Làm thế nào để sách của GS. Hồ Ngọc Đại vào được nhà trường?

17/10/2016 08:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Một là, tại sao ông Phạm Vũ Luận sẵn sàng chống lại Nghị quyết số 40 của Quốc hội, trong đó quy định thống nhất cả nước sử dụng một chương trình, một sách...

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng 2 bài phân tích của tác giả Hồng Thủy trên khía cạnh căn cứ pháp lý của quyết định triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, và tìm hiểu tại sao mô hình "thực nghiệm" gần 40 năm không đưa ra kết quả đo nghiệm nào.

2 bài viết nhận được sự quan tâm rộng rãi từ dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em học sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và các thày cô giáo trực tiếp giảng dạy theo sách giáo khoa này.

Tuy nhiên những vấn đề đặt ra trong 2 bài viết trước vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng, bởi "người trong cuộc" là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cho đến nay vẫn giữ quyền im lặng.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài phân tích thứ 3 của tác giả Hồng Thủy, hy vọng có thể giải đáp phần nào thắc mắc của dư luận.

"Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?""Công nghệ giáo dục còn "thực nghiệm" học sinh đến bao giờ?" đặt ra những vấn đề mang tính cơ sở pháp lý việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai đại trà chương trình gây tranh cãi.

Đồng thời người viết cũng đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình và hiệu quả của việc "thực nghiệm" Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Giáo sư Hồ Ngọc Đại có phản hồi gì về những vấn đề người viết đặt ra trong hai bài trước.

Trước sự im lặng của Bộ, người viết đành tiếp tục "mò mẫm" tìm câu trả lời từ chính những gì Giáo sư Hồ Ngọc Đại và các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu công khai trên báo chí, ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm thông tin và góc nhìn, trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, ảnh: VTV.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, ảnh: VTV.

Người viết không kết luận rằng thông tin một số tờ báo trích dẫn được cho là phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo về sách giáo khoa Công nghệ giáo dục đúng hay sai.

Chúng tôi chỉ hy vọng chắp nối thông tin và sự kiện, ngõ hầu tìm tới những góc khuất để xem, làm thế nào một bộ sách giáo khoa gây tranh cãi như thế vẫn cứ ung dung vào trường học.

Có nghi vấn ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại lách luật?

Thông tin này được báo Vietnamnet dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết trong chương trình “những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường” ngày 21/5/2012, trong bài báo: "Trường Thực nghiệm, một bí mật không ai biết". [1]

Ông Đại kể rằng: "Năm vừa rồi (2011), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương.

Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”. Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh… 

Chỉ cần, nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.

Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống Chủ tịch UBND quận ra quyết định, UBND huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!

Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi.

Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.

Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục. Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn. 

Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ.

Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 

Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.

Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của “chương trình 2000”.

Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay. Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.

Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa.

Làm thế nào để sách của GS. Hồ Ngọc Đại vào được nhà trường? ảnh 2

Học chữ mà không cần hiểu, khác nào ăn mà không cần hấp thụ?

(GDVN) - “Tách nghĩa khỏi âm” theo tôi hiểu là phát âm mà không cần biết nghĩa thì có khác nào ăn mà không hấp thu được?.

Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm. Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000".

Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì. Cần phải nhìn sâu xa hơn nữa mới thấy gốc rễ vấn đề. 

Tôi thấy, đây là cơ hội để chúng ta nhìn thấy vấn đề thực hơn, cả phụ huynh, cả người dân nói chung, cả bộ phận quản lý cũng nhìn thấy thực hơn, và Đảng cũng phải nhìn thấy thực hơn là từ chủ trương cách đây lâu rồi. 

Nhóm người đó hầu hết đã về hưu hết cả, hoặc có đang chức thì cũng chỉ hời hợt… Những người đương chức hiện nay đều là nạn nhân phải chịu hết. Việc đã hết rồi, thể chế của mình cứ thế mà làm." [1]

Những câu hỏi xin gửi các ông Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển và Hồ Ngọc Đại 

Nếu quả thực những nội dung báo Vietnamnet đăng tải mà người viết trích dẫn trên đây đúng là lời của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, thì e rằng hai ông Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển dù có về hưu cũng phải giải trình trước dư luận mấy vấn đề:

Một là, tại sao ông Phạm Vũ Luận sẵn sàng chống lại Nghị quyết số 40 của Quốc hội, trong đó quy định thống nhất cả nước sử dụng một chương trình, một sách giáo khoa?

Nếu quan chức nào cũng biết luật và lách luật như ông thì còn đâu kỷ cương phép nước?

Hai là, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã thừa nhận nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1000 học sinh là đáng tin cậy, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo tại sao lại cho "thí điểm" đến 16 tỉnh và 50 ngàn học sinh? Đến nay con số đã lên tới 48 tỉnh? 

Hai ông nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng giải thích thế nào về việc Giáo sư Hồ Ngọc Đại tố quý vị chấp nhận danh từ "thí điểm" để lách luật?

Người viết từng được một vị Giáo sư khả kính trong giới nghiên cứu sinh học cho biết, có thí nghiệm chuột bạch cũng chỉ đến 50 con là cùng.

