Ngày 6/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group) và dự án B5 Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Cơ quan CSĐT giữ nguyên quan điểm đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố bị can Châu Thị Thu Nga (SN 1965), nguyên Chủ tịch HĐQT Housing Group, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII, thuộc đoàn ĐBQH TP Hà Nội) và 6 đồng phạm.
Cơ quan CSĐT xác định, mặc dù chưa được giao làm chủ đầu tư, cấp phép dự án B5 Cầu Diễn nhưng bà Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo nhân viên thực hiện chủ trương huy động vốn của khách hàng theo hình thức ký hợp đồng vay vốn với tổng số tiền hơn 377 tỷ đồng.
Sau đó, bà Nga đã trả lại hơn 28 tỷ đồng cho một số nhà đầu tư rút vốn. Trong số 349 tỷ đồng còn lại, bà Nga khai đã dùng 85 tỷ đồng trả cho các đơn vị ký hợp đồng một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn.
Đáng chú ý, bà Nga khai dùng 157 tỷ đồng để “bôi trơn” dự án (nhưng không có tài liệu gì chứng minh và các cá nhân liên quan khi đối chất đều phủ nhận).
Thậm chí, bà Nga còn khai chi số tiền khoảng 30 tỷ đồng để chạy vào Đại biểu Quốc hội. Bà Nga khai, số tiền này chuyển qua một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử ĐBQH khóa XIII, tuy nhiên doanh nghiệp này cũng phủ nhận.
Cần phải làm rõ và công khai càng sớm càng tốt việc bà Châu Thị Thu Nga khai dùng 30 tỷ đồng chạy Đại biểu Quốc hội. ảnh: VTC. |
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 8/9, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được thông tin chính thức về việc này.
Ông Phúc nói: “Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Phải làm rõ có đưa tiền không, đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời.
Chạy một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế. Nhiều người nói để đeo mác Đại biểu Quốc hội, nhưng mác đó để làm gì khi pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý”.
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, qua nhiều sự việc xảy ra tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội đang rà soát lại toàn bộ quy trình giới thiệu, hiệp thương, đặc biệt là phải xem xét kỹ tư cách Đại biểu Quốc hội từng người, tránh làm ảnh hưởng tới uy tín của Quốc hội.
“Nhiều khi không đủ điều kiện kiểm chứng, nhưng Quốc hội rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được thì ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý, không sợ mất uy tín mà không xử lý”, ông Phúc cho hay.
Về thông tin nhiều người cho rằng vào Quốc hội nhằm mục đích này khác, ông Phúc nói rằng đó là sự lầm tưởng, tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng thực tế không thể thay đổi hay tác động được gì cả.
Ông Phúc cũng từng chia sẻ: “Trước khi ra ứng cử để trở thành đại biểu của dân thì chúng ta phải trung thực với chính bản thân chúng ta. Còn vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia là không phải. Cái đó là rất sai lầm.
Vào Quốc hội là phải vì nhân dân làm việc tốt hơn. Còn đã có sai phạm thì phải xử lý sai phạm, và ai không xứng đáng thì rồi nhân dân cũng sẽ có ý kiến”.