LTS: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo thi Quốc gia và xét tuyển năm 2017 với nhiều thay đổi quan trọng về hình thức và nội dung thi liền nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc không đồng tình với việc ấy và cho rằng Bộ đang có những thay đổi đúng đắn, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Có thể nói, giáo dục là lĩnh vực liên quan đến nhiều đối tượng, gia đình, tương lai phát triển của giới trẻ nên luôn nhận được sự quan tâm, chú ý lớn của xã hội.
Mỗi khi, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, ban hành một chủ trương, cải tiến nào đó thì ngay lập tức có vô số ý kiến bàn luận, trái chiều trên các diễn đàn báo chí.
Càng có nhiều ý kiến trao đổi, bàn luận sâu sắc, bám sát thực tế, có tinh thần xây dựng tốt càng giúp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thận trọng và sáng suốt hơn khi đưa ra điều chỉnh, quyết định phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam.
Vừa khai giảng đã biết phương án thi nên thí sinh không cần lo lắng (Ảnh: Thùy Linh) |
Tôi nhận thấy, bên cạnh nhiều bài viết, ý kiến như trên thì lại xuất hiện không ít ý kiến đánh giá, nhận xét vấn đề một cách chủ quan, phiến diện… ít nhiều gây khó khăn cho việc định hướng chung, hoang mang trong dư luận xã hội.
Ví dụ, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện đại trà 2 năm ở bậc Tiểu học, nhìn tổng thể giảm áp lực học tập, ganh đua thành tích, điểm số trong học sinh; sự phối hợp của phụ huynh và nhà trường trong giáo dục con trẻ tốt hơn; trách nhiệm, công việc của thầy cô giáo cao hơn.
Tuy nhiên, Thông tư 30 trong quá trình vận dụng, còn nảy sinh những bất cập, chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phòng ốc thiếu, sĩ số học sinh đông; giấy tờ sổ sách, ghi chép nhiều; một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức hạn chế và triển khai thiếu linh hoạt, sáng tạo.
Nắm bắt được những bất cập trên, năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh, thay đổi cần thiết để Thông tư này gần, dễ thực hiện hơn như lượng hóa thành các mức: A, B, C trong đánh giá bài làm của học sinh; giảm tải sổ sách, ghi chép cho giáo viên…
Theo tôi, điều chỉnh như thế là ổn rồi, thế mà một số giáo viên lại tiếp tục thở than, nào là “rượu cũ, bình mới”, nào là Bộ xa rời thực tiễn, duy ý chí…
Qua tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy, trong đội ngũ giáo viên bậc Tiểu học nói riêng, giáo viên bậc phổ thông nói chung, có một bộ phận năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, nặng tư tưởng an nhàn, lười nhác, rất “ sợ” đổi mới…
Đây là nguyên nhân chính để trả lời cho câu hỏi, vì sao giáo dục của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, mong mỏi của phụ huynh; vì sao “làn sóng” đổi mới của ngành giáo dục trong thời gian qua vẫn diễn tiến chậm chạp, ỳ ạch, hiệu quả chưa rõ nét.
Một ví dụ khác, đó là Dự thảo phương án thi Trung học Phổ thông Quốc gia và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017 của Bộ ban hành mới đây, đang nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhất là các chuyên gia giáo dục.
Môn Toán, môn Lịch sử chuyển sang thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan; hai bài thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là những vấn đề tranh luận “nóng” nhất.
Hội Toán học Việt Nam gay gắt phản đối việc trắc nghiệm bộ môn Toán và có tâm thư gửi đến Thủ tướng Chính phủ với đề nghị ngừng trắc nghiệm môn học này.
Có chuyên gia quy kết, trắc nghiệm là thêm bước đi thụt lùi của giáo dục Việt Nam.
Thầy Tạ Quang Sum và những vấn đề lớn của dự thảo cải tiến thi cử 2017 |
Có thầy giáo dạy Sử một trường chuyên ở Nghệ An cho rằng hình thức trắc nghiệm 20 câu tổ hợp trong bài thi các môn Khoa học xã hội là một “thảm họa”, “xé nát” môn Lịch sử.
Có người còn nhận định, trắc nghiệm quá nhiều sẽ làm học sinh chán học, lười học, học ăn may và mất dần tư duy sáng tạo, lập luận logic.
Mỗi người đều có quyền nêu ý kiến của mình về những điểm mới trong phương án thi năm 2017, nhưng, ở góc nhìn của “người trong cuộc”, luôn có tư tưởng cấp tiến, đổi mới, tôi không đồng tình với những bài viết mang tính “chủ quan, phiến diện” như vậy.
Về môn Toán với hình thức trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới.
Cách đây gần chục năm, trong đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn Toán, kể cả môn Ngữ văn từng có 1 phần câu hỏi trắc nghiệm.
Hình thức trắc nghiệm cũng khá phổ biến trong đề thi tốt nghiệp tú tài trước năm 1975 ở miền Nam.
Nhìn rộng ra thế giới, trắc nghiệm môn Toán hiện diện ở các bài thi SAT và ACT của giáo dục nước Mỹ mấy chục năm rồi. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức trắc nghiệm.
Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường Đại học của Hoa Kỳ.
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và nhiều trường Đại học của Nhật Bản cũng áp dụng rộng rãi hình thức thi trắc nghiệm đối với các môn thi, trong đó có môn Toán.
Về môn Lịch sử, tôi cho rằng nếu chúng ta không áp dụng hình thức tổ hợp thành 2 bài tự nhiên và xã hội và thi trắc nghiệm thì mới là “thảm họa” thật sự vì thực tế chẳng có mấy em “mặn mà” với việc học và thi khối C, thi môn Lịch sử (do số liệu, kiến thức vừa khô khan vừa quá nhiều khi làm bài tự luận).
Từng có nhiều ý kiến đề xuất, hãy cứu lấy chất lượng dạy học môn Lịch sử bằng thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm.
Tôi thiết nghĩ, các giáo viên dạy môn Lịch sử nói riêng, các môn xã hội khác như Địa lý, Giáo dục công dân nên cảm ơn và rất ủng hộ phương án đổi mới trên của Bộ.
Thi trắc nghiệm các môn, trừ môn Ngữ văn đã nhận được những kết quả tốt từ thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ, Hóa, Lý, Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hàng chục năm nay.
Toàn văn dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2017 |
Từ kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học quốc gia Hà Nội 2 năm qua… cùng với xu thế chung của thế giới, nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản… là những cơ sở đáng tin cậy để chúng ta thực hiện thành công, thắng lợi phương án thi mới năm 2017.
Hiệu quả và lợi ích to lớn của nó biểu hiện rõ trên nhiều phương diện: giảm thời gian thi, bớt áp lực, căng thẳng cho thí sinh, tiết kiệm được nhiều chi phí, tốn kém so với trước đây, đảm bảo độ chính xác, công bằng về kết quả…
Tại sao, chúng ta lại chần chừ, do dự, không thể hiện rõ quyết tâm làm?
Tôi mong muốn một số chuyên gia, giáo viên bớt tính cố chấp, sớm thông suốt tư tưởng để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác thi cử và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.