Chuyên gia giáo dục dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần

08/10/2016 07:54
Thùy Linh
(GDVN) - Việc công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo là cơ sở để các trường điều chỉnh chương trình phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng.

LTS: Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành văn bản số 4806/BGDĐT-GDĐH yêu cầu báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp gửi tới giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, Hiệu trưởng các trường Cao đẳng sư phạm. 

Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có văn bản chính thức quy định về việc báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. 

Để độc giả hiểu rõ hơn về văn bản này, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp?

PGS.TS Nguyễn Phương Nga
: Theo các yêu cầu trong văn bản này của Bộ GD&ĐT, các trường học viện, Đại học, cao đẳng phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên trang thông tin điện tử của trường.
 
Đây là một bước “cải tiến” trong cơ chế quản lý của Bộ GD&ĐT. Vì sao lại gọi là cải tiến, tôi sẽ bàn sau. 

Trước tiên, tôi xin được bàn về những điểm hay của yêu cầu này. Cụ thể:

- Việc mô tả minh bạch phương pháp khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp trên website của từng trường là cơ sở để các cơ quan quản lý và toàn xã hội đánh giá mức xác thực của các số liệu công khai của từng trường;

- Khi con số sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành được đào tạo của mỗi trường được công khai để toàn xã hội biết, cha mẹ học sinh và bản thân các em học sinh dễ dàng nắm bắt được các thông tin hoàn toàn định lượng về các ngành đào tạo và tương lai “đầu ra” (có thể có việc làm ngay hay không). 

PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) (Ảnh: Xuân Trung)
PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) (Ảnh: Xuân Trung)

Trên cơ sở những thông tin xác thực này, cha mẹ học sinh và học sinh có thể định hướng lựa chọn vào học tại trường đại học, cao đẳng nào và theo học ngành đào tạo.

Hoặc có thể không vào đại học, cao đẳng mà nộp vào học tại các trường cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề với thời gian học ngắn hạn và có khả năng có việc làm trong một thời gian ngắn hơn so với học đại học, cao đẳng.

Mặc dù, theo các báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp cao, nhưng các con số đó không chỉ ra cụ thể số lượng sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp của từng trường Đại học, cao đẳng và thuộc những ngành đào tạo nào. 

Vì vậy công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo trên website của từng trường Đại học, cao đẳng là một hình thức giải trình công khai và minh bạch của trường;

Hơn nữa, ở góc độ quản lý, với những thông tin định lượng về ngành nghề đào tạo có tỷ lệ thất nghiệp cao, các cơ quan chức năng và các trường có cơ sở để điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp nhu cầu của xã hội;

Chuyên gia giáo dục dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần ảnh 2

Chuyện cử nhân sư phạm thất nghiệp nhắc đi nhắc lại nhưng rồi đâu lại vào đấy!

(GDVN) - PGS. Nguyễn Văn Nhã cho rằng, cần có cuộc khảo sát đánh giá nghiêm túc, chuẩn xác: Vì sao có tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp? Nguyên nhân vì đâu?

Tuy nhiên, một thực tế cần phải quan tâm, đó là các nhà tuyển dụng lao động phàn nàn về năng lực làm việc của sinh viên tốt nghiệp và cho rằng nguồn cung từ các trường quá dư thừa so với cầu của các nhà tuyển dụng, nhưng thật đáng tiếc “cung” không đáp ứng chất lượng của “cầu”. 

Tác động sâu xa và lâu dài của văn bản mới này của Bộ GD&ĐT là: khi tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp nhiều, từng trường Đại học, cao đẳng phải tự xem xét lại chất lượng đào tạo của trường và điều chỉnh chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có năng lực thực sự đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động.

Đồng thời giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những ngành đào tạo đang dư thừa nhân lực; đặc biệt các trường Đại học, cao đẳng buộc phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để đào tạo “đầu ra” bắt đúng nhu cầu của họ.

Theo đó tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp về lâu dài sẽ giảm dần.

Bây giờ tôi xin giải thích vì sao lại nói văn bản này là một sự “cải tiến” trong cơ chế giám sát và quản lý của Bộ GD&ĐT. 

Ngay từ năm 2008, tiếp đó là năm  2012, trong các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của các trường Đại học và Cao đẳng do Bộ GD&ĐT ban hành và các quyết định về các văn bản hợp nhất về các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ban hành năm 2014, đã có tiêu chí:

Trong năm đầu sau khi tốt nghiệp, trên 50% người tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành được đào tạo”. 

Tính đến 30/6/2017 cả nước có 416 học viện, trường Đại học, cao đẳng đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục này (số liệu từ Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT). 

Điều này có nghĩa là trong báo cáo tự đánh giá của các trường này đã có các thông tin về số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành được đào tạo. 

Nhưng, rất tiếc là các số liệu này lại không được công khai để xã hội và các cơ quan chức năng biết mà chỉ được lưu trữ trong các báo cáo! 

Theo bà, làm thế nào để khảo sát có hiệu quả về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp? 

