Những ai theo dõi giải đấu V-League hẳn sẽ nhớ hình ảnh của ông Đỗ Quang Hiển (mà nhiều người yêu mến gọi là Bầu Hiển) thường xuất hiện trên khán đài, ở góc kỹ thuật của CLB T&T... và luôn rất “nhiệt” với từng pha bóng.
Trong cái ngày T&T vô địch V-League lần thứ 3 vào 18/6 vừa qua, ông lao vào sân chia vui với ban huấn luyện, lập tức công bố số tiền thưởng nóng cả chục tỷ đồng – số tiền thưởng lớn nhất từ trước đến nay tại V-League. Ông ôm lấy từng cầu thủ và gọi họ là “chiến binh”.
Có người bảo rằng Bầu Hiển rất mát tay khi làm bóng đá. Ông không hề ngần ngại khi chi ra hàng triệu USD để mời Câu lạc bộ Manchester City tới du đấu tại Việt Nam, để người hâm mộ được trực tiếp nhìn thấy những cầu thủ nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Ông cũng "bật mí" đã đàm phán mời Câu lạc bộ Barcelona tới Việt Nam vào năm 2017. Bầu Hiển đã sẵn sàng và ông không tiếc tiền để người hâm mộ được trực tiếp xem những ngôi sao lớn thi đấu, vấn đề còn lại chỉ còn là lịch du đấu của Barcelona nữa mà thôi.
Có lẽ, rất ít người biết rằng trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TMCP SHBank, ông Đỗ Quang Hiển từng ước mơ trở thành nhà khoa học. Nhưng rồi guồng quay cuộc sống, cái duyên trên thương trường đã đưa ông trở thành một doanh nhân trên đất nước hình chữ S.
Và bây giờ, khi đã đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp kinh doanh, ông muốn chia sẻ nhiều hơn nữa những thành công ấy với cộng đồng, với xã hội.
Ngân hàng SHB luôn được đánh giá cao với các chính sách phát triển bền vững. Ảnh: SHB. |
Ước mơ của chàng sinh viên nghèo
Thời niên thiếu, ông Đỗ Quang Hiển học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên. Ông đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao ông trở thành sinh viên khoa Vật lý (Đại học Tổng hợp).
Ông Hiển tâm sự: “Hồi đó, bạn bè nói tôi là con mọt sách. Tôi thích đọc, nhất là những cuốn sách có nhiều thông tin về ngành Vật lý. Tôi ước mơ sau này ra trường sẽ được làm ở một cơ quan nào đó để có thể phát huy hết khả năng và kiến thức của mình, nhưng rồi cuộc sống có quá nhiều khó khăn và ước mơ đó không thể trở thành sự thực”.
Thời ấy, xin việc tại các cơ quan nhà nước đúng với nguyện vọng không dễ dàng gì, ông Đỗ Quang Hiển cũng đã phải trải qua nhiều công việc không thực sự đúng với mong muốn của mình. Một thời gian sau, ông Hiển gia nhập Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia. Nhưng thời đó nền kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn nên không thể đầu tư nhiều cho khoa học.
Vì vậy, Đỗ Quang Hiển quyết định nghỉ cái công việc ngày 8 tiếng bàn giấy để thành lập công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T và chú trọng ngay tới các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông…
Mười năm trời lăn lộn kinh qua qua các lĩnh vực, môi trường khác nhau tạo nên một Đỗ Quang Hiển chín chắn, quyết liệt.
Bằng sự nhanh nhạy và quyết đoán, ông chủ của T&T nhanh chóng gây dựng được uy tín. Đó là tiền đề để các hàng điện tử danh tiếng của Nhật Bản như: Panasonic, Mitsubishi, National... chọn T&T làm đại lý độc quyền cung cấp các sản phẩm trên thị trường Việt Nam.
Từ ước mơ ban đầu là trở thành một nhà khoa học, nhân duyên đã đưa ông Đỗ Quang Hiển trở thành một doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: NQ. |
Trong suốt 5 năm đầu, công việc kinh doanh của T&T lên như diều gặp gió, nhưng “thương trường như chiến trường” - vào cái lúc mà chẳng ai ngờ tới thì một chuyện động trời xảy ra.
