Văn bản này đề nghị lãnh đạo cơ quan tố tụng chỉ đạo giữ nguyên quyết định số 4674 do chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký.
Để đảm bảo tính khách quan, thông tin đa chiều từ vụ án này, chúng tôi đăng tải toàn bộ văn bản trên như sau:
Trong hai ngày 07 và 10/10/2016, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân khởi kiện Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu hồi bằng tiến sỹ.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã đánh giá việc Bộ trưởng Bộ GDĐT xác minh tố cáo, giải quyết tố cáo, kết luận và ra quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng thẩm quyền, thời hạn, trình tự thủ tục quy định tại Luật Tố cáo, Quy chế đào tạo sau đại học, Quy chế văn bằng chứng chỉ. Tuy nhiên, về quan điểm giải quyết nội dung vụ án, đại diện VKSND TP HN cho rằng trong quá trình Bộ GD&ĐT xác minh nội dung tố cáo, vẫn còn một số vấn đề chưa được làm rõ, đó là:
- Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ (LATS) do Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế (CDGSNKT) thành lập gồm nhiều người không thuộc Hội đồng CDGSNKT; Việc xác minh, đánh giá LATS của ông Hoàng Xuân Quế với thành phần và cung cách như vậy chưa bảo đảm khoa học, khách quan.
- Về 03 cuốn LATS do ông Hoàng Xuân Quế thu thập, Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an theo trưng cầu của A83 Bộ Công an vẫn còn một số vấn đề chưa rõ, như các lỗ dập ghim trên các trang có nghi ngờ sao chép nhiều hơn hay ít hơn so với lỗ dập ghim trên các trang còn lại…
- Hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa xác định được trong 06 cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế trong vụ án này (03 cuốn do Bộ GD&ĐT thu thập, và 03 cuốn do ông Hoàng Xuân Quế thu thập) thì cuốn nào được ông Quế bảo vệ tại Hội đồng bảo vệ LATS cấp nhà nước.
Vì vẫn còn những vấn đề cần làm rõ như trên, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên hủy Quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.
Phiên tòa xét xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sĩ thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. ảnh: HM. |
Qua báo cáo và ghi chép của Luật sư đại diện và bảo về quyền lợi cho Bộ GDĐT, chúng tôi xin gửi tới các cấp toà quan điểm chính thức của Bộ GDĐT về các ý kiến trên như sau:
Phát biểu nêu trên của vị đại diện Viện kiểm sát đã không được tranh tụng tại phiên tòa và sau đó đã được một vài tờ báo trích đăng ý kiến. Để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được Hiến pháp quy định, Bộ GDĐT có một số ý kiến phản biện lại quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội như sau:
Các ý kiến trên đây hoàn toàn đã được làm rõ trong hồ sơ vụ việc:
- Ý kiến của Hội đồng Xác minh LATS do Hội đồng CDGSNKT thành lập là tài liệu Tổ xác minh của Bộ GDĐT thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo. Hội đồng Xác minh LATS do Hội đồng CDGSNKT được thành lập trong giai đoạn xác minh nội dung báo chí phản ánh, không phải trong giai đoạn giải quyết tố cáo chính thức (từ ngày 19/9/2013 đến 11/10/2013).
Tại sao những tài liệu, hồ sơ của Hoàng Xuân Quế ở Bộ Giáo dục lại biến mất? |
Công văn của Bộ đề nghị Hội đồng CDGSNKT với mục đích giao HĐ chủ trì xác minh việc có sao chép luận án hay không và nếu có sao chép thì khi bỏ phần sao chép ra, luận án còn giá trị, còn đạt yêu cầu hay không…
Còn việc mời nhà khoa học nào tham gia Hội đồng xác minh là do Chủ tịch HĐ quyết định cho phù hợp với chuyên ngành của Luận án cần xác minh nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả xác minh nội dung LA.
