Xung quanh vụ Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố 67% nước mắm có arsen tổng (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép đang gây ra nhiều lo lắng cho người tiêu dùng, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, lẽ ra khi có thông tin thì tổ chức này cần phải trao đổi với các cơ quan chuyên ngành của nhà nước và phải hết sức thận trọng khi phát ngôn, vì ngay lập tức có thể gây ra tâm lý hoang mang lo sợ cho hàng triệu người.
Bà Phạm Khánh Phong Lan hiện là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã nói thẳng: “Chúng ta phải xem lại những kết quả này có đúng về mặt chuyên môn hay không? Tôi cũng là người làm việc trong lĩnh vực hóa học nên tôi thấy rằng cần phải phân biệt rõ asen vô cơ, arsen hữu cơ.
Quy trình làm nước mắm truyền thống của ông cha chúng ta đã để lại từng hàng nghìn đời nay rồi, bản thân arsen hữu cơ luôn tồn tại trong các hải sản cho nên nó xuất hiện trong nước mắm là bình thường thôi”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan chấn an người dân cần phải cảnh giác với những thông tin mập mờ về sản phẩm tiêu dùng. ảnh: Thu Hồng. |
Bà Lan nêu quan điểm, cá nhân bà vẫn ủng hộ nước mắm truyền thống hơn nước mắm công nghiệp, cho dù bây giờ sản xuất công nghiệp có lợi thế về thời gian, chi phí để có thể tiếp cận đến người tiêu dùng với giá rẻ nhất.
“Đừng vì cạnh tranh không lành mạnh, kết luận vội vàng có thể giết chết ngành truyền thống của nước nhà khi mà nước ta đã nổi tiếng về sản xuất nước mắm. Đối với sản phẩm xuất khẩu lâu nay là nước mắm truyền thống, chứ đâu phải là nước mắm công nghiệp”, bà Lan nói.
Theo Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, qua sự việc này chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phải có động thái quyết liệt, có câu trả lời chính thức nhanh hơn để cho người dân an tâm, biết sử dụng sản phẩm nào an toàn.
“Cứ nói khơi khơi theo Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra, nghe đến ai cũng sợ. Trong giới làm khoa học, người ta mới hiểu. Thạch tín cũng có 5 - 6 loại, có loại cho phép, có loại không cho phép. Tôi cho rằng, người dân phải hết sức thận trọng khi nghe thấy thông tin kiểu này.
Tôi khẳng định, mẫu trên thị trường có rất nhiều, không chỉ cơ quan Nhà nước mà các cá nhân khi cảm thấy lo ngại thì có thể mua sản phẩm, đem đến một trung tâm, đơn vị có chức năng kiểm nghiệm để phân tích.
Nhưng khi có kết quả, trên các mẫu đều chú thích là chỉ có giá trị cho mẫu gửi mà không có giá trị chung cho toàn bộ.
Ở phía cơ quan quản lý Nhà nước, nếu chúng tôi lấy mẫu thì có sự khách quan hơn. Nếu như cá nhân, đơn vị lấy mẫu thì không loại trừ khả năng có đối thủ cạnh tranh, tác động”, bà Lan chia sẻ.
Vinastas không có quyền công bố về mức độ an toàn của nước mắm(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định: "Không thể có chuyện anh muốn làm gì anh làm, lên diễn đàn công bố là không được phép". |
Cũng theo vị Đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh, khi cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ thì qua quá trình lấy mẫu trên thị trường sẽ lấy mẫu khách quan.
Nếu mẫu không đạt chất lượng thì phải lấy thêm một số mẫu cần thiết theo đúng tiêu chuẩn khoa học.
Nếu chỉ lấy mẫu trên một vài sản phẩm của đơn vị sản xuất thì chỉ có tác dụng trên một số mẫu đó.
“Trong trường hợp xét nghiệm nước mắm mà kết luận như thế này là quá vội vàng”, bà Lan khẳng định.
Trong ngày 21/10, phóng viên cũng đã ghi nhận ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại trước những thông tin mập mờ như Vinastas đã công bố.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre) nhận định: “Việc công bố thông tin không rõ ràng như thế sẽ gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đồng thời cũng gây hoang mang cho những người sản xuất nước mắm truyền thống”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cũng bày tỏ: “Khi công bố thông tin thì các cơ quan, tổ chức phải đưa ra đầy đủ các luận chứng về khoa học, không thể gây thiệt hại cho những người dân làm ăn chân chính.
Đối với vụ việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra thông tin chính thức, để ổn định niềm tin cho người tiêu dùng, cho những người sản xuất nước mắm truyền thống chân chính”.
Trước đó, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng khẳng định: "Nếu vì quyền lợi người tiêu dùng, phát hiện ra vấn đề thì phải đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc xử lý việc đó.
Tại sao anh lại làm lộn xộn những việc như thế. Ở đây, muốn làm thì phải được Bộ Y tế ủy quyền để thực hiện việc công bố còn việc làm như vậy rất có thể có hiện tượng tiêu cực”.
Đại biểu Cương cũng chấn an lo lắng của người dân: "Khi cơ quan quản lý Nhà nước chưa có kết luận chính thức công bố thì người tiêu dùng không việc gì phải lăn tăn cả. Thông tin đó không có gì đáng tin cậy".
Trước sự việc này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Trương Minh Tuấn đã nói: Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người (tiêu dùng nước mắm) và công ăn việc làm của hàng chục vạn người (sản xuất nước mắm) mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy? Đó là giả định những cơ quan báo chí và các nhà báo đưa tin trên là lương thiện, chỉ cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp mà thôi. Còn việc nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật. |