LTS: Hàng triệu độc giả đã đồng cảm và đồng tình với chị công nhân Trần Hương Giang ở bài viết: Cho con trẻ học sách của GS.Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?
Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, họ đâu được "cho" con mình học gì, mà điều đó là do nhà trường, ngành giáo dục quyết định.
Vậy nhưng, con đường để được vào dạy ở nhà trường của sách giáo dục công nghệ dù là thử nghiệm thì lại rất lắt léo và ngoạn mục.
Xem hết đường đi của nó, có lẽ các bậc phụ huynh sẽ còn có thêm nhiều cảm xúc khác bên cạnh sự lo lắng nêu trên.
Hôm nay, tác giả Hồng Thủy đã nói lên vấn đề này, Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả.
Sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa vào trường học đã gây ra nhiều băn khoăn, tranh cãi trái chiều.
Bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ ra những vấn đề về nội dung của sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, được dư luận quan tâm và chia sẻ rộng rãi. [1] [2].
Ở góc độ thực tiễn, báo Quảng Ngãi ngày 12/9/2014 có bài phản ánh: Dạy tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp mới: Trên bảo dễ, giáo viên than khó. [3]
Các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng có những ý kiến phản biện về phương pháp luận với Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [4] [5]
Trong khuôn khổ bài viết này, người đọc muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và đưa nó vào trường học tại 48 tỉnh thành trên cả nước?
Con đường "phổ cập" sách giáo khoa Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại
Câu chuyện về bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được ông kể nhiều lần trên một số phương tiện truyền thông chính thức.
Cụ thể bạn đọc có thể tìm hiểu qua công cụ tìm kiếm Google, ở đây người viết xin được lược qua vài nét cơ bản:
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: daotao.vtv.vn. |
Theo lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại được báo Giáo dục và Thời đại tường thuật, xin trích lược mốc thời gian và sự kiện chính:
- Năm 1978 Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội.
- Năm 1986, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm.
- Năm 2006, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số.
Ông cho biết, mình đã nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Lào Cai, đạt được kết quả khả quan.
- Mấy năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thêm 5 tỉnh tiếp tục thí điểm là: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm mở dần thêm mấy tỉnh.
- Năm học 2014 - 2015 có 37 tỉnh, thành. Người quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Công nghệ giáo dục chính là (nguyên) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. [6]
Còn theo bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thời điểm năm 2013, khi trả lời báo Giáo dục và Thời đại bà Thắm cho biết:
"Trước năm 1995, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được triển khai tại 43 tỉnh thành nên các địa phương đã biết đến Công nghệ giáo dục.
Năm 2007, tài liệu được hoàn thiện và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu.
Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đây là một trong 5 giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Năm học 2011 - 2012, chủ trương của Bộ dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt.
Trong quá trình triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia, số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2013 - 2014 tăng thêm 19 tỉnh.
Các tỉnh đã tích cực, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, giáo viên nhiệt tình, hào hứng khi tiếp thu và thực hiện dạy tài liệu.
Đến năm học 2013 - 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.
Quan điểm chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là một trong các giải pháp tăng cường Tiếng Việt hiệu quả và được thực hiện theo kế hoạch từng năm học."
Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao? |
Mới đây nhất, ngày 1/7/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục năm học 2016 - 2017 tại 48 tỉnh thành. [7]
Như vậy có thể thấy, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ mục đích ban đầu là dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc ít người khu vực miền núi, dần dà đã được áp dụng đại trà.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là tại sao một sách giáo khoa gây nhiều tranh cãi như vậy lại được chọn làm “giải pháp tăng cường Tiếng Việt” và áp dụng tại 48 tỉnh thành?
Việc làm khó hiểu của (nguyên) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
Quan trọng hơn nữa là sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã qua thẩm định hay chưa?
Bởi lẽ, Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục năm 2005 quy định rõ:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. [8]
Sở dĩ phải đặt câu hỏi này, ngoài vấn đề tranh cãi về nội dung sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người viết còn bất ngờ bởi con đường vào trường học của nó.
Theo lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với báo Giáo dục và Thời đại cùng một số tờ báo khác, người giúp ông đưa bộ sách nào vào chương trình giáo dục phổ thông ở các địa phương có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
"Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng hết sức ủng hộ. Song Bộ trưởng cũng rất thận trọng khi tìm hiểu để đi đến quyết định cho nhân rộng việc triển khai bộ sách tại các tỉnh thành.
Chính Bộ trưởng đã đích thân vào tận các trường có HS dân tộc để kiểm tra thực tế việc dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.