Bởi vì, ngành kinh tế rất rộng bao gồm nhiều chuyên ngành nhỏ như Quản lý kinh tế, kinh tế đầu tư, Kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng... Nếu chỉ lấy những người là thành viên của HĐ ngành nhưng lại ở những chuyên ngành khác, không cùng chuyên ngành với luận án thì không đánh giá được sâu sát.
Đây là vấn đề hệ trọng, phải do những người thuộc chuyên ngành hẹp, đúng lĩnh vực chuyên môn sâu đánh giá để đảm bảo chính xác. Hội đồng này không có nhiệm vụ chấm lại LATS của ông Quế.
Đại diện Bộ Giáo dục nêu quan điểm về vụ cựu Bộ trưởng bị kiện ra tòa |
Kết luận của Hội đồng cũng chỉ có giá trị tham khảo trong quá trình giải quyết tố cáo. Tổ xác minh của Bộ đã thực hiện xác minh trực tiếp các tài liệu chứng cứ đã thu thập được theo quy trình giải quyết tố cáo để báo cáo kết quả xác minh, làm cơ sở ban hành kết luận nội dung tố cáo (Kết luận nội dung tố cáo của Bộ GDĐT không căn cứ trực tiếp vào báo cáo kết quả xác minh của Hội đồng CDGSNKT).
- Về ba cuốn luận án được Bộ GDĐT sử dụng làm căn cứ đối chiếu, so sánh nội dung sao chép là 03 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ chính thức theo đúng tiến trình đào tạo, cấp bằng tại các địa chỉ: Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD (cơ sở đào tạo) và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Trong đó:
+ Cuốn Luận án nộp tại Thư viện Quốc gia là cuốn Luận án theo quy định phải lưu giữ bắt buộc sau khi NCS bảo vệ xong Luận án tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước để được cấp bằng tiến sỹ.
+ Cuốn Luận án nộp tại Thư viện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sau khi bảo vệ là hồ sơ lưu của quá trình đào tạo của NCS tại Trường.
+ Cuốn tại Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là cuốn luận án ông Quế nộp cho Bộ GD&ĐT để làm thủ tục thành lập Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước (trước khi bảo vệ).
Luận án này được Bộ GDĐT chuyển cho Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ từ năm 2008, được Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM vào Sổ đăng ký cá biệt tài sản Thư viện ngày 18/02/2008, nhập kho ngày 19/3/2008 số TQ:52/2008 (việc chuyển luận án này cùng với nhiều luận án khác, trên cơ sở đề nghị của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM để lưu giữ kết hợp với khai thác, sử dụng và được Bộ GDĐT chấp thuận).
Các cuốn luận án gốc nêu trên đã được Bộ GDĐT thu thập và lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, khi thu nhận các quyển luận án để làm căn cứ đối chiếu nội dung sao chép đều có đầy đủ biên bản và xác nhận của các Thư viện.
Về chữ ký tại Lời cam đoan trên các quyển luận án: Tại thời điểm 2003 khi ông Quế bảo vệ luận án, không có quy định nào bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan.
Quy chế đào tạo sau đại học ban hành theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/6/2000 không quy định Luận án tiến sĩ phải có Lời cam đoan. Phần hướng dẫn về cách trình bày đối với một luận án tiến sĩ theo Công văn số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 có nội dung mô tả mẫu bố cục của Luận án qua trang Mục lục trong đó phần Lời cam đoan được bố trí sau trang bìa phụ của luận án, không quy định về việc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan (Quy chế tiến sỹ hiện hành cũng không quy định bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký tên vào phần lời cam đoan của luận án).
Thực tế có rất nhiều trường hợp không ký tên vào Lời cam đoan khi nộp luận án cho Thư viện. Tại biên bản làm việc với Lãnh đạo Thư viện Quốc gia vào ngày 30/9/2013, Thư viện quốc gia khẳng định: Quy trình thu nhận luận án tiến sĩ tại Thư viện quốc gia vào thời điểm 2002-2003 không có quy định bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào lời cam đoan của cuốn luận án khi nộp cho Thư viện.
