Công nghệ giáo dục còn "thực nghiệm" học sinh đến bao giờ?

15/10/2016 08:01
Hồng Thủy
(GDVN) -Thực nghiệm trên học sinh đã 38 năm, nay còn triển khai đến hơn 40 tỉnh thành, vậy nhưng giáo dục công nghệ vẫn chưa kết thúc. Tại sao lại như vậy?

LTS: Ngày 12/10 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài: "Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?"

Bài viết đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý triển khai sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vào các trường tại 48 tỉnh thành trên cả nước đang gây bức xúc trong dư luận.

Nhận thấy sự quan tâm rất lớn của giáo viên, phụ huynh, học sinh đối với việc triển khai đại trà sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả Hồng Thủy tiếp tục gửi đến quý bạn đọc một phân tích từ khía cạnh khác.

Bài viết này đặt ra các vấn đề về quy trình "thực nghiệm" Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ năm 1978 đến nay và thực tiễn đặt ra về quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.

Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại được chính Giáo sư thực nghiệm tại Việt Nam từ năm 1978, đánh dấu bằng việc thành lập trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội. 

Từ đó đến nay đã 38 năm, Công nghệ giáo dục hay sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại "gặp nhiều thăng trầm" như chính lời kể của ông với báo chí.

Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là, ông vẫn được "thực nghiệm" liên tục, khi âm thầm, lúc công khai, và quy mô rộng hẹp có lúc khác nhau.

Thậm chí sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu ái hơn nhiều so với sách giáo khoa của các tác giả khác.

38 năm "thực nghiệm" vẫn chưa cho ra một kết luận khoa học

Sự "thăng trầm" ấy của Công nghệ giáo dục cũng như sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thể tóm tắt theo lời kể của chính ông được báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ tường thuật năm 2013: [1], [2]

Giáo sư Hồ Ngọc Đại tập huấn cho giáo viên về sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, ảnh: doanhnghiepvn.vn
Giáo sư Hồ Ngọc Đại tập huấn cho giáo viên về sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, ảnh: doanhnghiepvn.vn

- Năm 1979 cải cách giáo dục lần thứ 3, cả nước thống nhất học sách cải cách, duy chỉ có Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

- Năm 1986, trước kết quả giáo dục có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

- Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000.

Sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Năm 2001 ông Nguyễn Kế Hào từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học để phản đối Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định triển khai đại trà chương trình 2000.

- Năm 2006 ngành giáo dục phát hiện nạn “thành tích”, nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại bằng “đường vòng” qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. 

Ông trực tiếp đi Lào Cai vận động chính quyền địa phương đưa sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục vào dạy. 2 năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho "thí điểm" tiếp ở 5 tỉnh.

- Năm 2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.

- Năm 2016 có 48 tỉnh tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học thường xuyên có chỉ đạo các Sở, các địa phương về việc triển khai dạy sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Nhưng đến thời điểm hiện tại là năm 2016, người viết tìm mỏi mắt cũng không thấy bất kỳ một bản đánh giá, tổng kết nào mang tính khách quan, khoa học và hệ thống về mô hình trường thực nghiệm.

Kể cả các tổng kết, đánh giá chính thức, khoa học về sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, từ phía ông với tư cách "cha đẻ" của mô hình, cũng như từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước cho phép và triển khai "thí điểm" gần 40 năm qua tại hơn 40 tỉnh thành cũng không thấy.

Một điều lạ là, riêng khu vực Hà Nội ngoài hệ thống trường thực nghiệm do Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập, không một trường nào sẵn sàng đón nhận Công nghệ giáo dục của ông sau 38 năm.

Công nghệ giáo dục còn "thực nghiệm" học sinh đến bao giờ? ảnh 2

Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Quan trọng hơn nữa, theo lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì thày ông, hai nhà tâm lý học D.B. Elkonin và V.V. Davydov cũng chỉ thực nghiệm trong phạm vi Trường thực nghiệm số 91 Moscow, trường thực nghiệm duy nhất của Viện Hàn lâm Giáo dục Liên Xô. [3]

Nhưng về Việt Nam đã có lúc ông "thực nghiệm" ở 43 tỉnh thành.

Người viết không bàn về phương pháp thực nghiệm của thày trò Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng không khỏi băn khoăn về sự dễ dãi của ngành giáo dục khi để Giáo sư Đại "thực nghiệm" ở quy mô rộng lớn như vậy.

Sự cho phép "thực nghiệm" dễ dãi ấy của Bộ Giáo dục và Đào tạo với sách giáo khoa Công nghệ giáo dục trước đây cũng chẳng khác gì dự án VNEN gần đây, khiến dư luận xôn xao.

Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các hoạt động tổng kết một cách khách quan, khoa học, hệ thống về mô hình này rồi mới có phương án triển khai, không nên vội vã triển khai đại trà tại 48 tỉnh thành như Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT ngày 1/7/2016.

Chưa nói đến tiền của ngân sách và xã hội đổ vào mô hình thực nghiệm suốt 38 năm qua, chỉ riêng việc "thực nghiệm" gần 40 năm mà không đo nghiệm được gì với kết quả khoa học, khách quan, thuyết phục thiết nghĩ cũng là điều khó chấp nhận.