Năm 1998, Công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã tuồn vào thị trường Việt Nam khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… khiến nhà nước thất thu gần một nghìn tỷ đồng.
Số hàng này đủ khiến cho thị trường điện tử - điện lạnh trong nước bị khuynh đảo, T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam cùng chung số phận là không bán được hàng. May là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này.
Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Và, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy.
Tháng 2/2016, tới thăm và làm việc tại SHB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương SHB – Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn tại Việt Nam và đánh giá cao uy tín, thành tích của SHB suốt hơn 22 năm qua trong hoạt động kinh doanh cũng như những đóng góp tích cực cho xã hội, cho công cuộc tái cấu trúc hệ thống tín dụng yếu kém của Việt Nam. Tái cấu trúc các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An theo chủ trương của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước, góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước. Thủ tướng phát biểu: “Tôi tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp, SHB sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, phát triển bền vững, an toàn, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, niềm tin của cổ đông và thị trường”. |
Nước cờ này của Đỗ Quang Hiển có thể coi là rất táo bạo tại thời điểm đó và nó cũng cho thấy anh có khả năng dự liệu trước sự phát triển của một mảng thị trường nhiều tiềm năng sắp bùng nổ.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp. Một miếng bánh mà có quá nhiều người giằng xé đã khiến cho việc kinh doanh của T&T gặp rất nhiều khó khăn.
Cạnh tranh ở thị trường thành phố đã khó, nhưng ở các tỉnh lẻ cũng không sáng sủa hơn do sự đổ bộ ào ạt của các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi những khoản chi cho lương nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao máy móc vẫn tiếp tục phải duy trì.
Khó khăn liên tiếp ập đến, nhưng Đỗ Quang Hiển vẫn quyết tâm cứu bằng được những gì đã đầu tư.
Ông Hiển tâm sự: “Tôi thích làm những việc người khác cho là không thể và phải đi tới cùng. Tôi nghĩ, lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà gục ngã thì buồn lắm. Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ”.
Rà soát lại quy trình đầu tư, Đỗ Quang Hiển nhận ra quá nhiều bất ổn. Kết hợp với những thương vụ không thành trong quá khứ, anh khẳng định: Phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa thương mại và sản xuất. Tức là, nếu chỉ làm thương mại (bán hàng) mà không sản xuất thì chẳng những phải chấp nhận đầu vào với giá cao mà còn luôn bị động.
Đó là tiền đề cho sự hồi sinh dây truyền sản xuất xe máy của riêng T&T lúc bấy giờ với số vốn lên tới 50 triệu USD. Và nước cờ táo bạo ấy của Đỗ Quang Hiển đã đưa T&T vượt qua giông bão, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Những bước ngoặt định mệnh
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, T&T đã tăng vốn điều lệ từ 1.600 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, có tới 20 công ty thành viên, 9 công ty liên doanh liên kết với lĩnh vực kinh doanh trải rộng từ Tài chính – Bất động sản – Công nghiệp – Thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa cho tới thể thao, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế khu vực và cả nước.
Bầu Hiển đặc biệt yêu thích bóng đá và sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để mời các câu lạc bộ nổi tiếng thế giới sang Việt Nam thi đấu. Ảnh: Song Ngư. |
Tập đoàn đã mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập Công ty T&T Hoa Kỳ tại Mỹ, tại Uganda, đồng thời triển khai kế hoạch đầu tư sang thị trường Đức và Singapore.
T&T cũng đã mua lại và tái thiết thành công hoạt động tại cảng Quảng Ninh và sẵn sàng cho cuộc đua đầu tư vào một số cảng hàng không trong tương lai gần.
Không chỉ chèo lái con thuyền T&T vững vàng trước muôn vàn thử thách khắc nghiệt, doanh nhân Đỗ Quang Hiển còn rất “mát tay” khi tham gia vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Năm 2007, ông Hiển có một quyết định khá bất ngờ khi mua lại phần lớn cổ phần và trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP SHBank.
