LTS: Tiếp tục bàn về vấn đề “bội thực” các cuộc thi, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Phó Hiệu trưởng một trường Trung học Phổ thông ở Quảng Ngãi) có bài viết đề nghị nên giảm tải bớt các cuộc thi hiện nay cho giáo viên và học sinh để có thể tập trung vào đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Từng có một giáo viên ở tỉnh Tiền Giang đếm được giáo viên và học sinh của mình phải tham gia 15 cuộc thi trong một năm học.
Cụ thể: Thi văn hay chữ tốt; giải toán trên máy tính cầm tay; học sinh giỏi các môn văn hóa; sáng tạo nhi đồng; sáng tạo khoa học kĩ thuật; vận dụng kiến thức liên môn; dạy chủ đề tích hợp; giáo viên dạy giỏi các môn văn hóa; giáo viên chủ nhiệm giỏi; tổng phụ trách đội giỏi; đồ dùng dạy học tự làm; giải toán trên mạng Internet; tiếng Anh trên mạng Internet; hùng biện tiếng Anh; Tin học trẻ.
Cuộc thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Nhiều cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông, nhất là trường chuyên chóng mặt, “kêu trời” về các cuộc thi của cấp trên dồn dập đưa xuống, hết thi văn hóa đến thi đoàn đội, phong trào.
Một số Công văn của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo gửi đến các đơn vị, ở phần cuối thường có cụm từ “đơn vị nào không tham gia cuộc thi này sẽ bị cắt thi đua năm học”, viết như vậy, liệu có đơn vị nào dám chống công văn, không tham gia?
Thi giáo viên dạy giỏi, nhiều bài giảng cứ như đến từ thiên đình! |
Vì kết quả, thành tích mà lãnh đạo và giáo viên nhiều khi đành phải miễn cưỡng tham gia. Cũng do quá bội thực, ngán ngẫm với nhiều cuộc thi mà số khán giả là giáo viên, học sinh các trường khác đến cổ vũ ngày càng ít.
Vì thế, có địa phương sớm sản sinh ra loại công văn (giống như tinh thần thể dục thể thao thời Nguyễn Công Hoan) yêu cầu, phân công cụ thể số lượng giáo viên, học sinh các trường đến tham dự, cổ vũ, nếu không đảm bảo số lượng thì bị nhắc nhở, phê bình.
Không thể phủ nhận một số cuộc thi, hội thi của ngành giáo dục có tác dụng tích cực, tạo dựng được phong trào, phát hiện được nhiều đam mê, sáng tạo của giáo viên và học sinh...
Tiêu biểu như Thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, hội thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi.
Tuy nhiên, số lượng cuộc thi, hội thi “vẽ” ra quá nhiều, một năm học có hàng chục cuộc thi lớn, nhỏ dội xuống, giáo viên và học sinh ở các cơ sở giáo dục bị bội thực, mệt mỏi.
Cuộc thi này chưa kết thúc thì hội thi kia mở ra khiến người dự thi thì áp lực còn lãnh đạo nhà trường lại đau đầu về chọn người tham gia và chuyện tiền bạc.
Cũng chính vì lẽ đó cho nên sự hứng khởi của đối tượng tham gia, cổ vũ ngày càng vơi cạn dần.
Trong “Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới”, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có ý: “hạn chế các cuộc thi, hội thi về các bộ văn hóa dành cho đối tượng học sinh; việc tham gia các cuộc thi, hội thi là tự nguyện, không đưa vào xem xét thi đua đối với các đơn vị tham gia”.
Hướng dẫn là một chuyện còn thực hiện là một chuyện khác.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn tổ chức hàng loạt kỳ thi học sinh giỏi môn văn hóa ở các bậc học và tiếp tục ra điều kiện, ràng buộc các đơn vị nhà trường, cấp dưới phải tham gia.
Là người trong cuộc, thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp quản lý ngành giáo dục cần cân nhắc, giảm tải các cuộc thi, hội thi; nhất là các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa.
Việc làm này nhằm giảm bớt áp lực, căng thẳng về học tập, bồi dưỡng, thi cử cho học sinh khi được lựa chọn hoặc bắt buộc đi thi, tham gia vào đội tuyển.
Lâu nay, vì các quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên và kể cả phụ huynh thích thành tích… nên dành nhiều thời gian để luyện “gà nòi”, khiến nhiều em học sinh thực sự mệt mỏi, nhưng vì “sợ” nhà trường, phụ huynh mà phải miễn cưỡng theo đến cùng.
Mặt khác, kết quả và hiệu ứng của các kỳ thi chọn học sinh giỏi chỉ thường bó hẹp trong một số đối tượng học sinh, giáo viên nhất định; nếu được giảm tải xuống sẽ giúp tiết kiệm một nguồn chi không hề nhỏ.
Hơn nữa, việc giảm tải các cuộc thi này cũng giúp giảm bệnh thành tích vốn vẫn phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.
Bội thực các cuộc thi và ý kiến của một thầy Phó Hiệu trưởng |
Nhìn rộng ra, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới không hề nặng nề việc tổ chức thi học sinh giỏi, thi văn hóa như giáo dục phổ thông ở nước ta.
Nhưng khi đào tạo nghề, học Đại học hoặc lúc ra làm việc, sao họ lại giỏi thế, hàng trăm sáng chế, phát minh được quốc tế cộng nhận, làm lợi vô kể cho đất nước, bản thân.
Còn ở ta, học sinh giỏi được đánh giá có thứ hạng trên thế giới qua các kỳ thi Olympic quốc tế, số lượng người có bằng cấp, trình độ Tiến sĩ nhiều nhất khu vực… nhưng khi ra làm việc thì sản sinh được mấy sáng chế, phát minh mỗi năm?
Thống kê gần đây cho thấy, nước ta thuộc diện ít nhất về phát minh, sáng chế trong khu vực và thế giới; học sinh, sinh viên ta từng bị chê thể trạng nhỏ bé, hiệu quả lao động thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Ma-Lai-xi-a…
Toàn ngành giáo dục, nhà trường và các bậc phụ huynh nên đổi mới mạnh mẽ về nhận thức và hành động, giảm bớt các cuộc thi để khoan sức cho 2 chủ thể chính là giáo viên và học sinh.
Cần tập trung nguồn lực, kinh phí cho hoạt động giáo dục toàn diện, giáo dục về đạo đức, thể chất, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế (vốn bị xem nhẹ lâu nay) hướng tới “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.