Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, học sinh sẽ có 2 bài thi tự chọn theo hình thức trắc nghiệm là khối tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân).
Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng thi hình thức trắc nghiệm khách quan đối với môn Lịch sử và một số môn khác.
Thầy Nguyễn Hữu Đạt – Tổ trưởng môn Lịch sử của Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cho dù hình thức thi tự luận hay thi trắc nghiệm, học sinh vẫn phải học bài thật nghiêm túc, thì mới có thể đạt được kết quả cao được.
Thầy Nguyễn Hữu Đạt trong giờ lên lớp môn Sử ở Trường Võ Thị Sáu (ảnh: P.L) |
Thầy Nguyễn Hữu Đạt thông tin, mới đây nhất, tại trường Võ Thị Sáu, thầy Đạt cũng áp dụng hình thức trắc nghiệm vào việc làm bài kiểm tra ở lớp, và kết quả cũng không khác nhiều so với hình thức làm tự luận.
Theo đại diện Trường Võ Thị Sáu, từ nhiều năm nay, số lượng học sinh đăng ký thi môn Lịch sử là rất ít (so với số thí sinh thi tốt nghiệp), chỉ có những học sinh nào đăng ký thi Đại học vào khối C mới chọn, nên phần lớn, học sinh chưa chú trọng nhiều vào môn thi này.
Tính ưu điểm của việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan vào môn Lịch sử, có thể sẽ giúp cho học sinh có điểm cao hơn, do chỉ cần nhớ ý chính của câu hỏi, nhìn vào câu trả lời gợi ý là học sinh sẽ có thể biết được đâu là câu trả lời chính xác.
Còn đối với phương pháp tự luận, học sinh phải học bài kỹ, nắm vững kiến thức thì mới có thể trả lời được câu hỏi.
Thầy Đạt cũng nói rằng, phương pháp thi nào cũng có những ưu và khuyết điểm riêng, lần đầu tiên áp dụng nên cần phải xem tình hình thực tế của kỳ thi như thế nào thì mới đánh giá được.
Hình thức thi nào thì cũng yêu cầu đầu tiên là học sinh phải bám theo kiến thức được học trong sách giáo khoa, nhưng thi trắc nghiệm có đến 40 câu hỏi, mỗi câu chỉ là 0,25 điểm, nên học sinh sẽ dễ làm bài, kiếm điểm hơn so với tự luận là cần phân tích đề kỹ.
Tất nhiên, đề thi hình thức nào cũng sẽ có những câu hỏi khó, vận dụng và yêu cầu cao đối với học sinh, nhưng chắc chắn là trắc nghiệm các câu hỏi này sẽ không quá khó so với hình thức tự luận.
Về đề thi mẫu môn Lịch sử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, tổ trưởng môn Lịch sử của Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu khẳng định: Đây là đề thi dễ dàng với học sinh, hoàn toàn không có gì lắt léo, nên nếu đề thi như vậy, học sinh bình thường hoàn toàn có thể đạt điểm 8.
Cuối cùng, thầy Nguyễn Hữu Đạt kết luận: Nếu sử dụng môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp cho học sinh, hình thức thi trắc nghiệm là phù hợp, do không phân loại được học sinh nhiều.
Còn nếu muốn dùng môn Lịch sử để xét vào các trường Đại học, Cao đẳng thì tốt nhất là thi tự luận Lịch sử, vì sẽ phân hóa và nâng cao kiến thức của học sinh hơn.