Hội nghị Trung ương 4 khóa XII diễn ra từ ngày 9 – 15/10 sẽ dành thời gian thảo luận về một nội dung vô cùng quan trọng, đó là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ.
Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ." Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nói thẳng: “Bây giờ nhiều người vào Đảng vì mục đích cá nhân, để leo cao.
Chúng ta biết rằng, Đảng quyết định công tác cán bộ, cho nên một số người tìm cách chui vào các tổ chức Đảng để rồi tiếp tục tìm cách luồn lách leo lên.
Khi đã có vị trí, chức quyền rồi thì mới dần dần lộ nguyên hình là bản chất của một kẻ vụ lợi, mưu cầu lợi ích riêng chứ chẳng phải vì dân, vì Đảng. Họ kéo bè, kéo cánh, lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm người thân tạo vây cánh cho mình”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Nhiều người vào Đảng là để lợi dụng, leo cao”. ảnh: Ngọc Quang. |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đánh giá, sau khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy vậy, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ Đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, thậm chí còn diễn biến phức tạp.
Tướng Thước bày tỏ: “Ở các kỳ họp Quốc hội, nhân dân đều nghe thấy báo cáo của Chính phủ, của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan thuộc Quốc hội nhận định tham nhũng chưa được ngăn chặn, diễn biến phức tạp khó lường. Nếu cứ đà này thì niềm tin trong dân tiếp tục vơi đi, rồi sẽ dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm hơn cho đất nước.
Vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm của Tổng Bí thư là tại Hội nghị Trung ương 4 lần này phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật.
Chỉ có nhìn vào sự thật thì mới mổ xẻ được nguyên nhân, tìm ra giải pháp.
Tôi đã từng nói rất nhiều lần rằng, nói cán bộ Đảng viên suy thoái là những người có chức quyền mới có điều kiện gây ra tham nhũng, lãng phí.
Chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống và chống tham nhũng, lãng phí là phải nhằm vào những người đó”.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Thuật ngữ “suy thoái tư tưởng chính trị” được Đảng ta chính thức sử dụng lần đầu tiên trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (2-1999).
Trước đó, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), Đại hội VIII (6-1996), Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (7-1998) cũng đã đề cập, nhưng ở mức độ thấp hơn, đó là: mơ hồ; phai nhạt lý tưởng; lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận thông tin mới; tha hóa đạo đức, lối sống...
Tướng Thước đánh giá: “Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói thì đơn giản như vậy, nhưng khi nó rơi vào những người giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống nhà nước thì sẽ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh thảm khốc, trong gian khó Đảng ta ra đời với một mục đích duy nhất là vì quyền lợi của nhân dân. Vì lẽ ấy nên dân tin và theo Đảng.
Bây giờ, đời sống khấm khá hơn thì Đảng phải làm tốt hơn so với thời kỳ gian khổ, tức là phải có biện pháp mạnh để xử lý những kẻ có máu tham nhũng. Phải nhanh chóng đưa ra ánh sáng những kẻ xấu xa nằm trong một bộ phận không nhỏ đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”.
Dư luận đặt ra câu hỏi: 53 tỷ đồng/năm để cắt tỉa cây ở Đại lộ Thăng Long đã rơi vào túi ai? ảnh: Kiến thức. |
Phai nhạt lý tưởng dẫn tới tệ quan liêu, xa dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, muốn xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải hoàn thiện được yếu tố chủ đạo là tư tưởng và con người xã hội chủ nghĩa.
Người dạy rằng, cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì "Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng".
Vơ vét được tiền bạc mà bị đồng nghiệp, xã hội khinh bỉ thì sung sướng nỗi gì? |
Người khẳng định vai trò của cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, là cái gốc của mọi công việc, đồng thời đặt ra yêu cầu người cán bộ mẫu mực phải có đức, có tài.
Tài và đức là hai yếu tố quan trọng, nhưng chữ đức được lựa chọn đứng trên, bởi mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng, hống hách kiểu quan cách mạng, quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm dẫn đến chia rẽ, cục bộ địa phương và kết quả tất yếu là hỏng việc.
Tư tưởng về cán bộ của Người bao gồm một hệ thống nhằm hoàn thiện và nâng cao những phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, đảng viên, thể hiện sinh động sự phát triển tất yếu của con người mới XHCN thể hiện qua 4 đặc điểm rõ nét:
- Phải trung thành với Tổ quốc với cách mạng, chế độ XHCN.
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi.
- Phải có mối liên hệ mật thiết với mọi người xung quanh.
- Dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn. Gặp thất bại không hoang mang, tự ti.
Theo tư tưởng của Người, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì phải xây dựng mối quan hệ bình đẳng qua lại giữa nhà nước và công dân; Tôn trọng và bảo đảm thực tế các quyền tự do cơ bản của con người; Các quyền con người, quyền tự do dân chủ được pháp luật bảo đảm và bảo vệ; Cán bộ nhà nước phải giữ đúng chức trách là “công bộc” của dân.
Trong thư gửi “Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 17/10/1945, Bác đã viết: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người thân, làm giảm niềm tin của dân với Đảng |
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Lời dạy của Bác đã nhắc nhở những người làm trong các cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã xứng đáng với vai trò, vị trí công bộc của một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” hay chưa?
Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Trong nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật.
Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cũng trên ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa uỷ quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân theo ý nghĩa đúng đắn của từ này.
Nhưng có những cán bộ lãnh đạo (công bộc của dân) đã lầm lẫn sự uỷ quyền đó với quyền lực cá nhân. Vì vậy, Bác Hồ từng phê phán: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.
Nhà nước do dân là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động; nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ có một Nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là Nhà nước vì dân được. Người nói: “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.
Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh, là người đầy tớ thì phải trung thành, tận tuỵ, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ… là lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền tài…
Nhắc về những lời dạy của Bác, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: “Đã có rất nhiều cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua, nhưng đáng tiếc vẫn còn đó nhiều cán bộ tham nhũng, bè cánh, phai nhạt lý tưởng và dẫn tới quan liêu, xa dân.
Cũng còn nhiều cán bộ nói thì nhiều mà làm thì ít hoặc nói mà không làm như Tổng Bí thư từng đánh giá sau Đại hội Đảng 12 vừa qua. Vì thế, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị phải đi liền với việc chống quan liêu.
Hơn nữa, suy thoái tư tưởng chính trị cùng với tệ quan liêu là nguyên nhân không dẫn đến tham nhũng, lãng phí, đục khoét tài sản của nhà nước, mà còn vô cảm trước những nỗi khổ của người dân. Đó chính là nguy cơ lớn của Đảng, của chế độ này!".