PGS.TS Nguyễn Phương Nga: Như đã bàn ở phần trên, việc khảo sát tình hình việc làm bao gồm cả thu nhập trong năm đầu khi có việc làm của sinh viên tốt nghiệp đã được triển khai từ năm 2008 và đến 30/6/2016 đã có 416 trường có báo cáo tự đánh giá trong đó có tiêu chí về việc làm của sinh viên tốt nghiệp. 

Do vậy với những trường được lãnh đạo trường quan tâm đầu tư cho công tác tự đánh giá này, các trường này đều thành lập Hội Cựu sinh viên. Đây chính là cầu nối ngắn nhất và nhanh nhất gắn kết nhà trường với các sinh viên tốt nghiệp. 

Chuyên gia giáo dục dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần ảnh 3

Nhà trường phải báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp

(GDVN) - Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các học viện, các trường Đại học, trường Cao đẳng báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều trường đại học, cao đẳng chưa thành lập Hội Cựu sinh viên; hoặc có Hội Cựu sinh viên, nhưng chưa có các hoạt động phong phú và hiệu quả để thu hút sự gắn kết của sinh viên tốt nghiệp với nhà trường. 

Khi Hội Cựu sinh viên hoạt động hiệu quả, Nhà trường sẽ cập nhật được những thay đổi về địa chỉ liên hệ với sinh viên tốt nghiệp như điện thoại, email, nơi cư trú để có thể triển khai khảo sát các thông tin từ sinh viên tốt nghiệp.

Sự đầu tư các nguồn lực của nhà trường cho các hoạt động như tạo lập diễn đàn cựu sinh viên, mời sinh viên tốt nghiệp về dự các ngày lễ kỷ niệm đặc biệt của Nhà trường,… sẽ tạo được sự kết nối với sinh viên tốt nghiệp.

Điều này giúp nhà trường thuận lợi trong việc khảo sát và thu thập thông tin về chất lượng đào tạo, mức độ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động. 

Đây là những cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học để nhà trường đưa ra các chiến lược và định hướng phát triển của trường.

Vậy, theo bà, những đơn vị chưa có hoặc chưa hoạt động tốt Hội cựu sinh viên này sẽ gặp phải trở ngại gì? 

PGS.TS Nguyễn Phương Nga: Trở ngại chính là các thông tin về địa chỉ liên lạc của sinh viên tốt nghiệp được lưu giữ tại trường không được cập nhật, vì thế các bộ phận chức năng của trường sẽ rất vất vả để có thể khảo sát sinh viên tốt nghiệp trên diện rộng. 

Thậm chí số lượng sinh viên tốt nghiệp trả lời phiếu khảo sát không đủ lớn để có thể khái quát hóa về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ trường. 
Mà khi số liệu không đảm bảo độ tin cậy, Nhà trường khó có thể giải trình một cách minh bạch về “chất lượng đầu ra” của mình.
 
Ngoài ra, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên yêu cầu công khai cả mức thu nhập trung bình trong năm đầu khi có việc làm của sinh viên tốt nghiệp (yêu cầu này đã có trong Các tiêu chuẩn Đánh giá chất lượng trường Đại học, Cao đẳng). 

Đây cũng chính là cơ sở để cha mẹ học sinh và các em học sinh xem xét và cân nhắc khi chọn trường Đại học, Cao đẳng và ngành nghề theo học.

Trân trọng cảm ơn PGS. 

Theo văn bản số 4806/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và đào tạo, từ năm 2016, Giám đốc các Đại học, Học viện; Hiệu trưởng các trường Cao đẳng sư phạm triển khai việc thu thập thông tin, xây dựng và công bố báo cáo về việc làm của sinh viên chính quy, tốt nghiệp bằng thứ nhất (tính từ sinh viên tốt nghiệp năm 2015) trên trang thông tin điện tử của trường.

Mục đích là nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên để các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Báo cáo phải phản ánh khách quan, trung thực tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp; nêu rõ quy trình điều tra việc làm của sinh viên tốt nghiệp và minh chứng về việc thực hiện để phục vụ công tác kiểm tra, xác thực thông tin của báo cáo.

Yêu cầu báo cáo gồm: 

-Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra dựa trên 3 chỉ tiêu: Có việc làm, chưa có việc làm, chưa có việc làm và đang học nâng cao. 

- Khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp đang làm việc theo khu vực (khu vực Nhà nước, tổ chức tư nhân, liên doanh với nước ngoài).

- Đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của viên tốt nghiệp: Báo cáo đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và đưa ra các kiến nghị trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học hoặc những thay đổi khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. 

Bộ GD&ĐT cũng cho hay, đây là cơ sở để Bộ giám sát chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường và phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

Báo cáo phải được gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 1/1 hằng năm, thời gian bắt đầu từ ngày 1/1/2017.

Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm là yêu cầu bắt buộc đối với các trường, là điều kiện để Bộ GD&ĐT xem xét việc tuyển sinh của các trường trong năm học tiếp theo. 

Thùy Linh