Ông Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo nòng cốt"

28/10/2016 09:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Khái niệm "lãnh đạo nòng cốt" hay "hạt nhân lãnh đạo" thường đại diện cho sức mạnh chính thức hay quyền phủ quyết.

South China Morning Post ngày 28/10 đưa tin, Hội nghị Trung ương 6 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vừa kết thúc đã mở rộng thêm quyền lực chính trị cho Tổng bí thư Tập Cận Bình bằng cách xác nhận ông là "hạt nhân lãnh đạo" hay "lãnh đạo nòng cốt" của đảng.

Với sự xác nhận này, địa vị của Tổng bí thư Tập Cận Bình có thể giúp ông gây ảnh hưởng nhiều đến tương lai Trung Quốc sau đại hội 19 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2017.

Chủ tịch Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.
Chủ tịch Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.

Thông cáo báo chí Hội nghị Trung ương 6 phát hành hôm qua 27/10 cũng cho biết, hội nghị đã thông qua hai văn kiện sửa đổi, đó là Điều lệ Giám sát nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và Các chuẩn mực sinh hoạt chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc trong tình hình mới.

Đây là 2 văn kiện nhằm tăng cường giám sát với các lãnh đạo cấp cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc, từ Thường vụ Bộ chính trị trở xuống.

Thông cáo kêu gọi tất cả đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ban chấp hành Trung ương mà "đồng chí Tập Cận Bình là nòng cốt".

Giới phân tích chính trị Trung Quốc cho rằng, khái niệm "lãnh đạo nòng cốt" hay "hạt nhân lãnh đạo" thường đại diện cho sức mạnh chính thức hay quyền phủ quyết.

Thuật ngữ này được Đặng Tiểu Bình sử dụng cuối năm 1989 để gọi Mao Trạch Đông, gọi chính mình và người kế nhiệm - Giang Trạch Dân.

Từ đầu những năm 1990 các văn kiện chính thức và báo chí Trung Quốc gọi ông Giang Trạch Dân là "hạt nhân lãnh đạo". Tuy nhiên danh hiệu này đã bị người kế nhiệm ông - cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tránh dùng.

Trong 10 năm nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào chỉ cho gọi mình bằng đúng chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương, mà không đi kèm thuật ngữ "lãnh đạo nòng cốt" hay "hạt nhân lãnh đạo".

South China Morning Post lưu ý, ông Hồ Cẩm Đào trên thực tế cũng là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc đầu tiên tự xem mình bình đẳng với 8 thành viên khác trong Thường vụ Bộ chính trị.

Với sự xác nhận mới từ Hội nghị Trung ương 6, dự kiến ông Tập Cận Bình sẽ đóng một vai trò nổi bật hơn trong những năm tới, một sự tương phản sắc nét với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Đại hội 19 sẽ bầu ra hơn 300 ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết. 11/25 ghế ủy viên Bộ chính trị, 5/7 ghế ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa 18 cũng sẽ đến tuổi nghỉ hưu trong đại hội 19.

Không giống như chức vụ Tổng bí thư, thuật ngữ "lãnh đạo nòng cốt" hay "hạt nhân lãnh đạo" không được định nghĩa cụ thể trong các văn kiện của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị Trung Quốc từ Bắc Kinh cho rằng, tham chiếu mới này mang hàm ý, ông Tập Cận Bình được đảm bảo quyền lực tối thượng, không bị thách thức:

"Nó có nghĩa là ông ấy có quyền phủ quyết chính thức. Đó là quyền lực thực sự. Nó cũng có nghĩa là sự chấm dứt vai trò "lãnh đạo nòng cốt" của ông Giang Trạch Dân, vì không thể có 2 "nòng cốt" trong đảng".

Thông cáo báo chí cũng nhấn mạnh, các thành viên Thường vụ Bộ chính trị, Bộ chính trị hay Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là đối tượng điều chỉnh của 2 văn kiện mới sửa đổi.

Điều này có nghĩa là mọi lãnh đạo cao cấp trong đảng đều nằm trong phạm vi giám sát và sẽ không có cái gọi là "quyền miễn trừ".

Tài liệu tham khảo:

http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2040675/chinese-communist-party-expands-xi-jinpings-political

Hồng Thủy