Chúng tôi đã cố nhưng vẫn không hiểu được thông điệp của Bộ trưởng

21/09/2016 08:51
Nhóm tác giả Việt Cường
(GDVN) - Quan điểm của Bộ trưởng về môn chính môn phụ, về việc dạy thêm học thêm, về ngôn ngữ quốc gia thứ 2, về việc làm của giáo viên thật khó hiểu!

LTS: Ngày 17/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong một cuộc họp về đào tạo ngoại ngữ đã có phát biểu rất đáng chú ý.

Tại đây, ông đã chỉ ra nhiều vấn đề thuộc về quan điểm chỉ đạo của ngành. Các chỉ đạo ấy, nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà giáo, đặc biệt là nhóm tác giả Việt Cường.

Các nhà giáo lão thành và cả các thầy cô đang đứng bục giảng của nhóm tỏ ra băn khoăn về hai vấn đề mà Bộ trưởng Nhạ nêu ra.

Đó là nội dung bài viết này mà Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Trong bài “Các thầy cô môn chính không bao giờ hết việc, rồi dạy thêm học thêm” của tác giả Thuỳ Linh đăng ngày 18/9 trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, có trích dẫn ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

 Những ý kiến trong cuộc họp giữa Bộ trưởng với các đơn vị triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” giai đoạn 2016 – 2020; có nhiều điều khiến chúng tôi, những nhà giáo đã và đang đứng lớp cảm thấy hoang mang và khó hiểu.

Năm 2025, sẽ phổ cập dạy tiếng Anh trong trường phổ thông (Ảnh: plo.vn).
Năm 2025, sẽ phổ cập dạy tiếng Anh trong trường phổ thông (Ảnh: plo.vn).

Thứ nhất, quan điểm môn chính - môn phụ trong lời phát biểu của Bộ trưởng:

Các thầy cô môn chính không bao giờ hết việc rồi dạy thêm học thêm. Nhiều cô thầy dạy môn học sinh không thi thì không có việc.

Đối với phổ thông phải toàn diện, cần hướng đến thi tốt nghiệp là 13 môn chứ không phải để thầy cô nào cũng phải có trách nhiệm”.

Chúng tôi đã cố nhưng vẫn không hiểu được thông điệp của Bộ trưởng ảnh 2

Các thầy cô môn chính không bao giờ hết việc, rồi còn dạy thêm

Chúng tôi đọc đi đọc lại, suy nghĩ đến đau đầu mà vẫn cảm thấy mù mờ không hiểu quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?.

Vậy, môn chính là những môn nào? Môn phụ là những môn nào?

Phải chăng Bộ trưởng cho rằng những môn bắt buộc thi tốt nghiệp là môn chính?

Như thế, chỉ có Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn chính, còn tất cả là môn phụ? Tại sao phải có sự phân biệt chính - phụ lạ lùng như thế?

Công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta đã bắt đầu được vài năm, phương cách giáo dục cũ trang bị kiến thức cho học sinh là chính, giờ đã chuyển hẳn sang phương cách giáo dục nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho người học, đáp ứng mục tiêu đào tạo ra những con người mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá của đất nước.

Như thế, chẳng có môn nào là chính, môn nào là phụ cả.

Tất cả các môn đều quan trọng, đều góp phần vào việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh.

Người đứng đầu ngành giáo dục quốc gia lại công khai phân biệt môn chính - môn phụ thì đúng là chuyện “xưa nay hiếm”.

Thứ hai, Bộ trưởng lại còn gắn môn chính, môn phụ với việc dạy thêm, học thêm, khẳng định: “Các thầy cô môn chính không bao giờ hết việc” còn “nhiều thầy cô dạy môn học sinh không thi thì không có việc”.

Như vậy, phải chăng trong ý nghĩ của Bộ trưởng, việc dạy thêm học thêm chỉ dành cho ba môn Văn, Toán, Ngoại ngữ?.

Chúng tôi đã cố nhưng vẫn không hiểu được thông điệp của Bộ trưởng ảnh 3

Bộ Giáo dục sắp thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất

Đặc biệt, quan điểm “không bao giờ hết việc” và “không có việc” như Bộ trưởng nói, chúng tôi cũng không biết ông cho “việc” ở đây là việc gì?

Đã là giáo viên thì phải dạy đủ giờ, đủ tiết theo quy chuẩn; sao lại “dạy môn học sinh không thi thì không có việc”?

Thế chả lẽ các trường phổ thông cả nước chỉ dạy các môn chính chăng?

Còn các môn không thi thì không tổ chức học, cho giáo viên nghỉ việc chăng?

Hay là ý Bộ trưởng  nói đến chuyện “nhiều việc”, “không có việc” chỉ liên quan đến dạy ngoài giờ, dạy thêm chăng?

Chẳng có căn cứ, cơ sở nào để nói hoặc tin như vậy được. Theo chúng tôi được biết, các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa… vẫn được tổ chức dạy thêm, học thêm ở rất nhiều trường, nhiều trung tâm luyện thi vì những môn này vẫn nằm trong các khối thi, các tổ hợp môn thi xét tuyển vào Đại học.

Việc dạy thêm đang được thành phố Hồ CHí Minh cấm triệt để. Kể ra, Bộ trưởng ủng hộ chủ trương này, nhân rộng ra cả nước thì tốt biết bao?

Thực tình, chúng tôi rất mong các nhà giáo, chuyên gia cùng giải thích giúp để nhóm nghiên cứu chúng tôi ngõ hầu nhận thức được những “ý đẹp lời hay” trong chỉ đạo giáo dục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!

Tinh thần là chúng tôi luôn ủng hộ các chủ trương, chỉ đạo tích cực khiến cho giáo dục nước nhà đi lên.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng nhóm tác giả.

Nhóm tác giả Việt Cường