Do đó Thư viện không kiểm soát chữ ký của nghiên cứu sinh vào lời cam đoan của luận án khi tiến hành thu nhận. Thế nên trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp nghiên cứu sinh không ký vào Lời cam đoan của luận án.
Khi kiểm tra xác suất 12 cuốn luận án tiến sĩ lưu tại kho của Thư viện Quốc gia tại thời điểm năm 2002, 2003, 2004 cho thấy có đến 05/12 cuốn luận án nghiên cứu sinh không ký vào phần Lời cam đoan (trong đó có cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế và cả luận án của ông Mai Thanh Quế).
Kiểm tra xác suất 10 cuốn lưu tại Thư viện Trường KTQD vào thời điểm 2002-2004 có 5/10 cuốn không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào Lời cam đoan.
Như vậy, việc không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào phần Lời cam đoan của luận án không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của cuốn luận án. Ba cuốn luận án nêu trên có tính pháp lý đầy đủ vì đều được tiếp nhận, lưu giữ trên cơ sở pháp luật và do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý.
Thư viện Quốc gia là nơi lưu giữ chính thức các luận án của quốc gia theo quy định tại Nghị định số 72/2002/NĐ-CP. Việc so sánh, đối chiếu nội dung sao chép được Bộ GDĐT căn cứ vào 03 bản luận án của ông Hoàng Xuân Quế (có cùng nội dung) được thu nhận tại các thư viện đang lưu giữ chính thức với quyển của ông Mai Thanh Quế do Thư viện Quốc gia cung cấp là có căn cứ và phù hợp với các quy định về quy trình đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các thư viện, được thu thập theo thủ tục luật định, có hồ sơ lưu đầy đủ nên đủ căn cứ để chấp nhận.
Thực tế thì các cuốn luận án mà Bộ dùng làm căn cứ đối chiếu, kết luận sao chép nêu trên còn trùng với nội dung cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” do một mình ông Hoàng Xuân Quế đứng tên tác giả, xuất bản năm 2004. Những nội dung bị tố cáo sao chép trong luận án cũng được sử dụng trong cuốn sách này.
Vì vậy, không thể không thừa nhận 3 cuốn luận án đang được lưu giữ chính thức tại các thư viện nêu trên là của ông Hoàng Xuân Quế.
- Về 03 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế nộp lại và khẳng định là bản chính thức được dùng để bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước ngày 26/10/2003. Bộ GDĐT đã xem xét nhận thấy một số điểm không đúng quy định: Hai cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng; 03 cuốn LATS này không bảo đảm tính pháp lý (việc lưu giữ tại nhà các thành viên hội đồng chấm luận án là không bắt buộc theo quy định pháp luật) và phương pháp thu thập không bảo đảm tính khách quan.
Hội đồng chấm luận án đã giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ và không ai quy định Hội đồng phải lưu giữ luận án. Vì vậy, những cuốn luận án “được xin lại” từ thành viên hội đồng môt cách không khách quan, với hình thức không đồng nhất, không đúng quy định (bìa cứng, font chữ…) không phải là căn cứ để giải quyết tố cáo.
Như vậy, ba vấn đề mà đại diện VKSND TPHN nêu đã có đầy đủ trong hồ sơ vụ án. Bằng văn bản này, chúng tôi khẳng định lại không còn vấn đề nào cần làm rõ như đề nghị của đại diện VKSND Thành phố Hà Nội tại phiên toà; Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 là có đủ căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tế khách quan.
Quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế của Bộ GDĐT không đơn thuần là kết quả giải quyết tố cáo của Bộ GDĐT theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương, tạo niềm tin của xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo.
Một bản án không đúng bản chất vụ việc sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng đối với lòng tin của xã hội, đặc biệt là của giới trí thức vào công tác xét xử nói riêng và nền tư pháp nói chung, cản trở quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng.
Bộ GDĐT rất mong các đồng chí quan tâm chỉ đạo xem xét đúng bản chất vụ việc, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, giữ nguyên các quyết định đúng pháp luật của Bộ GD&ĐT.