“Chúng tôi mời đến, thì họ tự bỏ tiền ra mà ăn, rồi tự ngủ có gì đâu mà nói”

16/09/2016 08:18
XUÂN QUANG
(GDVN) - Trong khi đó, ông Lê Đăng Doanh thì cho rằng chúng ta đang có cách chi tiêu công rất khác với thế giới.

Sở Xây dựng Hải Dương đang bước vào "vết xe đổ"

Khoản nợ 3,5 tỷ đồng do các cán bộ ở một xã ở Hà Nội rủ nhau “ăn nợ, hát chịu” ở các hàng quán đang bị khoanh trong sổ thu chi ngân sách hồi tháng 7 vừa qua gây sự tò mò, chú ý của dư luận.

Cách đây mấy ngày, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hải Dương cũng làm tờ trình xin hàng trăm triệu vì tiếp khách quá đà...

Chả thèm rút kinh nghiệm, cũng tại tỉnh này, dự kiến vào ngày 17-18/9 Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương dự kiến sẽ tổ chức chương trình giao lưu hoành tráng giữa các đơn vị trong ngành. 

Điều đáng nói là chi phí cho cuộc giao lưu này (tiệc tùng, giao lưu văn nghệ, xe cộ, khách sạn, quà tặng cho khách…) là không hề nhỏ.

Một nguồn tin nội bộ thông tin cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, kinh phí tổ chức có sử dụng tiền ngân sách nhà nước. 

Liệu Sở Xây dựng Hải Dương có bước vào "vết xe đổ" của Ủy ban Kiểm tra tỉnh này cách đây vài ngày?

Chưa biết việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sẽ đem lại hiệu quả như thế nào, nhưng nhìn vào kế hoạch chương trình dự kiến tổ chức, người ta thấy việc giao lưu, tiệc tùng, thăm quan nhiều hơn cả thời gian "trao đổi kinh nghiệm".

Ông Nguyễn Văn Thọ (người mặc áo vest) trong một lần trao giải thể thao tại Hải Dương. Ảnh từ Trang web chính thức tỉnh Hải Dương haiduong.gov.vn
Ông Nguyễn Văn Thọ (người mặc áo vest) trong một lần trao giải thể thao tại Hải Dương. Ảnh từ Trang web chính thức tỉnh Hải Dương haiduong.gov.vn

Trước sự việc có liên quan, hôm 14/9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng, đây thực chất là cuộc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi chuyên môn lẫn nhau giữa các đơn vị thuộc ngành xây dựng, không mang tính quản lý nhà nước.

Về kinh phí đón tiếp đoàn (khách sạn, tiệc tùng, văn nghệ, tham quan...), ông Thọ nói: “Đây không phải là hội thảo, hội nghị chính thức mà nói cho đúng ra là ngày nghỉ chúng tôi mời nhau đến chơi để trao đổi về kinh nghiệm học tập nhau về quản lý xây dựng.

Kinh phí là do cán bộ trong Sở tự đóng góp. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Chúng tôi mời đến, thì họ tự bỏ tiền ra mà ăn, rồi tự ngủ có gì đâu mà nói.

Tôi lấy ví dụ, ngủ tại khách sạn thì tôi có thể nhờ vả được, còn khuyến mại bao nhiêu thì chúng tôi tự lo. Việc ăn uống thì quen biết, nên có thể giảm được cả trăm nghìn/suất ăn, nên không vấn đề gì”, ông Thọ giải thích.

Về kinh phí tặng quà trị giá 500 nghìn đông/đoàn, cho

“Chúng tôi mời đến, thì họ tự bỏ tiền ra mà ăn, rồi tự ngủ có gì đâu mà nói” ảnh 2

UBKT Hải Dương phải ghi nợ vì tiếp khách, Sở Xây dựng vẫn muốn làm giao lưu

các đoàn tới giao lưu, ông Thọ nói: “Quà thì đó là của Trung tâm quy hoạch. Người ta hoạt động kinh doanh, nên có tí quà quê chứ có gì đâu. Có đáng bao nhiêu đâu mà phải nói.

Tại sao Trung tâm quy hoạch lại có quà tặng cho khách mời? Vì anh em nó đang muốn nâng cấp Trung tâm lên thành Viện quy hoạch, cho nên muốn học tập các tỉnh bạn. Việc anh em nó bỏ tiền tặng quà thì có chuyện gì đâu", ông Thọ nói.

Nói về bài học của Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hải Dương trong việc làm tờ trình xin kinh phí trang trải tiền tiếp khách, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này cho rằng, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau.

"Tôi không giống như ông Uyển đâu. Ông ấy tiếp khách xong rồi xin kinh phí làm ảnh hưởng tới bộ mặt của tỉnh Hải Dương. Sự thật đôi khi nó khó coi lắm”, ông Thọ cho biết.

