Đau lòng vụ án một người kiện chị gái và em ruột ra tòa

28/09/2016 13:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Kết quả xét xử vụ án phân chia tài sản xảy ra tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường, cần phải được điều tra, làm rõ.

Kiện chị gái và em trai ruột ra tòa 

Trong đơn phản ánh gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Tiến Sỹ và chị Nguyễn Thị Kim Dung trình bày về sự việc hết sức đáng buồn khi bị chính người thân ruột thị là anh Nguyễn Tiến Dũng kiện ra tòa.

Đơn trình bày cho biết, bố mẹ là Nguyễn Văn Cư và Nguyễn Thị Vân khi còn sống tạo lập được tải sản là 402m2 đất và một ngôi nhà 3 gian trên mảnh đất này.

Năm 1997, bà Nguyễn Thị Vân qua đời và không để lại di chúc. Tới năm Ngày 1/4/2005, UBND huyện Tam Nông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Cư trên toàn bộ diện tích đất này.

Năm 2005,  ông Nguyễn Văn Cư lập di chúc chia đất cho 3 người con nói trên, trong đó chị Nguyễn Thị Kim Dung được hưởng 114,8m2; anh Nguyễn Tiến Sỹ hưởng 108,2m2; anh Nguyễn Tiến Dũng được hưởng 123m2.

Bản di chúc này có 2 người làm chứng là ông Hoàng Văn Viên và ông Nguyễn Văn Nhân (trưởng khu).

Năm 2007, xuất hiện một hợp đồng thể hiện ông Nguyễn Văn Cư cho tặng anh Nguyễn Tiến Dũng diện tích đất trên chính phần tài sản mà anh Dũng được hưởng trên di chúc là 123m2. Vào tháng 3/2008, UBND huyện Tam Nông đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Nguyễn Tiến Dũng.

Ông Nguyễn Văn Cư cũng liên tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai người con (Nguyễn Thị Kim Dung và Nguyễn Tiến Sỹ) trên hai thửa đất đã chia trong di chúc.

Chị Dung cho biết: “Năm 2012 bố tôi đứng ra làm nhà cho chúng tôi, nhưng từ tháng 4/2012 đến tháng 11/2012 vẫn không được giải quyết vì sự thờ ơ của một số cán bộ xã”.

Ông Cư mất vào cuối năm 2012, đến tháng 8/2014, UBND huyện Tam Nông cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho chị Nguyễn Thị Kim Dung và vợ chồng anh Nguyễn Tiến Sỹ.

Cũng từ lúc này, những mâu thuẫn trong gia đình bắt đầu gia tăng khi anh Nguyễn Tiến Dũng kiện chị gái và em trai ruột ra tòa đòi chia lại tài sản. Mục đích của anh Dũng là muốn hưởng trọn 123m2 diện tích đã thể hiện trong di chúc lập năm 2005, đồng thời đòi thêm 1/3 diện tích đất mà bố chia cho chị gái và em trai.

Lý do mà anh Dũng vin vào để kiện chị gái và em trai là: Hợp đồng cho tặng đất giữa anh và ông Cư năm 2007 đã có hiệu lực, được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Di chúc lập năm 2005 không còn hiệu lực vì không tuân thủ quy định của pháp luật.

Bản Di chúc ông Nguyễn Văn Cư lập năm 2005 chia đất cho 3 con gồm: Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Tiễn Dũng, Nguyễn Tiến Sỹ. Cho tới trước khi chết vào cuối năm 2012, ông Cư vẫn thể hiện ý chí chia tài sản đúng với bản di chúc này. ảnh: NQ.
Bản Di chúc ông Nguyễn Văn Cư lập năm 2005 chia đất cho 3 con gồm: Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Tiễn Dũng, Nguyễn Tiến Sỹ. Cho tới trước khi chết vào cuối năm 2012, ông Cư vẫn thể hiện ý chí chia tài sản đúng với bản di chúc này. ảnh: NQ.

Bất thường trong hai bản án

Căn cứ trên đề nghị của anh Nguyễn Tiến Dũng, ngày 30/9/2015, TAND huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) đã đưa ra xét xử. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là ông Tạ Đình Quang đã tuyên, giao cho chị Nguyễn Thị Kim Dung và anh Nguyễn Tiến Sỹ tiếp tục được quền sử dụng hai thửa đất đã có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, nhưng phải có trách nhiệm thanh toán tiền chênh lệch cho anh Dũng tổng số tiền 333,8 triệu đồng.

Sau phiên tòa, cả chị Dung và anh Sỹ đều phản ứng quyết liệt, cho rằng Thẩm phán là ông Tạ Đình Quang thiếu hiểu biết hoặc vì nguyên nhân nào khác đã làm sai bản chất vụ việc.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 13/6/2016, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa là bà Nguyễn Thị Kim Lan tuyên theo hướng: Chị Nguyễn Thị Kim Dung có trách nhiệm trả cho anh Nguyễn Tiến Dũng 150 triệu đồng và được quyền sử dụng tại thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; anh Nguyễn Tiến Sỹ có trách nhiệm trả anh Nguyễn Tiến Dũng 150 triệu đồng và được quyền sử dụng tại thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau phiên tòa này, chị Nguyễn Thị Kim Dung và anh Nguyễn Tiến Sỹ đã gửi đơn khiếu nại tới Viện Kiểm sát Cấp cao và Tòa án nhân dân cấp cao, đề nghị xem xét lại kết quả xét xử ở bản án phúc thẩm, vì sự bất công khi ý chí của ông Nguyễn Văn Cư muốn chia đất xây nhà cho các con thể hiện đúng với di chúc lập năm 2015.

