến nay Dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012-2015 (chấm dứt việc đầu tư ngoài ngành).

Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ kết luận Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đầu thầu.

Một số sai phạm tại nhiều dự án, kế hoạch đầu tư khác cũng đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ cho thấy sự trì trệ trong hoạt động của ngành đường sắt Việt Nam trong những năm qua.

Một trường hợp khác cho thấy cách điều hành có nhiều vấn đề bất cập như dự án đóng mới 300 đầu máy toa xe. Theo đó, Công ty Đầu máy trách nhiệm hữu hạn Tư Dương (của Trung Quốc) được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp (với giá trị 14,5 triệu USD) nhưng không có kế hoạch đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã biết được kết luận và đang chỉ đạo các đơn vị của Bộ xem xét và có hướng giải quyết.

Còn theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty đã nhận được kết luận thanh tra, đơn vị sẽ triển khai theo các kiến nghị mà Thanh tra chỉ ra./.

Nguồn: TTXVN/VIETNAM+