Việt Nam - Hàn Quốc vượt qua mặc cảm quá khứ, chung tay xây dựng tương lai

20/09/2016 07:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Đoàn Nghĩa cho biết, ông sẽ không bao giờ quên được những bi kịch. Nhưng trừ khi khép lại cánh cửa quá khứ, cánh cửa tương lai mới có thể mở ra.

Nikkei Asian Review ngày 19/9 có bài bình luận, Việt Nam đang nhìn xa hơn những ký ức về các vụ giết người hàng loạt do lính Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh, để cùng nhau hướng tới xây dựng tương lai và quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ.

Phóng viên Nikkei Asian Review, Atsushi Tomiyama cho hay, đài tưởng niệm các nạn nhân bị thảm sát trong chiến tranh đã được xây dựng khắp miền Trung Việt Nam, nơi xảy ra hơn 40 vụ giết người gây ra bởi lính Hàn Quốc.

Nhiều thập kỷ sau đó, những hành động tàn bạo ấy vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người Việt Nam. Nhưng ngày nay, cảm xúc đang lẫn lộn.

Năm ngoái, Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu vào quốc gia Đông Nam Á này trong năm thứ 2 liên tiếp. Có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc hiện nay.

Ngày 12/2/1968, đã có 74 người dân Việt Nam bị lính Nam Hàn sát hại, theo thông tin trên một tượng đài ở làng Phong Nhị tỉnh Quảng Nam. Một tấm bia được dựng lên để tưởng nhớ tất cả các nạn nhân, với đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh của họ.

Anh Nguyễn Hữu Trung tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát năm xưa, trong đó có cả những người thân của anh. Ảnh: Atsushi Tomiyama / Nikkei Asian Review.
Anh Nguyễn Hữu Trung tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát năm xưa, trong đó có cả những người thân của anh. Ảnh: Atsushi Tomiyama / Nikkei Asian Review.

Nguyễn Hữu Trung, một công nhân 31 tuổi cho biết, chị gái của bà cụ anh đã bị sát hại năm 40 tuổi cùng hai đứa trẻ.

Anh rất đau xót vì sự mất mát của 3 người thân, nhưng anh không đặt điều này vào hành động, anh nói một cách bình tĩnh sau khi thắp hương tại đài tưởng niệm.

Bi kịch chiến tranh

Từ năm 1960 đến 1975, Việt Nam đã phải hứng chịu cuộc chiến tranh tàn khốc.

Hàn Quốc đã phái hơn 100 ngàn bình lính đến miền Trung Việt Nam, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Một số vụ giết người hàng loạt của quân đội Hàn Quốc diễn ra trong khoảng thời gian Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Ít nhất 43 vụ thảm sát đã được Chính phủ Việt Nam xác nhận, với hơn 1000 nạn nhân. Mỹ cũng đã thực hiện những vụ giết người hàng loạt, trong đó có thảm sát Mỹ Lai, với hơn 500 người dân Việt Nam thiệt mạng.

Tuy nhiên chỉ có 8 vụ thảm sát do Mỹ thực hiện được biết là đã xảy ra, không tính số nạn nhân vụ Mỹ Lai, con số nạn nhân còn lại là 137 người.

Vì vậy sự tàn bạo của lính Hàn Quốc trong chiến tranh luôn hằn sâu trong ký ức người Việt Nam.

Không giống như Hàn Quốc, Mỹ cải thiện quan hệ với Việt Nam khá nhanh chóng sau chiến tranh, một phần là mối quan hệ của Hoa Kỳ với miền Nam Việt Nam trước đây.

Trong số 120 ngàn sinh viên Việt Nam rời đất nước đi du học năm 2015, Mỹ là điểm đến phổ biến nhất với khoảng 30 ngàn sinh viên.

Khi Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam, ông đã rất ngạc nhiên bởi sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam, dấu hiệu cho thấy không còn thù oán với người Mỹ.

Ở làng Hòa Bình nơi có 430 người bị sát hại trong đó có 182 trẻ em và 7 phụ nữ mang thai, một đài tưởng niệm được xây dựng tái hiện vụ thảm sát diễn ra tàn bạo như thế nào.

Việt Nam - Hàn Quốc vượt qua mặc cảm quá khứ, chung tay xây dựng tương lai ảnh 2

Có nên khoét sâu ngăn cách?

