Ngày 15/9, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL– HAG) chính thức họp đại hội cổ đông thường niên 2016 tại trụ sở ở Pleiku.
Trong nội dung đại hội, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đặt ra kế hoạch doanh thu 6.154 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.191 tỷ đồng, bằng với kết quả 6 tháng đầu năm.
Như vậy, trong nửa cuối 2016, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ không lỗ thêm đồng nào. Riêng đàn bò sữa 7.500 con, doanh nghiệp này đánh giá không mang lại lợi nhuận và sẽ chuyển nhượng.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tính bán bớt các dự án để trang trải nợ nần tại các ngân hàng - ảnh Phương Diệp |
Về ngành trồng trọt, mảng cao su dự kiến khai thác 4.400 ha, doanh thu 127 tỷ đồng nhưng chịu lỗ 59 tỷ đồng. Mảng bắp tiêu thụ sản lượng gần 27.000 tấn và mang về lợi nhuận 69 tỷ đồng.
Mảng mía đường, công ty đã tiêu thụ được hơn 31.000 tấn đường, đem lại 116 tỷ đồng lợi nhuận. Trong 6 tháng cuối năm sẽ không phát sinh doanh thu vì đang dự kiến bán.
Trong đại hội cổ đông Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ tập trung chăm sóc 28.626 ha cọ dầu đã trồng, hoàn thiện xây dựng để đưa nhà máy chế biến cọ dầu vào hoạt động.
Mảng thủy điện đang được tập đoàn đàm phán với đối tác để thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 tại Lào.
Lý giải nguyên nhân sẽ tiếp tục bán thủy điện dù mảng này rất triển vọng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, nếu sử dụng tiền túi để làm sẽ hiệu quả nhưng đi vay sẽ rất khó khăn, nhất là Hoàng Anh Gia Lai đang đối mặt với bài toán nợ nần.
Theo Bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai sẽ xin phép Chính phủ về việc sẽ bán thủy điện. Tương tự, mảng cao su Hoàng Anh Gia Lai cũng phải xin cả Chính phủ Việt Nam và Lào được bán dự án.
Đối với dự án bất động sản tại Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai phấn đầu tỷ lệ cho thuê cao ốc văn phòng là 80%, trung tâm thương mại tăng lên gần 100% và công suất phòng khách sạn 5 sao đạt 70%, dự kiến góp phần mang lại doanh thu khoảng 951 tỷ đồng.
Phát biểu về dự án tại Myanmar, Tổng giám đốc Võ Trường Sơn cho biết, Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar, từ đó kỳ vọng dự án sẽ bán được giá cao hơn, mang lại dòng tiền tốt hơn.
Ngoài các ngành đã và đang hoạt động có hiệu quả như bệnh viện, khách sạn, công ty dự kiến triển khai trồng các loại cây ăn trái tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm tận dụng hết quỹ đất còn dôi dư.
Vấn đề tái cơ cấu nợ, Hoàng Anh Gia Lai xin ý kiến cổ đông về việc cho sáp nhập các công ty con thuộc CTCP Đầu tư Bất động sản An Phú nhằm giảm các khoản nợ phải thu của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú tại Hoàng Anh Gia Lai.
Ngoài ra Hoàng Anh Gia Lai cũng tiếp tục làm việc với các chủ nợ để đạt được các mục đích cơ cấu nợ, bao gồm đưa lãi suất về mức hợp lý, giãn thời hạn trả nợ gốc và lãi vay và cho vay bổ sung vốn chăm sóc vườn cây.