Xin nhắc lại, trái với lời ông Thọ, một nguồn tin trong Sở Xây dựng Hải Dương cho chúng tôi biết, đơn vị sẽ/có dự tính sử dụng ngân sách để trang trải giao lưu, hội thảo.

“Danh sách khách mời lên tới vài chục người. Các khoản chi được lập dự toán và trình Giám đốc Sở duyệt. Kinh phí tổ chức có sử dụng tiền ngân sách”, một cán bộ thuộc Sở Xây dựng Hải dương nói.

Chúng ta có cách tiêu tiền rất khác thế giới

Một số ý kiến cho rằng, qua các sự việc điển hình xảy trên thực tế cho thấy, chiếc “bánh ngọt ngân sách” đang bị chi tiêu tùy tiện dưới các hình thức, tiếp khách, giao lưu, thực tế, học tập kinh nghiệm…

Việc ngân sách phải giải ngân khẩn cấp để bù thâm hụt không phải là trường hợp hiếm thấy tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nhận định về sự việc trên, hôm 15/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng:

“Việc chi tiêu cho bộ máy của chúng ta hiện nay là rất cao. Theo như báo cáo, có những thời điểm chúng ta thường xuyên tới gần 70% chi ngân sách. Nguyên nhân một mặt do bộ máy chúng ta cồng kềnh và việc chi tiêu thiếu kiểm soát...

Ngoài ra các khoản chi cho việc đi nước ngoài theo dạng học tập kinh nghiệm, kinh phí cho xe công, hội hè, tiếp khách khó kiểm soát, khiến ngân sách phải gánh thêm nhiều khoản bất hợp lý.

Đây là cách sử dụng ngân sách hết sức tùy tiện lãng phí", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: Hoàng Lực).
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: Hoàng Lực).

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc chi tiêu lãng phí ở Việt Nam không nước nào trên thế giới có thể chấp nhận được.

"Chi tiêu của chúng ta không minh bạch, và người ta không có trách nhiệm giải trình khi chi tiền. Trong khi đó, hiệu quả của việc chi đó khó mà kiểm chứng được trên thực tế".

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn chứng: 

"Ở các nước không có chuyện dùng ngân sách tùy tiện như Việt Nam. Có lần, chúng tôi được Chủ tịch Quốc hội nước này tiếp và mời uống cà phê, sau đó vị này tự bỏ tiền để thanh toán.

Ông này nói rõ, luật của Thụy Điển không cho phép dùng tiền ngân sách để tiếp khách, giao lưu kiểu này.

Tôi còn nhớ, có lần Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của một nước nọ chi tiền ngoài quy định, sau đó bị báo chí phát hiện, ngay lập tức vị này xin từ chức.

Một số nước khác, thì các khoản chi tiêu của Chính phủ thường được công khai trên mạng (Đan Mạch, Hàn Quốc…) để người dân được biết và tiện quản lý.

Hay nói về chuyện xe công, ở nước ngoài cũng khác chúng ta rất nhiều. Thủ tướng Thụy Điển và các Bộ trưởng không hề có xe công đưa đón. Phương tiện di chuyển của họ là xe buýt hoặc tàu điện.

Nếu chi không theo quy định, người ta sẽ bị phạt, hoặc người đó sẽ phải bỏ tiền túi ra đền.

Còn ở Việt Nam, chế độ xe công rất vô lý.

Tôi đã chứng kiến một vị Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã của một tỉnh không phải lớn, nhưng cũng xin được một chiếc xe biển xanh, và có người đưa đón tận nơi, trong khi nhà của ông ấy cách trụ sở làm việc khoảng 1km".

Đó là một số ví dụ điển hình trong việc sử dụng ngân sách lãng phí.

Cho nên tôi cho rằng, dù ngân sách của chúng ta có dồi dào thế nào đi chăng nữa thì việc lãng phí đó cũng rất khó chấp nhận, huống gì trong tình hình, đất nước chúng ta đang khó khăn như thế này", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết.

Điều đáng nói là trước đó, Bộ Tài chính đã có hẳn một thông Thông tư quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách, tuy nhiên, việc “vung tay quá trán” vẫn diễn ra tại nhiều đơn vị, địa phương.

Về việc này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng phải xiết chặt hơn quản lý ngân sách để đảm bảo chi tiêu đúng quy định của pháp luật:

“Cần quy định và giám sát chặt chẽ việc chi tiêu công, nhất là những chi tiêu liên quan đến hội họp, ăn uống, giao lưu. 

Anh nào muốn chi tiếp khách, giao lưu thì tự bỏ tiền ra mà chi. Còn nếu các khoản chi trong quy định thì phải được công bố rõ ràng để người ta biết anh chi có đúng không.

Tức là cần công khai, minh bạch các khoản chi tiêu của các cơ quan công quyền và xử lý nghiêm minh những cá nhân và tổ chức sử dụng không hiệu quả các các khoản thuộc ngân sách nhà nước", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề nghị.

XUÂN QUANG