Sau khi tự mình đi kiểm tra tại 5 trường học sinh dân tộc, Bộ trưởng đã thấy hiệu quả về cách dạy học này nên đã mời luật sư tư vấn về luật và quyết định cho các địa phương triển khai đại trà trên tinh thần tự nguyện."
"Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy lợi ích của dân tộc nên đã ủng hộ rất nhiệt tình trong quá trình triển khai nhân rộng tại các địa phương.
Khi nhận được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT thì bộ sách Tiếng Việt đã được đưa vào dạy trong các nhà trường một cách thuận lợi." [9]
Còn trên báo Vietnamnet, Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể rằng:
"Để mục sở thị hiệu quả dạy học tiếng Việt bằng CGD, anh Luận âm thầm mua vé tàu đi Lào Cai, thuê xe ôm đi đến 5 trường trong vòng hai ngày.
Không chỉ vậy, anh Luận còn tự bỏ tiền túi thuê luật sư để tìm chứng lý hợp pháp vững chắc trong việc cho phép triển khai chính thức phương án CGD trong các nhà trường.
Sau đó, anh Luận đề nghị gặp tôi để bày tỏ nguyện vọng đó. Phía tôi, tôi cũng tuyên bố tặng Bộ GD&ĐT bản quyền bộ sách." [10]
Như vậy có thể thấy rằng, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số mà ông Đại là chủ đề tài.
Theo cách hiểu của người viết, nó là sản phẩm của một đề án sử dụng ngân sách nhà nước, mục đích giúp cho học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt (như một ngoại ngữ?) thuận lợi.
Mong con "ăn biết nhai, nói biết nghĩ", bà mẹ trẻ gửi tâm thư tới GS.Hồ Ngọc Đại |
Nay được áp dụng đại trà nhờ sự ủng hộ của nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và một số lãnh đạo khác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như một số địa phương mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã làm việc trực tiếp.
Nhưng cái chính là sách giáo khoa Công nghệ giáo dục nói chung, sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục nói riêng đã qua Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa thẩm định hay chưa?
Nếu Hội đồng thẩm định và thông qua đúng quy định của Luật Giáo dục 2005, thì tại sao nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải bỏ tiền túi thuê luật sư tư vấn về luật và quyết định cho triển khai đại trà?
Nếu quả thực Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thời điểm đó đã bỏ tiền túi vi hành Lào Cai tìm hiểu thực tế đúng như lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đó là điều rất đáng hoan nghênh. Điều đó cho thấy tác phong làm việc sâu sát thực tế của ông.
Tuy nhiên về mặt chuyên môn, nếu ông Luận bỏ tiền túi thuê luật sư tìm hiểu căn cứ pháp lý đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vào triển khai đại trà như lời kể của Giáo sư Đại, thì lại là một chuyện ngược đời.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (thời điểm đương chức) không thể làm thay vai trò của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Việc ông bỏ tiền túi thuê luật sư tìm chứng lý hợp pháp cho việc triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục thật khó hiểu.
Chính ông Phạm Vũ Luận đã nói trước Quốc hội: “GS Hồ Ngọc Đại tặng tôi công trình đó. Đây là công trình có tác dụng tốt, đặc biệt tác dụng với các vùng dân tộc ít người.
Trước đây nhiều học sinh đi học về lại mù chữ, nhưng khi dùng chương trình của GS Hồ Ngọc Đại thì giải quyết triệt để vấn đề ấy.
Công nghệ này kết hợp tốt với VNEN, vì khi áp dụng VNEN thì ở lớp 2 các cháu phải biết đọc tròn vành rõ chữ rồi, phải dùng công nghệ này thì các cháu mới không tái mù.” [10]
Dư luận còn đang ồn ào về mô hình VNEN “nhập khẩu” từ Colombia vốn dành cho các lớp ghép học sinh nhiều trình độ khác nhau ở miền núi do thiếu giáo viên, sang Việt Nam lại được triển khai đại trà từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi gây ra không ít bức xúc cho xã hội.
Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi đó lại chỉ đạo kết hợp Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại với VNEN ở quy mô rộng lớn, đến nay là 48 tỉnh thành thì thực sự khó hiểu.
Bởi vậy người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho nhân dân, giáo viên, học sinh và phụ huynh cả nước biết rõ, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được thẩm định theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục 2005 hay chưa? Hội đồng thẩm định gồm những ai?
Tài liệu tham khảo:
[4]http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=5408&CategoryID=6
[7]http://www.moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=2029
[8]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18148
[10]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/140524/sgk-cua-gs-ho-ngoc-dai-ngot-nua-the-ky-thang-tram.html