Đặc biệt là trong bối cảnh đến nay ngành giáo dục vẫn chưa đưa ra được chương trình tổng thể, chương trình bộ môn triển khai Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Chính phủ phê duyệt ngày 27/3/2015.

Nếu sau này sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mà "lệch" với chương trình mới thì Bộ sẽ làm thế nào?

“Loạn” trung tâm, “loạn” nghiên cứu, thực nghiệm Công nghệ giáo dục?

Ngày nay nhắc đến Công nghệ giáo dục và hệ thống Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục, có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến hệ thống Trường Thực nghiệm Liễu Giai do Giáo sư Hồ Ngọc Đại gây dựng, phát triển.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, có đến 3 cơ quan nghiên cứu về Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại.

- Một là Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục, vốn là Phòng Thực nghiệm tâm lý học trẻ em và sư phạm, do Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập năm 1977, trực thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, một cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc, quản lý Trung tâm này từ năm 1977 đến khi nghỉ quản lý (nghỉ hưu theo quy định?) năm 1999.

Trung tâm này cũng là nơi quản lý hệ thống Trường Thực nghiệm Liễu Giai mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập và phát triển từ năm 1978.

- Hai là, Viện Công nghệ giáo dục thuộc Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, được Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập tháng 5/2009 để tiếp tục theo đuổi Công nghệ giáo dục mà ông còn dang dở sau khi nghỉ (hưu?). [4]

- Ba là, Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thành lập tháng 9/2012.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc, ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học từ chức năm 2001 để phản đối chương trình năm 2000 của Bộ, làm Phó Giám đốc trung tâm này từ đó tới nay. [5]

Sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: doanhnghiepvn.vn
Sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: doanhnghiepvn.vn

Ở đây đặt ra 3 vấn đề người viết thiết nghĩ dư luận mong nhận được câu trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Thứ nhất, tại sao đã có Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ còn cho phép Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động tương tự nhau? 

Trung tâm Công nghệ giáo dục là một tổ chức nhà nước trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hay chỉ là bộ phận mà nhà xuất bản này thành lập ra phục vụ cho nhu cầu, mục đích kinh doanh?

Kinh phí hoạt động của trung tâm này từ nguồn ngân sách nhà nước, hay nguồn từ hoạt động kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hay nguồn nào khác?

Thứ hai, tại sao các hoạt động tập huấn nghiệp vụ sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục Bộ không giao cho Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chủ trì, theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, mà lại giao cho Trung tâm Công nghệ giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục chủ trì? [6]

Thứ ba, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo còn "nhảy vào chỉ đạo" cả việc mua bán sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, như thể hiện trong công văn số 1181/BGDĐT-GDTH năm 2013 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký? [7]

Đó là nói về hoạt động “nghiên cứu” Công nghệ giáo dục. Còn về hệ thống trường thực nghiệm Công nghệ giáo dục cũng phức tạp không kém.

Ngoài hệ thống Trường Thực nghiệm Liễu Giai hiện do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam quản lý, sau khi về hưu, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã thành lập hệ thống trường thực nghiệm Công nghệ giáo dục riêng, đặt tên là Hệ thống giáo dục CGD Victory tại Văn Quán, Hà Đông. [8]

Xin lưu ý, hệ thống trường thực nghiệm này độc lập hoàn toàn với hệ thống trường thực nghiệm Liễu Giai của Bộ.

Theo cách hiểu của người viết, phải chăng đây là một mô hình giáo dục tư thục có lợi nhuận? Nếu đúng như vậy, Bộ sẽ quản lý hoạt động “thực nghiệm” ở các trường loại hình này như thế nào?

Hiện tại Giáo sư Hồ Ngọc Đại là Chủ tịch Hội đồng cố vấn, còn ông Lê Tiến Thành - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học làm Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục CGD Victory, năm học 2016 - 2017 tuyển sinh hệ mầm non và hệ tiểu học (lớp 1, 2, 3). [9]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20131001/cau-chuyen-ve-mot-bo-sach-giao-khoa/571280.html

[2]http://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-cua-gs-ho-ngoc-dai-ngot-nua-the-ky-thang-tram-646222.tpo

[3]http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=9540&CategoryID=6

[4]http://quyphanchautrinh.org/giai-phan-chau-trinh/ChiTiet/762/giai-vi-su-nghiep-van-hoa-giao-duc?nam=44&bc=57

[5]http://giaoducthoidai.vn/tieu-diem/cong-nghe-giao-duc-can-co-gia-tri-pho-bien-17667-u.html

[6]]http://www.nxbgd.vn/nxbgdvn.aspx?lang=vi-VN&page=news&id=2589

[7]http://congnghegiaoduc.vn/van-ban/van-ban-huong-dan-trien-khai/60-cong-vn-s-1181bgdt-gdth-v-vic-ng-ky-phng-an-dy-hc-theo-tai-liu-ting-vit-1-cngd.html

[8]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/827226/he-thong-truong-thuc-nghiem-thu-3-cua-gs-ho-ngoc-dai

[9]http://www.cgdvictory.edu.vn/ve-chung-toi/co-cau-to-chuc

Hồng Thủy