Từ trái qua phải: Nhà của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng, chị Nguyễn Thị Kim Dung, anh Nguyễn Tiến Sỹ. ảnh: NH.
Từ trái qua phải: Nhà của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng, chị Nguyễn Thị Kim Dung, anh Nguyễn Tiến Sỹ. ảnh: NH.

Những diễn biến trong vụ án cho thấy những dấu hiệu bất thường, rất cần sự vào cuộc của Viện Kiểm sát Cấp cao và Tòa án nhân dân Cấp cao.

Có một nội dung hết sức quan trọng là trong giai đoạn từ tháng 1/4/2012 đến 19/11/2012 (tức là trước khi mất), ông Cư đứng ra xây nhà cho các con và liên tục đề nghị UBND xã Cổ Tiết hoàn thiện hồ sơ cấp lập Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông, để tách sổ cho hai người con là chị Nguyễn Thị Kim Dung và anh Nguyễn Tiến Sỹ.

Điều đó chứng minh rằng, về ý chí của ông Cư vẫn là chia con các con các phần đất đúng như di chúc.

Đây là một yếu tố hết sức quan trọng mà các cấp xét xử không tính đến. Các phiên xét xử chỉ dựa vào những tranh luận về các thủ tục hành chính, không đề cao ý chí của người lập di chúc là ông Nguyễn Văn Cư.

Chưa kể, biên bản làm việc lập tại Ban Công an xã Cổ tiết vào ngày 10/8/2012, ông Nguyễn Văn Cư trình bày, sau khi cho con trai là Nguyễn Văn Dũng mượn tách sổ với phần diện tích đã được chia (123m2) và lấy lại sổ để chia tách cho hai con còn lại (chị Dung và anh Sỹ) thì anh Dũng trả lời đã đốt đi rồi.

Đây là tình tiết hết sức quan trọng mà các cơ quan bảo vệ pháp luật, cầm cân nảy mực không thể bỏ qua. Tại sao lại có những việc bất thường này?

Vì những điều uẩn khúc không được làm rõ, do đó Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm (ông Tạ Đình Quang) và Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm (bà Nguyễn Thị Kim Lan)  dựa theo hướng này để tuyên án có lợi cho anh Nguyễn Tiến Dũng khiến cho chị Nguyễn Thị Kim Dung và anh Nguyễn Văn Sỹ bức xúc và tiếp tục làm đơn khiếu nại lên cấp trên là điều dễ hiểu.

Quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ có nhiều chi tiết lập luận xác đáng, rất cần được Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao, Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét. ảnh: NQ.
Quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ có nhiều chi tiết lập luận xác đáng, rất cần được Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao, Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét. ảnh: NQ.

Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý tới những lập luận sắc bén của Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Phú Thọ đã kháng nghị bản án của TAND huyện Tam Nông khẳng định: “Tòa án sơ thẩm đã thu thập chứng cứ chưa đầy đủ dẫn đến tuyên án thiếu chính xác”.

Mặc dù cả án sơ thẩm và phúc thẩm đều không công nhận di chúc của ông Nguyễn Văn Cư với lý do chỉ có 1 người làm chứng, song Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Phú Thọ lập luận ngược lại:

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định, trong bản di chúc ngoài ông Hoàng Văn Viền còn có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Văn Nhân lúc đó giữ nhiệm vụ là trưởng khu 13.

Ông Nhân là người chứng kiến từ đầu tới cuối việc lập di chúc của ông Cư, đáp ứng đủ yêu cầu về người làm chứng cho việc lập di chúc theo quy định tại Điều 657 và Điều 659 Bộ Luật Dân sự 1995.

Như vậy, bản di chúc của ông Cư có 2 người làm chứng là đảm bảo đúng quy định về di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

Cụ thể điều 659 quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc...”.

Và theo quy định tại điều luật trên, di chúc bằng văn bản có 2 người làm chứng thì không cần phải qua thủ tục công chức, chứng thực. Tuy nhiên, bản di chúc của ông Cư còn được UBND xã Cổ Tiết xác nhận. Bản di chúc này không có dấu hiệu tẩy xóa hay sửa chữa.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận định theo hướng do ông Cư có sự thay đổi về nội dung di chúc bằng việc lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho anh Dũng vào năm 2007.

Sau đó, ông không có sự chỉnh sửa lại nội dung bản di chúc, nội dung của di chúc đã bị sửa đổi, diện tích đất trong bản di chúc không còn lại như ban đầu nên bản di chúc không còn hiệu lực nữa.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ không đồng ý với nhận định này, bởi theo quy định tại Điều 670 Bộ Luật Dân sự 1995 nói về hiệu lực pháp luật của di chúc: “Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần, thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không gây ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật”.

Tại thời điểm mở thừa kế, diện tích đất được chia cho anh Dũng trong di chúc không còn vì trước đó ông Cư đã tặng cho anh Dũng. Tuy nhiên, phần diện tích đất chia cho anh Sỹ và chị Dung theo nội dung di chúc vẫn còn. Do vậy, phần di chúc chia đất cho anh Sỹ và chị Dung vẫn có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng chỉ ra rằng bả di chúc này định đoạt cả di sản của bà Vân là vi phạm vào Điều 649 Bộ Luật Dân sự 1995 “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Để tránh những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh sau vụ án này, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc của Tòa án Nhân dân Cấp cao và Viện kiểm sát Nhân dân Cấp cao.

Ngọc Quang