Sau khi có nội dung văn bản của ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đăng tải gửi tới một số cơ quan tố tụng, Luật sư Trần Hồng Phúc – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng Xuân Quế ngay lập tức có ý kiến phản biện, nêu cụ thể 6 vấn đề.
Thứ nhất, việc làm này của Bộ GD&ĐT đã vi phạm Điều 13 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, ghi rõ:
1. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dưới bất kỳ hình thức nào.
Thứ hai, vi phạm Điều 190 quy định: Phát biểu của Kiểm sát viên. Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.
Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng có những dấu hiệu cho thấy rất có thể ông Hoàng Xuân Quế bị trù dập. ảnh: LS Phúc cung cấp. |
Thứ ba, không rõ công văn của Bộ GD&ĐT ký gửi cho Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND Thành phố Hà Nội, Viện KSND Thành phố Hà Nội đã đến nơi nhận hay chưa và công văn này có được gửi đến các cơ quan báo chí hay không? Nhưng vào 22h ngày 16/10/2016, có một số tờ báo đã đăng tải nội dung công văn này.
Thứ bốn, các nội dung trong công văn này không có gì mới, chỉ mang tính chất ngụy biện.
Về vấn đề giải quyết tố cáo, chúng tôi khẳng định Bộ GD&ĐT đã vi phạm Điều 18 Luật Tố cáo 2011. Tại điều luật này được ghi rõ về trình tự giải quyết tố cáo:
Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;
2. Xác minh nội dung tố cáo;
3. Kết luận nội dung tố cáo;
4. Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo;
5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Chiều nay (17/10), TAND Thành phố Hà Nội tuyên án vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì han hành quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế. ảnh: HM. |
Thứ năm, về hồ sơ gốc của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế: Ở đây, hồ sơ "gốc" của nghiên cứu sinh phải là tài liệu được thu thập, hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết đối với việc đào tạo nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế từ khi bắt đầu đến khi cấp bằng tiến sĩ.
Ông Quế bảo vệ luận án cấp nhà nước, là nghiên cứu sinh của Bộ GD&ĐT nên hồ sơ này phải được lưu trữ theo quy định và phải luôn được đảm bảo tính truy nguyên nguồn gốc của quá trình đào tạo nghiên cứu sinh.
Pháp lệnh lưu trữ Quốc gia số 34/2001/PL-UBTVQH10 và sau này thay thế bằng Luật lưu trữ 2012, đều quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc quản lý hồ sơ lưu trữ.
Hồ sơ đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh là loại hồ sơ gốc của cán bộ, công chức nên thuộc nhóm tài liệu bảo quản vĩnh viễn theo quy định.
Điều 8 Luật lưu trữ 2012 còn có quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là làm mất tài liệu lưu trữ, chuyển giao trái phép tài liệu lưu trữ.
Việc luận án gốc của ông Quế bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ năm 2003 cũng như các bản phản biện kín của các nhà khoa học hay một số tài liệu liên quan khác không còn dù với lý do bị mất hay chuyển đi đâu, đến nay không có hoặc đưa ra tài liệu khác thay thế nhưng không bảo đảm “tính tác giả”, tính truy nguyên nguồn gốc là của ông Quế thì Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, sau khi bảo vệ luận án, như ông Quế trình bày thì ông Quế còn phải sửa chữa, tiếp thu theo ý kiến của Hội đồng chấm luận án để hoàn chỉnh luận án mới đi nộp cho Bộ GD&ĐT, Thư viện Quốc gia và Thư viện trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Như vậy, trong hồ sơ gốc của ông Quế lưu tại Bộ GĐ&ĐT không chỉ có 02 quyển mà phải có 03 quyển luận án: 01 quyển được nộp trước khi bảo vệ để xin quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án; 01 quyển nộp kèm theo hồ sơ bảo vệ tại buổi bảo vệ luận án và 01 quyền được nộp sau khi đã chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng chấm luận án.
Đối với cuốn thu thập tại thư viện Quốc gia, theo quy định tại tiểu mục 3.1 Mục III Hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ ban hành kèm theo quyết định số 8217/SĐH ngày 1/9/2000 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn đánh giá luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải nộp cho Thư viện quốc gia cuốn luận án (có chữ ký cam đoan của mình), kèm theo có các tài liệu sau: 1 bản tóm tắt luận án, 1 Quyết định thành lập hội đồng chấm luận án, 3 bản nhận xét của phản biện và 1 Quyết nghị của hội đồng chấm luận án, đều được đóng vào phần cuối luận án.
