Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT đã có báo cáo gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình vấn đề cần nhấn mạnh của Kết luận kiểm toán về Báo cáo tài chính bán niên được soát xét.
Trong báo cáo này, Hoàng Anh Gia Lai nhấn mạnh đến 2 vấn đề: Nghiệp vụ tái cơ cấu nợ và nghiệp vụ cho vay đối với các bên liên quan.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn nhận được sự ủng hộ từ các chủ nợ là các ngân hàng - ảnh nguồn HAGL |
Về diễn biến và kết quả của nghiệp vụ tái cơ cấu nợ, Hoàng Anh Gia Lai đang trực tiếp thương lượng với các chủ nợ nhằm tìm giải pháp cho tình hình tài chính của tập đoàn. Nội dung các buổi thảo luận chính bao gồm việc tái cơ cấu/hoán đổi gia tăng thời gian trả nợ gốc đối với sư nợ tín dụng và trái phiếu lên tối thiểu 3 - 15 năm.
Cơ cấu, giãn thời gian trả nợ lãi thêm 3 năm, giảm lãi suất cho vay, ứng xử đối với khoản vay mới và việc duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho tập đoàn. Vào ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ được soát xét, tập đoàn đang trong quá trình chờ nhận được văn bản phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tái cơ cấu nợ.
Về nghiệp vụ cho vay đối với các bên liên quan, các nghiệp vụ này thực hiện trên cơ sở phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai và đảm bảo hài hòa lợi ích với các nghiệp vụ mà ông Đoàn Nguyên Đức dùng tài sản cá nhân để bảo lãnh cho các nghiệp vụ vay vốn của Hoàng Anh Gia Lai.
Đối với các thiếu sót về mặt thủ tục, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua trong kỳ đại hội sắp tới, dự kiến tổ chức vào 15/9.
Trước đó Báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy khoản nợ khổng lồ của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, tổng tài sản Hoàng Anh Gia Lai trong nửa đầu năm nay đã tăng đáng kể gần 1.950 tỷ đồng, lên hơn 51.000 tỷ đồng, tuy nhiên con số tăng đến từ việc gia tăng tài sản dài hạn.
Theo đó đến cuối tháng 6, Hoàng Anh Gia Lai có 39.244 tỷ đồng tài sản dài hạn, tăng hơn 3.200 tỷ đồng so đầu năm, còn tài sản ngắn hạn lại giảm gần 1.300 tỷ đồng còn 11.931 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai vẫn tăng dần theo thời gian. Đến cuối quý II đã là 33.023 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, riêng nợ ngắn hạn lại tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với đầu năm, lên 15.582 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa là nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai đã vượt quá tài sản ngắn hạn và khoảng cách ngày càng nới rộng. Trong đó, riêng các khoản vay ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 10.212 tỷ đồng (tăng hơn 1.900 tỷ đồng).
Ngoài ra báo cáo tài chính cũng cho thấy, kết quả lỗ ròng 1.244 tỷ đồng trong quý II đã khiến kết quả lỗ ròng hợp nhất 6 tháng lên tới 1.153 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 913 tỷ đồng).
Chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh. Riêng quý II, chi phí tài chính gần gấp đôi lên 510,3 tỷ đồng đưa tổng chi phí tài chính 6 tháng lên mức 814,5 tỷ đồng, tăng 64,2% so cùng kỳ 2015. Trong đó, 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của HAGL là 782,5 tỷ đồng, tăng hơn 70% so cùng kỳ.
Đến cuối tháng 6, Hoàng Anh Gia Lai có 1.034,5 tỷ đồng nợ vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả và trên 2.900 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng.
BIDV là một trong những chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai với khoản cho vay ngắn hạn lên tới 1.918,6 tỷ đồng và khoản vay dài hạn 2.837,7 tỷ đồng. Ngân hàng Eximbank cũng đang cho Hoàng Anh Gia Lai vay dài hạn 3.128,3 tỷ đồng.