Thời đó, có khá nhiều đại gia đi xe xịn đến đàm phán mua cổ phần (SHBank lúc ấy đặt trụ sở tại Cần Thơ), ông Đỗ Quang Hiển chỉ đi một mình bằng taxi nhưng lại chiếm được cảm tình từ phía các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này. Nhiều người bảo rằng, sở dĩ ông làm được điều đó cũng là bởi cái duyên trên thương trường.
Hoạt động tài chính luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro, nó không phải là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp đã thành công ở một thị trường riêng biệt như T&T.
Năm 2012, nhiều người bất ngờ khi doanh nhân Đỗ Quan Hiển quyết định “giải cứu” Công ty CP Thủy sản Bình An khi doanh nghiệp này đang ngập sâu trong nợ nần. Ông Hiển nói rằng, điều mà ông tâm đắc nhất là sau cuộc tái thiết ấy là nông dân đã được trả nợ và tiếp tục nuôi trồng thủy sản, cung cấp cho Bình An; hàng nghìn công nhân tiếp tục có việc làm ổn định. |
Có thể với nhiều người khi đã ở cái tuổi ngoài tứ tuần thì sự lựa chọn an toàn nhất là an phận với những gì đang có,nhưng lúc ấy Đỗ Quang Hiển vẫn quyết định rất nhanh để làm cái điều mà người khác e ngại thì ông lại lao vào với tất cả nhiệt huyết như thời trai trẻ.
Điều đó đã được minh chứng khi Đỗ Quang Hiển cùng đội ngũ cán bộ và hàng nghìn nhân viên của SHB đưa ngân hàng này vượt qua những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 7 năm về trước.
Những chỉ số phát triển bền vững của SHB đã được nhiều tạp chí tài chính uy tín của thế giới trao tặng các giải thưởng, mới nhất phải kể tới Tạp chí Asiamoney có uy tín nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với hàng triệu độc giả, đã bình chọn SHB là Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2016.
Tính đến ngày 30/6/2016, tổng tài sản của SHB đạt hơn 212.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 9.500 tỷ đồng.
Với gần 7.000 cán bộ nhân viên, mạng lưới rộng gần 500 điểm giao dịch ở Việt Nam, Lào và Campuchia... SHB đang phục vụ gần 4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. SHB đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức uy tín trong nước và Quốc tế.
SHB cũng đã lọt vào "top 5 Ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam" và tiếp tục phấn đấu trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu Việt Nam, đến năm 2020 trở thành Tập đoàn tài chính mạnh theo chuẩn quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng ấy, SHB đã được tặng nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý, trong đó phải kể tới Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng cho SHB và cá nhân doanh nhân Đỗ Quang Hiển.
Không chỉ giành được những giải thưởng danh giá trong nước, cá nhân ông Đỗ Quang Hiển và Tổng Giám đốc SHB là Nguyễn Văn Lê còn vinh dự được Campuchia trao tặng “Huân chương Hàm Đại tướng quân” vào tháng 10/2014.
Luôn giữ vai trò như một “kiến trúc sư trưởng” giải quyết các tình huống hóc búa nhất, luôn biết cách đem ngọn lửa nhiệt huyết đến bất cứ nơi nào sẽ đầu tư, nhưng vị Chủ tịch của T&T và SHB vẫn luôn khiên nhường.
Ông tâm sự: “Đã là doanh nghiệp thì đều giống nhau ở cái đích phải tạo ra lợi nhuận, nhưng tới giờ này tôi cảm thấy hạnh phúc không phải vì doanh thu của T&T hay SHB nữa, mà bởi những nỗ lực của mình ít nhiều đã góp ích cho xã hội.
Để có được điều đó, tôi mới là người phải nói lời cảm ơn tới toàn thể các thành viên của T&T và SHBank, nếu không có lòng nhiệt tình của họ thì không thể thành công”.