Không có việc tách rời để xác định mất hay thư viện không lưu giữ hoặc nghiên cứu sinh không nộp như Biên bản làm việc ngày 30/9/2013 của Tổ xác minh Thanh tra Bộ và Thư viện Quốc gia.
Hơn nữa, khẳng định của ông Quế phù hợp với nội dung tại Giấy biên nhận luận án ngày 5/11/2003 là Thư viện Quốc gia đã nhận của NCS 1 cuốn luận án (có chữ ký cam đoan của ông Quế), kèm theo có các tài liệu sau 1 bản tóm tắt luận án, 1 Quyết định thành lập hội đồng chấm luận án, 3 bản nhận xét của phản biện và 1 Quyết nghị của hội đồng chấm luận án.
Cuốn luận án thu thập tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân mà Bộ thu thập không phải của ông Quế, vì tại Biên bản làm việc ngày 1/10/2013, Giám đốc thư viện và cán bộ chuyên trách thư viện của nhà trường này khẳng định quy trình nhận luận án lưu thư viện năm 2002 - 2003 là: Thư viện thu luận án, phát phiếu nộp luận án cho người nộp, người nộp ký vào Sổ theo dõi của thư viện.
Đối chiếu cuốn luận án thu thập tại đây không có chứ ký của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.
Ngoài ra, căn cứ để xác định cuốn luận án do ông Quế nộp phụ thuộc chữ ký của ông Quế tại Sổ theo dõi thư viện nhưng Lãnh đạo thư viện nhà trường lại cho rằng không tìm thấy sổ ký nhận nộp của ông Quế vì sau nhiều lần chuyển kho bị thất lạc, thư viện chỉ con lưu Sổ theo dõi từ năm 2009 đến nay.
Đối với cuốn thu thập tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, theo quy chế đào tạo sau đại học thì Bộ có trách nhiệm lưu, quản lý luận án của NCS. Không có văn bản pháp lý nào quy định Bộ GD-ĐT được quyền không lưu giữ mà chuyển luận án cho thư viện các địa phương.
Cuốn thu thập tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM cũng không có chữ ký cam đoan của NCS Hoàng Xuân Quế, không phải do ông Quế nộp, thư viện này không phải là nơi có quyền lưu giữ luận án của NCS Hoàng Xuân Quế theo quy định.
Điểm đặc biệt là tại Điều 27 Quy chế đào tạo sau Đại học ban hành kèm Quyết định số 18 ngày 08/6/2000 còn quy định: “Sau buổi bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước 02 tuần, cơ sở đào tạo có trách nhiệm chuyển Bộ Giáo dục và Đào tạo toàn bộ hồ sơ của buổi bảo vệ luận án”.
Vì thế, nếu không có luận án gốc cùng hồ sơ bảo vệ của nghiên cứu sinh thì Bộ không thể thực hiện được trách nhiệm thẩm định kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ cho họ.
Điều này một lần nữa khẳng định Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý, lưu trữ hồ sơ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh, phù hợp với sự thừa nhận của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bộ GD&ĐT tại phiên tòa sơ thẩm.
Song không hiểu vì sao Bộ GD&ĐT có lưu hồ sơ này, nhưng lại không có những tài liệu quan trọng như vậy?!
Thứ sáu, về phần lời cam đoan: Theo quy định tại Quy chế đào tạo sau Đại học ban hành theo quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/6/2000 và phần hướng dẫn về cách trình bày đối với một luận án tiến sĩ theo công văn số 8217/SĐH ngày 1/9/2000 cho thấy, bắt buộc nghiên cứu sinh phải có lời cam đoan.
Đã là lời cam đoan thì chắc chắn phải ký và ghi rõ họ, tên, thậm chí còn phải ghi cả số chứng minh thư để xác nhận và khẳng định đó là sản phẩm của mình. Nếu có gì sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, trả lời từ phía Bộ GD&ĐT chỉ là loanh quanh, ngụy biện!
Công luận đang trông chờ vào một bản án công minh, khách quan, thượng tôn pháp luật.