Tân Hoa Xã ngày 13/9 đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang có bài phát biểu bế mạc phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 vào ngày 13/9 tại Bắc Kinh.
Đây là kỳ họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nhằm xem xét vụ bê bối mua phiếu bầu trong đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Liêu Ninh.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội của 45 Đại biểu tỉnh Liêu Ninh.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Ông Giang đánh giá, vụ bê bối mua phiếu bầu Đại biểu Quốc hội ở tỉnh Liêu Ninh là vi phạm nghiêm trọng chưa từng có kể từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay. [1]
Theo Wikipedia tiếng Trung Quốc, Quốc hội Trung Quốc khóa 12 có nhiệm kỳ từ tháng 3/2013 kéo dài đến tháng 3/2018, tổng số 2933 Đại biểu, do 35 đơn vị bầu cử bầu ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc là đơn vị quyết định phân bổ hạn ngạch số lượng Đại biểu Quốc hội đại diện cho các địa phương và đơn vị bầu cử.
Đại biểu Quốc hội của địa phương, đơn vị bầu cử nào sẽ do địa phương, đơn vị đó bầu chọn. [2]
Bắt đầu từ năm nay, Trung Quốc lại bước vào một kỳ bầu cử cơ quan lập pháp, hành pháp các cấp ở cơ sở, tiến dần từ địa phương đến trung ương, để năm 2018 bầu ra Quốc hội khóa mới.
Theo South China Moring Post ngày 13/9, cơ quan lập pháp tỉnh Liêu Ninh đã không thể hoạt động sau khi hơn một nửa thành viên Ủy ban Thường vụ của cơ quan này đã bị loại trong một cuộc điều tra về gian lận bầu cử.
Gian lận bầu cử ở Liêu Ninh là một phần của vụ án điều tra tham nhũng lớn hơn nhằm vào Vương Mân, cựu Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh và cũng là một cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng một loạt vây cánh tham nhũng ở Liêu Ninh.
Ông Mân cũng được cho là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ bê bối mua "ghế" Đại biểu Quốc hội đại diện cho tỉnh Liêu Ninh tham gia Quốc hội khóa 12.
Ngoài 45 Đại biểu Quốc hội đại diện cho tỉnh Liêu Ninh bị loại, cuộc họp bất thường ngày hôm qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng đã loại 38 trong số 62 thành viên Ủy ban Thường vụ cơ quan lập pháp tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc gọi là Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân tỉnh).
3 năm trước cũng xảy ra một vụ bê bối tương tự, 518 trong số 527 thành viên Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Hành Dương, Hồ Nam đã nhận hơn 110 triệu nhân dân tệ để giúp 56 người có ghế trong cơ quan lập pháp này. [3]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://news.xinhuanet.com/politics/2016-09/13/c_1119561115.htm