(GDVN) - Ý kiến của Thượng tướng Võ Tiến Trung đặt ra vấn đề ông Obama nên xin lỗi Việt Nam, thì cũng nên đặt ra với cả ông Tập Cận Bình.

Con cháu của các nạn nhân còn sống sót trong khu vực vẫn bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng.

Nhưng cũng giống như Phong Nhị, con người nơi đây không còn hận thù những kẻ cướp đi sinh mạng người thân của mình trong chiến tranh.

Khi xảy ra vụ thảm sát tháng 10/1966, Đoàn Nghĩa mới 6 tháng tuổi và đang được mẹ bế trên tay. Viên đạn xuyên qua cơ thể người mẹ găm vào cậu bé nên đã được giảm tốc tối đa và nhờ đó Nghĩa giữ được tính mạng.

Tuy nhiên Đoàn Nghĩa đã không nhìn thấy gì nữa sau nhiều giờ vùng vẫy trong bùn lầy và xăng. Mẹ, bà nội và em gái ông đã bị sát hại.

Hòa giải hận thù

Đoàn Nghĩa cho biết, ông sẽ không bao giờ quên được những bi kịch. Nhưng trừ khi khép lại cánh cửa quá khứ, cánh cửa tương lai mới có thể mở ra, ông nói, đôi mắt mù lòa tỏa sáng.

Một tổ chức Hàn Quốc đã thăm ngôi làng này vài lần và hỗ trợ ông. Đoàn Nghĩa bắt đầu hiểu rằng, người dân Hàn Quốc luôn nhức nhối vì quá khứ cha ông họ gây ra.

Di tích bắt đầu xuất hiện khắp miền Trung Việt Nam từ khoảng năm 2000. Kinh phí xây dựng các đài tưởng niệm hầu hết đến từ người dân và chính quyền trong vùng, trong khi cả hai đều còn thiếu thốn, khó khăn.

Các nhóm nhạc Hàn Quốc đang tích cực hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Họ xây dựng trường học ở những ngôi làng này. 

Trần Phước, một người dân 61 tuổi làng Duy Trinh cho biết, sinh viên Hàn Quốc đến làng ông để cầu nguyện cho các nạn nhân. Vì hành động này, ông muốn những ký ức chiến tranh đừng tiếp tục ám ảnh thế hệ trẻ.

Ông vẫn nhớ như in thời điểm người dì của mình bị giết chết như thế nào, nhưng ông không còn yêu cầu khiếu nại.

Năm ngoái Hàn Quốc đã đầu tư 6,98 tỉ USD vào Việt Nam, cung cấp nhiều vốn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong năm thứ 2 liên tiếp.

Tập đoàn Sam Sung đã hoạt động chính thức tại Việt Nam từ năm 2008 và hiện đang sản xuất các dòng điện thoại thông minh.

Công ty này chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một tập đoàn khác từ Hàn Quốc, LG cũng đang sản xuất ti vi và tủ lạnh tại Việt Nam.

Thương mại song phương đạt 36,5 tỉ USD trong năm 2015, tăng 73 lần so với năm 1992. Cuối năm ngoái, một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước có hiệu lực. Trên 40 ngàn người Việt Nam đang học tập, lao động tại Hàn Quốc.

Người viết cho rằng, bài báo của Nikkei Asian Review phản ánh chân thực quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc cũng như cách hai nước vượt qua nỗi đau, mặc cảm quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp cho cả hai dân tộc.

Chiến tranh là điều không ai mong muốn, ngoại trừ những tay lái súng quốc tế và những kẻ cực đoan, khủng bố, diệt chủng.

Nhưng làm thế nào để tránh lặp lại chiến tranh, xung đột trong thế giới đầy rẫy mâu thuẫn hiện nay vẫn luôn là vấn đề thời sự nóng hổi.

Ứng xử của chính phủ và những người Hàn Quốc ngày nay về những gì cha ông họ đã gây ra đối với người dân Việt Nam trong chiến tranh cũng nên được xem là bài học cho nhiều quốc gia khác.

Bởi biết lỗi và dùng hành động thiết thực để sửa chữa lỗi lầm là một cử chỉ cao thượng, nhưng cũng đầy những khó khăn phức tạp và phải có bản lĩnh, trí tuệ mới có thể vượt qua.

Nguồn:

http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Vietnam-looks-past-war-to-new-future-with-South-Korea

Hồng Thủy