LTS: Bàn về số lượng và chất lượng các cuộc thi trong trường học hiện nay, đặc biệt các cuộc thi viết, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Phó hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông ở Quãng Ngãi) có đánh giá số lượng các cuộc thi đang quá nhiều khiến các em bị “bội thực” trong khi chất lượng vẫn còn là điều đáng bàn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Bước vào năm học mới chưa bao lâu nhưng thầy và trò trường tôi đã đón nhận hàng loạt cuộc thi của cấp trên triển khai.
Các cuộc thi bao gồm thi tìm hiểu về Luật giao thông đường bộ, Luật hôn nhân gia, y tế học sinh; sinh viên qua mạng internet; thi viết về tấm gương điển hình trong phòng chống bạo lực gia đình.
Chưa kể trong hoạt động dạy học còn có các cuộc thi mang tính chất định kỳ đến hẹn lại lên như thi học sinh giỏi cấp tỉnh, sử dụng thiết bị dạy học, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh… sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới.
Ảnh minh họa trên tienphong.vn. |
Có thể nói, học sinh, sinh viên, cán bộ công viên chức Nhà nước là những đối tượng thuận lợi nhất để các cấp thi nhau phát động, triển khai các cuộc thi.
Mục đích của ban tổ chức các cuộc thi viết ấy là nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhiều đối tượng về các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa đáng quan tâm.
Câu hỏi đặt ra trong từng cuộc thi khá đa dạng, đòi hỏi đối tượng tham gia phải đầu tư công sức, thời gian.
Cán bộ, giáo viên “thoát” sáng kiến kinh nghiệm(GDVN) - Lâu nay, đúng là các đề tài/sáng kiến kinh nghiệm của giới giáo thật giả, vàng thau, lẫn lộn, không biết đâu mà lần. |
Tất nhiên, để cuộc thi đạt kết quả tốt trên mọi phương diện, ngoài tốn kém về kinh phí, còn yêu cầu cao ở thái độ, ý thức trình bày của người tham gia.
Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu nào đó, cán bộ, học sinh và sinh viên thường tham gia đông đảo với thái độ hào hứng và tích cực.
Nhiều người còn rất công phu trong thu thập, tìm hiểu, trình bày nội dung trả lời các câu hỏi.
Ban giám khảo khi chấm bài thường tỏ thái độ vui mừng trước những sản phẩm thể hiện bài bản, công phu từ nội dung đến hình thức trình bày.
Bên cạnh sự thành công, nhiều cuộc thi viết còn chưa đạt được hiệu quả do ý thức, thái độ của đối tượng tham gia còn hạn chế.
Có bài yêu cầu viết tay thì nhiều người nhờ người khác viết hộ, yêu cầu đánh máy vi tính đóng tập thì lại viết tay phô tô.
Mang tâm lý làm cho có hình thức, nhiều người không đọng lại chút gì về tác động, ý nghĩa của nó, “mình làm tốt chắc gì được giải, cả hàng vạn, hàng triệu bài thì Ban giám khảo làm sao đọc, kiểm tra cho hết”.
Trong khi nhiều giáo viên lo soạn giáo án, giảng dạy còn chưa xuể, đành nhờ người khác viết hộ bài thi của mình.
Nói tóm lại, ý thức, thái độ tham gia các cuộc thi trong giới học sinh, sinh viên và thậm chí cả giáo viên vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Mặt khác, có quá nhiều cuộc thi gây ra tình trạng “bội thực” cũng khiến người tham gia mất hứng thú, thật sự chán ngán.
Tổ chức nhiều cuộc thi quá, người tham gia từng đặt nghi vấn: “Có lẽ do dư thừa kinh phí nên mới bày ra chuyện thi thố”.
Giáo viên "phát điên phát rồ" vì các loại cuộc thi |
Để hạn chế tình trạng này, các ban tổ chức cần điều chỉnh các cuộc thi theo hướng giảm bớt, nhất là không để chủ đề các cuộc thi trùng lặp với nhau, sinh nhàm chán.
Mỗi năm hoặc hai năm nên tổ chức một cuộc thi tìm hiểu là đủ.
Các đối tượng là giáo viên, học sinh, sinh viên lâu nay chịu nhiều áp lực, căng thẳng về công việc, học tập, thi cử… trước những yêu cầu đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì vậy cấp trên cần cần cân nhắc, giảm thiểu tối đa các cuộc thi lên những đối tượng ấy.
Có thể thu hẹp đối tượng tham dự nhằm cho việc đánh giá, trao giải thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị, hướng dẫn cũng cần được chú trọng đến từng đơn vị cơ quan, nhà trường.
Làm được như vậy, các cuộc thi viết tìm hiểu... mới có sức lan tỏa tích cực đến mọi tầng lớp tham gia.