Siêu dự án thép bị thu hồi, Tập đoàn Hòa Phát vẫn quyết xin đầu tư

11/10/2016 07:40
Mai Anh
(GDVN) - Nhìn thấy lợi nhuận lớn từ thép, Tập đoàn Hòa Phát xin thay nhà đầu tư Đài Loan tiếp tục làm siêu dự án thép gần 3 tỷ USD ở Dung Quất.

Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành xin ý kiến về dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Ban Quản lý khu kinh tế cho biết, trước đó Tập đoàn Hòa Phát đã có văn bản chính thức đăng ký thay thế nhà đầu tư nước ngoài, để tiếp tục đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép trên khu đất thu hồi từ dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đang triển khai dở dang.

Được biết theo thiết kế ban đầu, dự án nhà máy thép Guang Lian có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn/năm, được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm thời gian hoạt động 70 năm.

Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được đề xuất giao lại cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục đầu tư - ảnh Báo Quảng Ngãi.
Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được đề xuất giao lại cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục đầu tư - ảnh Báo Quảng Ngãi.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, dự kiến với doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD, dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất. Và sẽ có khoảng 8.000 việc làm cho lao động địa phương tại đây.

Về ưu đãi, chính quyền địa phương cho rằng đây là dự án quy mô lớn, do doanh nghiệp trong nước đầu tư, nên để tăng khả năng cạnh tranh, đề nghị áp dụng thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm. Ngoài ra, dự án cũng được đề nghị miễn tiền thuê đất tối đa là 18 năm.

Đối với phần đất sạch của dự án Guang Lian, trước đây đã được ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 203,5 tỷ đồng, Hòa Phát phải trả lại và được khấu trừ vào tiền thuê đất theo quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia việc đầu tư các dự án nhà máy thép trong giai đoạn hiện nay không khả thi.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lúc này không nên đầu tư thêm bất kỳ dự án thép nào nữa bởi dự án thép chúng ta đang đi sau các nước với quy mô mức trung bình, sản xuất khó cạnh tranh trong khi đầu tư lớn.

Hiện nay gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, vì vậy thay vì sản xuất thép doanh nghiệp Việt Nam nên đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano.

Mặt khác, gang thép được xếp vào công nghiệp cổ điển, ở các nước phát triển gần như không có nhà máy thép. Sự dịch chuyển được chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ngoài vấn đề lợi nhuận không thể so với công nghệ hiện đại, có thể thấy sự dịch chuyển này xuất phát từ ảnh hưởng của môi trường. Theo đó, các dự án đầu tư như cán sắt, thép, nhuộm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Trước cảnh báo nguy cơ của các dự án nhà máy thép, tại sao Hòa Phát vẫn muốn thay thế nhà đầu tư Đài Loan đầu tư dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế nhận định: Hòa Phát đầu tư vì nhìn thấy lợi nhuận dự án.

Dẫn chứng cụ thể, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết, thông tin báo chí cho thấy lợi nhuận sau thuế thép Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm nay đạt 3.000 tỉ đồng, cùng với doanh nghiệp thép khác Hòa Phát đang dần lấy lại thị trường thép trong nước.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, doanh thu lớn từ nguồn thép cộng với việc dự án nhà máy thép Guang Lian có nhiều ưu đãi địa phương và đã xong công tác giải phóng mặt bằng, nên nếu được phép đầu tư Hòa Phát có thể triển khai ngay.

“Tuy nhiên kể cả được phê duyệt thì đây mới là giai đoạn tiền khả thi do đó đầu tư sản xuất thép gì, công nghệ ra sao, vấn đề xử lý môi trường như thế nào cần làm rõ và minh bạch để người dân được biết bởi tác động đến môi trường của dự án thép cũng rất lớn”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.

Tháng 9/2016 UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định​ thu hồi phần diện tích đất dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất do Công ty TNHH Guang Lian Steel (Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Theo đó, thu hồi 269.554m2 diện tích đất của dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, thuộc các thửa đất tờ trình lục bản đồ địa chính trích từ tờ bản đồ địa chính số 23, 29 xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Lý do thu hồi đất là do doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai tại khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003; điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (theo nội dung Kết luận thanh tra số 2467/KL-UBND ngày 20/5/2016 của UBND tỉnh).

Giao diện tích thu hồi đất này cho Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất để Ban Quản lý giao lại đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất Dung Quất quản lý theo quy định.

UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thu hồi hoặc chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức có đất bị thu hồi (nếu có) theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chỉnh lý hồ sơ địa chính.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất có trách nhiệm lập thủ tục giao lại đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất Dung Quất để quản lý theo quy định.

Mai Anh