Thế mà người ta có thể cho “thực nghiệm” hàng trăm ngàn học sinh hết thế hệ này đến thế hệ khác thì thật kỳ lạ.

Và cứ theo câu cuối trong phần trích dẫn nội dung được cho là Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói trên Vietnamnet mà "suy", có thể đặt vấn đề:

Tất cả những "bùng nhùng", "bung bét" của VNEN, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục hay Thông tư 30...thuộc về ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển chứ không phải tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại phủ nhận sạch trơn mọi nỗ lực của hơn 500 nhà khoa học là chủ nhân của Chương trình năm 2000. Ông cho rằng:

"Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì."

Vậy xin được hỏi Giáo sư Hồ Ngọc Đại, trong 38 năm qua "thực nghiệm" Công nghệ giáo dục của mình, ông đã tiêu tổng cộng bao nhiêu tiền từ ngân sách nhà nước, đã đo nghiệm được những gì?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: Thinh Pham / Youtube.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: Thinh Pham / Youtube.

Ai thẩm định kết quả đo nghiệm ấy và thẩm định dựa trên căn cứ pháp lý nào?

Sở dĩ phải đặt câu hỏi này, vì người viết tìm mỏi mắt trên Google cũng chỉ thấy những lời khen ngợi từ những người được Giáo sư Hồ Ngọc Đại vận động và làm việc trực tiếp, cho nên thiếu tính khách quan và thuyết phục.

Còn khi một phụ huynh là công nhân đặt câu hỏi về những "vấn đề" trong sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì Giáo sư Hồ Ngọc Đại im lặng.

Một số giáo viên trường thực nghiệm dạy sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng.

Ngày 16/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 1842/CV-NXBGDVN gửi từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tư cách là nhà xuất bản bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại với nội dung nhằm trả lời ý kiến của tác giả Trần Hương Giang. 

Tuy nhiên đọc hai bài viết này, người viết không hiểu các tác giả muốn nói gì. Họ không trả lời câu hỏi của vị phụ huynh kia đặt ra, mà nói lòng vòng trên mây trên gió để ca ngợi Công nghệ giáo dục là hay, là tiên tiến.

Như thế chẳng khác nào người ta hỏi anh ăn cơm chưa, anh lại trả lời: Tôi tắm rồi!

Còn với ông Nguyễn Vinh Hiển, ngày 12/9/2013 báo Vietnamnet đưa tin: Chấm dứt 'thí điểm' một chương trình giáo dục 35 năm.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh: giaoduc.edu.vn.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh: giaoduc.edu.vn.

Bài báo nói về chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại "có lúc công khai, có khi lén lút", đến 2013 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm dứt "thí điểm lớp 1" mà triển khai đại trà.

Trong bài báo này, ông Nguyễn Vinh Hiển được Vietnamnet dẫn lời nói rằng: 

“Chính do tính ưu việt của chương trình, do nhu cầu ngày càng lớn của các địa phương nên Bộ GD-ĐT đã quyết định triển khai đại trà. 

Khi một bộ tài liệu đã được Bộ phê duyệt thì Bộ phải đảm bảo đó là tốt nhất hiện có để dạy và học”.

Nếu những nội dung báo Vietnamnet đưa mà người viết trích dẫn trên đây đúng là phát biểu của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, thì xin đề nghị ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết:

Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã qua Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa thẩm định hay chưa? Hội đồng thẩm định gồm những ai?

Làm thế nào để sách của GS. Hồ Ngọc Đại vào được nhà trường? ảnh 5

Công nghệ giáo dục còn "thực nghiệm" học sinh đến bao giờ?

(GDVN) -Thực nghiệm trên học sinh đã 38 năm, nay còn triển khai đến hơn 40 tỉnh thành, vậy nhưng giáo dục công nghệ vẫn chưa kết thúc. Tại sao lại như vậy?

Cũng trong bài báo này của Vietnamnet còn cho thấy một "âm mưu" khác:

"Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng nếu việc áp dụng thành công, đây sẽ là một trong những phương thức dạy học được hướng đến trong đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau 2015." [2]

Sở dĩ người viết dùng từ "âm mưu" đặt trong ngoặc kép là vì, cho đến nay chương trình tổng thể và chương trình bộ môn của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong suốt một nhiệm kỳ của ông Luận, ông Hiển còn chưa được Bộ phê duyệt.

Ấy vậy mà đã có kế hoạch đưa Công nghệ giáo dục, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục vào chương trình phổ thông trên toàn quốc mà có thể chính nó chưa qua thẩm định thì thật nguy hiểm. 

Bởi làm như vậy thì khác nào sinh con rồi mới sinh cha?

Do đó người viết đề nghị nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lên tiếng về những thông tin được cho là phát biểu của hai ông trên báo chí, cũng như "một bí mật không ai biết" được cho là Giáo sư Hồ Ngọc Đại tiết lộ trên Vietnamnet ngày 21/5/2012.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html

[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/139930/cham-dut-thi-diem-mot-chuong-trinh-giao-duc-35-nam.html

Hồng Thủy